Bộ trưởng GD&ĐT: 80% người biên soạn sách không dạy phổ thông
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước đó, người đứng đầu ngành giáo dục cũng trả  lời bằng văn bản cho 25 đại biểu. Sử dụng các nguồn lực thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục và vấn đề xã hội hóa giáo dục là những trọng tâm mà đại biểu đặt ra trong 90 phút đăng đàn đầu tiên của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

Khoảng 80% người biên soạn sách không dạy phổ thông

Dẫn lại câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tại một kỳ họp từ khóa XI về việc “chương trình học tập các cấp đã được chỉnh lý phù hợp và sẽ còn thích hợp cho nhiều năm”, đại biểu Nguyễn Lân Dũng nêu vấn đề: “Bộ trưởng có đồng ý đối thoại với các đại biểu quan tâm đến GD rằng vì sao chúng ta không dùng 1 chương trình SGK  phổ biến như trên thế giới, nhẹ hơn và sâu hơn không?”

Đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) băn khoăn “Bộ trưởng suy nghĩ gì khi đa số cử tri cho rằng SGK nhất là bậc phổ thông hiện không phù hợp dù ông vừa nói thế là phù hợp lắm rồi. Ngay cả việc in SGK cũng không phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Sách in xong chỉ dùng được một năm không truyền lại được cho ai, là đúng hay không?”.

Đính chính lại những nghi vấn của các đại biểu về chất lượng SGK mà theo Bộ trưởng là do thông tin từ báo chí, ông Nhân tâm tình, khi mới về Bộ, xem báo cáo ông thấy đội ngũ biên soạn SGK các cấp là những soạn giả có uy tín.

Nhưng Bộ trưởng Nhân cũng thừa nhận: “Khoảng 80% những người đó ở thời điểm biên soạn không trực tiếp dạy bậc phổ thông (họ có thể đã từng dạy trước đó – PV)”. Thậm chí có những hoài nghi về chuyện khi SGK đưa ra thí điểm trước lúc áp dụng đại trà, thì thầy cô ở những trường lớp dạy thử lại là học trò của các GS biên soạn sách. “Nên có thể có nguy cơ không phù hợp”, ông Nhân kiến nghị.

Tán thành với đề xuất của ông Dũng về thẩm định lại SGK, nhưng không phải Bộ GD&ĐT đối thoại với đại biểu QH quan tâm đến giáo dục mà là sẽ mời các nhà khoa học vào một tổ thẩm định. Hiện, Bộ GD&ĐT cũng đang tiến hành đề tài nghiên cứu cấp Bộ về đánh giá SGK. Sắp tới sẽ huy động “kênh” đánh giá của xã hội. Ông Nhân khẳng định, không có chuyện hệ thống SGK không bình thường, chỉ dùng được một năm.

Trước đó trong báo cáo về 9 nhóm vấn đề của GD, ông Nhân đã nhấn mạnh, SGK là một trong 5 vấn đề quyết định chất lượng giáo dục (cùng với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp, chất lượng  học sinh, quản lý của ngành và nguồn  tài chính).

Chất lượng giáo dục của Việt Nam nếu so sánh với các nước phát triển, thì sẽ ra sao?

Ông Nhân cho hay, năm 2006 đã dự kiến trong năm hoc 2007 sẽ tổ chức hội nghị đánh giá chất lượng SGK nhưng do người phụ trách đến tuổi về hưu nên hội nghị này chưa làm kịp.

“Không có cái mới, không làm khoa học thì đừng làm tiến sĩ”

“Tôi đã từng là thầy giáo, từng ngồi nhiều hội đồng bảo vệ luận án TS nên nhiều lúc thấy buồn”, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với băn khoăn của đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) về việc liệu đến nay đã có bao nhiêu luận án TS có thể ứng dụng vào thực tế. Đây cũng là bài toán đặt ra cho chất lượng giáo dục.

Theo Bộ trưởng Nhân, do trong suốt một thời gian dài chưa đặt ra yêu cầu khoa học và “mới” cho người làm tiến sĩ nên mới có hiện tượng luận án TS làm xong “đắp chiếu”.

Bộ trưởng Nhân kể lại câu chuyện, có lần khi hỏi lãnh đạo một trường ĐH về việc có bao nhiêu luận văn TS trong thời gian qua “mới” và “khoa học” thì nhận được ngay câu trả lời rằng không có gì mới và cũng chẳng có tình khoa học bởi “quốc tế người ta làm cả rồi”. Thậm chí, có những luận án TS, khi yêu cầu tóm tắt cái mới, tính khoa học trong 1 trang A4 cũng không thể tìm đủ.

“Không có cái mới và không làm khoa học thì đừng làm tiến sĩ”, ông Nhân kết luận.

Hiện, bộ đang soạn thảo quy chế, yêu cầu luận án TS phải mới và khoa học. Bởi theo ông Nhân, “không được phép tầm thường hóa hoạt động nghiên cứu sinh”.

Tấm chăn đắp cho giáo dục đang quá hẹp

ĐB Đặng Như Lợi chất vấn về bằng thật, học giả. Ảnh: TTXVN

Dù Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã “gút” vấn đề “xã hội hóa giáo dục” như 1 trọng tâm và bộ trưởng Nhân cũng đề đạt muốn nghe tranh luận về vấn đề này nhưng trong số 12 đại biểu chất vấn, chỉ một vài người đặt câu hỏi cho bộ trưởng về xã hội hóa.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) là người duy nhất băn khoăn: “Bộ GD&ĐT có chính sách xã hội gì về giáo dục để thúc đẩy xã hội hóa”. Bà Loan nói, hiện ở các đô thị lớn nhiều doanh nghiệp và cá nhân muốn đầu tư cho giáo dục nhưng thiếu đất và không nhiều cơ sở giáo dục muốn xã hội hóa. Còn ở nông thôn, doanh nghiệp băn khoăn không biết sẽ đạt hiệu quả gì. “Cơ chế vẫn loay hoay”, bà Loan kết luận.

Dẫn lại Nghị quyết 90 của nhà nước về xã hội hóa  (XHH) ban hành mười năm trước, ông Nhân khẳng định nhà nước làm một mình không xuể. XHH là đa dạng hóa giáo dục để có nhiều chọn lựa, là tạo cơ hội để huy động nhiều nguồn lực. Theo đó, XHH diễn ra cả ở ba lĩnh vực về tinh thần, quản lý và vật chất.

Hết 90 phút theo quy định, Bộ trưởng Nhân xin “lấn” thêm thời gian để giải trình tiếp về vấn đề nóng này.

Dẫn ra con số đầu tư cho giáo dục hiện đang chiếm 3/4, còn lại là huy động dân, ông Nhân ví von tấm chăn đắp cho GD hiện đang quá hẹp, không phổ quát được cho tất cả các cấp khi mà tỷ lệ “thất học” ở bậc mầm non đang là 60%  và bậc trung học là 40%.

Nhắc lại tinh thần của Nghị quyết 90 là XHH càng nhiều thì số người đi học càng tăng, ông Nhân cho biết, nếu nhà nước thực hiện miễn giảm càng nhiều thì số người được đi học càng ít. “XHH là bài toán chia sẻ”.

“Chất lượng giáo dục và xã hội hóa là chiến lược lâu dài không thể giải đáp ngay”, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng “chốt” lại phiên chất vấn. Ông cũng nhắn nhủ: “Bộ trưởng ráo riết chỉ đạo và có lộ trình để kỳ sau báo cáo lại”.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk): Bộ trưởng chưa trả lời thẳng câu hỏi của tôi

Vấn đề chính không phải ở sách giáo khoa, mà ở chương trình. Tôi đã đi nhiều nước, ở bậc học tiểu học và THCS học sinh rất nhẹ nhàng. Ở ta, theo nhận xét của nhiều chuyên gia giáo dục, chương trình hiện nay thấp và nặng. Tại sao ta không thể rút kinh nghiệm từ chương trình của nước ngoài?

Họ dạy về cây lúa mỳ, ta dạy lúa nước, nghĩa là rút kinh nghiệm chứ không phải áp dụng nguyên xi. Tôi cũng thông cảm là khi làm chương trình đã tốn nhiều công sức và tiền của, làm lại là khó nhưng về lâu dài phải xem lại chương trình.

Bộ trưởng chưa trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi. Tôi hỏi Bộ trưởng có đồng ý tổ chức đối thoại với các đại biểu QH riêng về chương trình, về SGK không thì Bộ trưởng lại nói cần tổ chức các nhóm nghiên cứu! Mà đây là những câu hỏi cốt tử đối với chất lượng giáo dục.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị): Tôi phân vân về điều Bộ trưởng nói: “Hầu hết sinh viên ra trường có việc làm”

Tôi chưa hài lòng lắm với lời giải đáp của Bộ trưởng Nhân.

Tôi còn phân vân về thông tin mà Bộ trưởng đưa ra là “hầu hết sinh viên ra trường có việc làm”. Nếu chỉ là việc làm chung chung, việc làm giản đơn thì có thể, nhưng làm đúng ngành, đúng nghề, đúng trình độ thì chắc không phải.

Người được đào tạo đại học lại đi làm những việc giản đơn thì rất lãng phí, chưa đạt được mục tiêu của giáo dục đào tạo. Phải thay đổi, đi từ khâu điều tra, nghiên cứu ở từng ngành, tập hợp nhu cầu nhân lực, từ đó “đặt hàng” đào tạo.

Theo VNN