Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc: Chỉ tăng thuế nhập khẩu với ô tô nguyên chiếc là không hợp lý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

* Thưa ông, tại sao Chính phủ lại yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước lớn không được đầu tư lớn ngoài lĩnh vực kinh doanh chính? Điều này có liên quan gì đến việc kiềm chế lạm phát?

– Thứ nhất, khi thành lập các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước là căn cứ trên nhu cầu của ngành nghề đó. Nếu họ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khác, chẳng hạn xi măng đi làm bất động sản, khoáng sản đầu tư ngân hàng… sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế vì không những có nguy cơ bỏ nhiệm vụ chính mà còn dẫn tới tình trạng đầu tư chồng chéo. Thứá hai, nó cũng xuất phát từ yêu cầu thắt chặt tiền tệ. Thời gian qua dư nợ tín dụng từ chi đầu tư đã tăng quá lớn, năm 2007 đã tăng mức 53,85% (thông thường chỉ khoảng 26 – 30%). Mục tiêu của Chính phủ là phải xem xét lại đầu tư công, đặc biệt là đầu tư của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty 90, 91 theo hướng: những lĩnh vực nào có hiệu quả thì đầu tư, chẳng hạn đầu tư vào điện, than, xi măng… thì vẫn phải đầu tư, nhưng đầu tư vào bất động sản thì phải rà soát lại.

* Có ý kiến cho rằng, những giải pháp Chính phủ đưa ra mang định tính nhiều hơn định lượng, chưa có những tiêu chí cụ thể để phân loại, rà soát xem dự án nào phải cắt, phải dừng, dự án nào phải dồn vốn?

– Chi tiêu công đã có định lượng, phải cắt giảm 10%. Còn đầu tư công thì trên tinh thần là Chính phủ không giảm tổng lượng đầu tư nhưng các địa phương phải chủ động rà soát căn cứ trên nhu cầu thực tế chứ chúng ta không thể áp đặt phải cắt giảm cái này, cắt giảm cái kia. Ví dụ đối với các địa phương miền núi, đường giao thông rất quan trọng nên đầu tư cho đường giao thông, cho Chương trình 135 phải đảm bảo đủ vốn; nhưng đối với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, thủy lợi là yêu cầu quan trọng, phải ưu tiên dồn vốn đầu tư cho thủy lợi… Chính phủ muốn tạo chủ động cho các địa phương. Đối với công trình dự án do các bộ, ngành quản lý, Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư phối hợp rà soát xem dự án nào hợp lý, dự án nào cần giảm; chẳng hạn như hiện chúng ta đang làm một số bảo tàng, vậy thì các bảo tàng đã cấp thiết chưa?

* Như vậy sẽ không tránh khỏi tình trạng bộ ngành nào cũng sẽ bảo vệ các công trình, dự án của mình?

– Không thể được, vì hiện vốn tín dụng đã giao cho ngân hàng quản lý. Mà Chính phủ cũng đã yêu cầu ngân hàng không được tăng tổng mức dư nợ tín dụng, đương nhiên các ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm xem xét lại hiệu quả của các dự án. Ví dụ, Tập đoàn Than và Khoáng sản đang có dự án đầu tư khai thác chế biến bô-xít; đó là dự án cần thiết trong tương lai nhưng hiện nay thì hoàn toàn có thể co giãn được. Không ai có thể chủ quan khẳng định tính hiệu quả dự án của mình được mà trên cơ sở các bộ ngành đánh giá. Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính kiểm tra lại hiệu quả các khoản vay của Tập đoàn Vinashin đối với 750 triệu USD trái phiếu quốc tế, xem các vị sử dụng như thế nào, hiệu quả hay không.

*Trong gói giải pháp kiềm chế lạm phát Chính phủ vừa đưa ra, có việc tăng thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng không thiết yếu, trong đó có việc tăng thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Nhưng nhiều người cho rằng như vậy là chưa công bằng vì nếu kiềm chế nhập siêu thì cũng đồng thời phải tăng thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô?

– Bộ chúng tôi cũng đã có ý kiến, việc chỉ tăng thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc là không hợp lý. Nếu đã tăng thuế để hạn chế ô tô thì có 2 cách tăng: thứ nhất, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đồng loạt và dùng để đầu tư lại cho cơ sở hạ tầng giao thông; thứ hai, nếu tăng thuế nhập khẩu thì cũng phải tăng đồng loạt đối với cả ô tô nguyên chiếc và linh kiện. Như vậy mới đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh độc quyền của doanh nghiệp lắp ráp trong nước và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Chính phủ sẽ sớm sửa, bổ sung.

Nguồn: Báo Thanh niên điện tử