Bộ trưởng Tài chính: Nếu DN phải nộp 40% lợi nhuận là quá cao
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, qua 2 năm triển khai các Nghị quyết số 19 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều nỗ lực rất lớn, hoàn thiện một bước thể chế tài chính.

“Nhưng những quy định vừa qua chỉ là quy định, chỉ là bước đầu. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong nộp thuế, trong thông quan hàng hóa. Đây là những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm được Bộ tập trung chỉ đạo trong thời gian qua và cả trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói. 

Đẩy thị trường chứng khoán

Để triển khai những yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 19, Bộ trưởng cho biết từ nay đến hết năm 2017, trước tiên Bộ sẽ tập trung nâng cao hiệu quả của thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm. Làm sao để mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ tài chính thuộc nhóm 50 nước đứng đầu thế giới.

Theo Bộ trưởng, đây là mục tiêu rất quan trọng và Bộ đã có các đề án để tới năm 2020, mức độ vốn hóa thị trường chứng khoán đạt mức khoảng 70% GDP, so với tỷ lệ hiện tại là 34,5%. “Không có cách nào khác nếu không đẩy thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ cũng phấn đấu đến năm 2020, góp phần đưa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN 3 (gồm Singapore, Malaysia và Thái Lan) trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế, trong đó thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội dưới 155 giờ/năm.

Muốn làm như vậy, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào hoàn thiện công tác hoàn thuế, đây là lĩnh vực mà doanh nghiệp kêu rất nhiều trong thời gian qua. Đồng thời, thúc đẩy hoàn thuế điện tử và giải quyết các khiếu nại trong hoàn thuế, áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra, đây là phương thức quản lý mới rất quan trọng.

Một mục tiêu khác là sẽ kéo thời gian thông quan hàng hóa xuống còn dưới 41 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 46 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu. Để thực hiện mục tiêu này, theo Bộ trưởng, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách quản lý hải quan, thực hiện hóa đơn điện tử.

“Chúng tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh triển khai cơ chế hải quan một cửa, vấn đề này rất hệ trọng, liên quan đến 8 bộ ngành, hiện chúng ta đã làm nhưng mới đưa vào 1 cửa 20% thủ tục. Trong khi thời gian thông quan nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn và công tác kiểm tra chuyên ngành, do đó, cần mở rộng các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại các cửa khẩu”, Bộ trưởng chia sẻ.

Liên quan đến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp – một trong những vấn đề nổi bật nhất được doanh nghiệp kiến nghị tại hội nghị ngày 29/4 với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết “sẽ nghiên cứu thực chất thông tin doanh nghiệp phải nộp thuế, phí tới 40,8% lợi nhuận”.

“Đây là mức quá cao, chúng tôi sẽ nghiên cứu tổng thể, kiến nghị với Chính phủ để làm sao việc nộp thuế tại Việt Nam công bằng, bình đẳng và phù hợp thông lệ quốc tế”, Bộ trưởng cam kết.

“Không phải cứ thua lỗ thì giảm thuế”

Đặc biệt, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, để doanh nghiệp thực sự được thụ hưởng những chính sách cải cách, thì một trọng tâm là đào tạo, đào tạo lại và nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan.

“Rào cản là ở đây, quy định tốt nhưng cán bộ không tốt thì thực hiện vẫn ách tắc”, Bộ trưởng nhận định.

Bên cạnh những nỗ lực của Bộ, Bộ trưởng Tài chính cũng đặt vấn đề, để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của sản phẩm, thì vai trò của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. “Nếu mọi khó khăn của doanh nghiệp đều cho là do thuế thì liệu có công bằng? Thuế xuất khẩu hiện nay về cơ bản đã về 0%, tại sao vẫn không xuất khẩu được. Thế thì phải xem lại sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Không phải cứ không xuất khẩu được hay doanh nghiệp cứ thua lỗ thì phải giảm thuế”, Bộ trưởng bày tỏ.

Cuối cùng, người đứng đầu ngành Tài chính đề cập tới một nội dung mà những năm vừa qua đã được làm tốt, năm tới cần đẩy mạnh hơn. Đó là sự giám sát, kiểm tra của doanh nghiệp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp đối với những cải cách của Bộ Tài chính.

“Việc giám sát là động lực cho ngành Tài chính tiếp tục nhìn nhận những hạn chế để khắc phục trong thời gian tới. Bộ cam kết sẽ tiếp tục lắng nghe đầy đủ các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp để hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính nói chung, chính sách thuế và hải quan nói riêng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh”, Bộ trưởng gửi lời cam kết tới cộng đồng doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp đang cực kỳ khó khăn với tiền thuê đất”

Cũng liên quan đến những khó khăn, vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tới năm 2020 đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các quy định về đất đai theo hướng điều chỉnh tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp để bảo đảm tính cạnh tranh, ổn định, dễ áp dụng và thực hiện cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, việc doanh nghiệp “than” trong 5 năm qua, tiền thuê đất tăng tới 5 lần, có nơi tăng lên là đúng.

“Đây là khó khăn thực sự, cực kỳ khó khăn với doanh nghiệp”, ông Tuấn nói. Ông phân tích, theo Luật Đất đai trước đây, trong các năm 2011, 2012, khi lãi suất ở mức cao, chúng ta đã trình Quốc hội cho phép doanh nghiệp được giảm tiền thuê đất và chỉ phải nộp số tiền không quá 2 lần so với số tiền thực tế đã nộp của năm 2010.

Tuy nhiên, từ năm 2015, ta bỏ cơ chế đó và thực hiện Luật Đất đai mới, tiền thuê đất đã nâng lên bằng từ 0,75% đến 3% giá thị trường, cộng với giá tiền sử dụng đất cũng tăng.

“Chúng ta có hơn 500 nghìn doanh nghiệp, trong đó có 360 nghìn doanh nghiệp đang ký hợp đồng thuê đất, tính tiền thuê đất theo giá thị trường là không thực tiễn. Đây là khó khăn cực kỳ lớn của doanh nghiệp và rất cần đưa vào Nghị quyết để tháo gỡ cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng nói.

Hà Chính

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ