Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Những cam kết WTO là thách thức không nhỏ của ngành công thương năm 2008
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo số liệu vừa thống kê của Bộ Công Thương, năm 2007 giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,1% so với năm 2006. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng 10,4%; khu vực ngoài nhà nước tăng 20,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18%. So với năm 2006, tỷ trọng công nghiệp quốc doanh giảm từ 31,6% xuống 29,5% năm 2007; công nghiệp ngoài quốc doanh tăng từ 30,5% lên 32,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 37,8% lên 38,3%. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần và thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế quốc dân (từ 32% năm 2006 lên 32,7% năm 2007). Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến từ 73,8% năm 2006 lên 75,5% năm 2007; công nghiệp khai thác giảm từ 16,9% xuống 15,4%. Nhóm ngành chế biến nông, lâm, thủy hải sản, trong đó đặc biệt là chế biến thực phẩm và đồ uống đóng góp rất lớn trong cơ cấu công nghiệp chế biến với tỷ trọng là 35,2% và 22,8%.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: “Các sản phẩm công nghiệp trọng yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng như điện, than, phân bón, sắt thép, các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện… tiếp tục đáp ứng nhu cầu của thị trường. Một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá như điện thương phẩm, than sạch, thép các loại, máy công cụ, chất tẩy rửa, săm lốp ô tô máy kéo, xe máy, ô tô lắp ráp…”. Theo dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước năm 2007 đạt 48.387 triệu USD, tăng 21,5% so với năm 2006. Hàng công nghiệp tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu (chiếm 76,3%). Các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch tăng trưởng cao gồm: sản phẩm nhựa, hàng dệt may, hàng điện tử và linh kiện máy tính, dây và cáp điện, sản phẩm gỗ, túi xách, va li, hàng thủ công mỹ nghệ… Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2007 ước đạt 60.783 triệu USD, tăng 35,4 % so với năm 2006. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2007 đạt 464, 5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% GDP, tăng 16,4% so với thực hiện năm 2006.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng sau một năm gia nhập WTO, các doanh nghiệp trong nước đã bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh do sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam còn yếu, hàm lượng công nghệ và tri thức chưa cao, giá trị gia tăng thấp, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu nổi tiếng. Bên cạnh đó, lĩnh vực thiết kế kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm hầu hết còn rất yếu trong tất cả các ngành. Công nghiệp phụ trợ lại chưa phát triển, sản xuất nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến còn yếu, phải nhập khẩu nhiều nên bị phụ thuộc vào nhà cung ứng nước ngoài, là nguyên nhân dẫn đến việc mất nhiều cơ hội kinh doanh và giá cả không ổn định. Hơn nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu chưa tận dụng được triệt để cơ hội mang lại khi Việt Nam đã là thành viên WTO để mở rộng thị trường và nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Phát biểu tại Hội nghị kỷ niệm 1 năm Việt Nam gia nhập WTO mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết để góp phần đạt mức tăng trưởng GDP năm 2008 trên 8,5%, ngành công thương phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,5% so với năm 2007. Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng 11% so với thực hiện năm 2007 (công nghiệp và xây dựng tăng 10,8%). Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2008, giá cả vật tư, nguyên liệu trên thế giới vẫn tiếp tục ở mức cao và có nhiều khả năng tăng lên so với năm 2007. Bên cạnh đó, năm 2008 Việt Nam tiếp tục thực hiện cắt giảm thuế quan hàng nhập khẩu theo lộ trình đã cam kết với WTO, trong khi đó sức cạnh tranh của cả nền kinh tế và các doanh nghiệp còn thấp, việc cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài vào bán lẻ tại Việt Nam là rất khó khăn. Hơn nữa, năng lực sản xuất của một số sản phẩm đã đạt đến ngưỡng, khó tăng cao sản lượng sản xuất và xuất khẩu như khai thác dầu thô, sản xuất phân lân, gạo, hạt tiêu, cà phê… Vì vậy, để đạt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,5% trong năm 2008 đang đặt ra những thách thức lớn cho ngành công nghiệp nước nhà.

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật