Bộ Tư pháp đại diện pháp lý cho Chính phủ trong tranh chấp quốc tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bổ sung thêm nhiệm vụ

Hôm qua 6/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì họp Hội đồng thẩm định Dự thảo NĐ thay thế NĐ 93/CP.

Quá trình thực hiện NĐ 93/CP đã thu được nhiều kết quả nổi bật, trong đó cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp đã được kiện toàn thêm một bước đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao. Song theo Bộ Tư pháp, gần 4 năm thực hiện, nhiều quy định của NĐ đã bộc lộ những điểm chưa phù hợp.

Đầu tiên phải kể đến là tại thời điểm NĐ 93 ban hành được căn cứ vào NĐ178/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Tuy nhiên, ngày 18/4/2012 vừa qua Chính phủ đã ban hành NĐ 36/CP thay thế NĐ 178 trong đó có nhiều quy định mới, nên NĐ 93 đã có nhiều quy định “lỗi thời”.

Đặc biệt, sau NĐ 93 nhiều văn bản mới được ban hành (như Luật Lý lịch tư pháp, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, Luật Tố tụng hành chính, và mới nhất là Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định Tư pháp, Pháp lệnh hợp nhất văn bản QPPL, Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL…). Các văn bản này đã điều chỉnh, bổ sung thêm nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong các lĩnh vực nói trên mà NĐ 93 chưa quy định.

Trên thực tế, mô hình tổ chức của một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã bộc lộ những bất cập, hạn chế so với yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xã hội hóa hoạt động tư pháp và xây dựng nền hành chính phục vụ.

Kế thừa những quy định của NĐ 93, Dự thảo sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ mới được giao hoặc điều chỉnh theo các văn bản mới ban hành. Ví dụ sửa đổi theo hướng quy định cụ thể hơn nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong theo dõi thi hành pháp luật; trong công tác PBGDPL; bổ sung nhiệm vụ về pháp điển hệ thống QPPL; bổ sung nhiệm vụ  quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án hành chính; hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết các việc về ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn có yếu tố nước ngoài; sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp…

Đặc biệt, bổ sung nhiệm vụ “làm đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp quốc tế” theo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo số 04 ngày 4/1/2012 của Văn phòng Chính phủ.

Đề xuất lập Cục Lý lịch tư pháp

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tư pháp đề xuất chuyển đổi mô hình hoạt động của Vụ Hành chính tư pháp sang Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực; chuyển đổi mô hình hoạt động của Vụ Bổ trợ tư pháp sang Cục Bổ trợ tư pháp; tổ chức lại Cơ quan đại diện của Bộ tại TP. Hồ Chí Minh thành Cục Công tác phía Nam; thành lập Cục Lý lịch tư pháp để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và thực thi pháp luật chuyên ngành về lý lịch tư pháp…

Thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành NĐ thay thế NĐ 93 tuy nhiên theo ông Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an vẫn phân vân “không khéo Cục Công tác phía Nam lại thành “Bộ B”. Ông Quân dẫn chứng từ mô hình của Bộ Công an hiện nay, các đơn vị chuyên ngành có thể có ở phía Nam để giải quyết công việc (ví dụ Cục Cảnh sát hình sự có lực lượng ở TP.HCM) và cho rằng Bộ Tư pháp cũng có thể tham khảo mô hình này.

Tán thành nhiệm vụ “làm đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp quốc tế” tuy nhiên, ông Quân đề nghị nên bổ sung “theo quy định của pháp luật hoặc theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ”. Đề nghị này của ông Quân được nhiều đại biểu ủng hộ.

Còn đại diện đến từ Bộ Nội vụ thì cho rằng cần cân nhắc việc chuyển mô hình từ Vụ sang Cục bởi trong điều kiện phân cấp mạnh mẽ như hiện nay, thì cấp Vụ nên chuyên sâu công tác quản lý, hạn chế giải quyết sự vụ. Việc thành lập Cục Lý lịch tư pháp cần lưu ý tránh “vênh” với Luật Lý lịch tư pháp (Luật này quy định thành lập Trung tâm-PV).

Nhiều ý kiến tán thành cao với dự thảo NĐ vì cho rằng dự thảo quy định khá rõ ràng, cụ thể, đặc biệt không trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, một vấn đề mà nhiều cơ quan hiện nay đang lúng túng.

T. Hằng
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam