Bốn nguyên nhân làm “đô” tăng giá
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tỷ giá giữa Đồng Việt Nam và Đô la Mỹ (VND/USD) trong thời gian dài xuống thấp, nay đột ngột tăng lên rất mạnh.

Giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do chỉ trong ít ngày đã tăng hơn 520 đồng/USD, hay tăng tới gần 6% chỉ trong có 1 tuần. Ngày 28/3, giá mua bán USD của các cửa hàng vàng bạc tư nhân ở Hà Nội và Tp.HCM tăng vọt lên so với mấy ngày trước đó. Giá USD mua vào ở Hà Nội lên tới 16.150 đồng – 16.165 đồng/USD và giá bán ra lên tới 16.250 đồng – 16.260 đồng/USD, tăng 80 đồng – 90 đồng/USD so với 1 ngày trước và tăng tới 500 đồng/USD so với cách đó hơn 1 tuần.

Mức tăng quá lớn như vậy chỉ trong có ít ngày nên giới kinh doanh ngoại tệ gọi là tình trạng “sốt Đô la” chưa từng xảy ra trong hơn 6 năm qua ở nước ta. Đồng thời khoảng cách chênh lệch quá xa giữa giá mua và giá bán USD của tư nhân chứng tỏ thị trường này rất nhậy cảm và cho thấy dấu hiệu có khả năng tiếp tục tăng cao?

Nếu không bị neo, tỷ giá sẽ tăng phá trần

Trên thị trường mua bán ngoại tệ của các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp và khách hàng, tình trạng “sốt ngoại tệ” còn diễn ra ở mức lớn hơn. Chỉ trong 1 tuần tính từ ngày 21/3 đến ngày 28/3 tỷ giá đã tăng tới 280 đồng – 298 đồng/USD. Mức tăng đột biến hiếm có trong lịch sử mua bán ngoại tệ của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Tỷ giá của Ngân hàng ngoại thương Việt Nam, ngân hàng thương mại hàng đầu về kinh doanh ngoại tệ trong 2 ngày 27 và ngày 28/3 cả mua vào và bán ra đều ở mức 16.120 đồng/USD, so với mức 15.830- 15.840 đồng/USD ngày 20/3 và ngày 21/3 chỉ có 15.822 đồng/USD.

Tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 28/3 cũng đạt tới 15.960 đồng/USD, không tăng so với mức 19.960 đồng ngày 27/3, nhưng tăng tới 60 đồng – 62 đồng/USD chỉ trong 1 tuần so với mức 15.990 đồng/USD ngày 21/3.

Như vậy tỷ giá mua bán ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đã tăng kịch trần +1% so với biên độ quy định của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy nếu như tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước không bị neo lại, hay không bị ghìm lại theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ mua bán thì tỷ giá của ngân hàng thương mại còn tăng cao hơn.

Đồng thời, đây là lần đầu tiên sau 7 tháng qua tỷ giá mua bán của các ngân hàng thương mại tăng lên kịch trần tỷ giá theo biên độ quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bởi vì nhiều tháng trước đây tỷ giá của các ngân hàng thương mại thường ở mức dưới tỷ giá liên ngân hàng. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều tháng tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại thấp hơn tỷ giá mua vào của thị trường tự do.

Diễn biến này cũng cho thấy sức ép tăng tỷ giá mua bán ngoại tệ của các ngân hàng thương mại còn rất lớn.

Lý do “sốt”?

Vậy tại sao có tình trạng “sốt nóng” của thị trường ngoại tệ, nhất là sau một thời gian dài thị trường này nguội lạnh?

Có một số nguyên nhân chính sau đây.

Một là, do cầu USD tăng mạnh so với cung bởi một số lý do chính. Ước tính đến hết quý I/2008 nền kinh tế Việt Nam nhập siêu tới mức kỷ lục, tới 7,3 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu gấp 2,7 lần kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn về ngoại tệ cho thanh toán hàng nhập khẩu và chi trả dịch vụ cho đối tác nước ngoài. Giá cả hàng hoá nhập khẩu bằng USD tăng cao, nhất là giá xăng, giá sắt thép, giá hoá chất,…

Giá vàng thế giới đang giảm, một số doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu vàng về Việt Nam cần lượng đáng kể USD cho nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp có vốn FDI chuyển một phần vốn và lợi nhuận về nước theo niên độ tài chính kết thúc vào ngày 31/3 hàng năm cần mua ngoại tệ. Một số chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam thời gian gần đây liên tục chào mua ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu khách hàng của mình.

Trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu sau một thời gian ngắn tạm thời bị “ứ đọng” ngoại tệ do tỷ giá xuống quá thấp và ngân hàng thương mại cũng như Ngân hàng Nhà nước không mua vào, thì nay theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã mua vào, giải toả hết sự ứ đọng đó, nên nguồn cung ngoại tệ ra thị trường giảm mạnh.

Nguyên nhân nữa là do sau một thời gian người dân ồ ạt rút tiền gửi USD tại các ngân hàng thương mại bán đi lấy Đồng Việt Nam gửi tiết kiệm thì nay làn sóng đó đã giảm xuống do nguồn USD rút ra để bán đã cạn dần.

Đồng thời, do lãi suất huy động vốn USD của các ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng khá, nên nhiều người khác không chuyển đổi USD sang Đồng Việt Nam nữa, làm giảm cung USD trên thị trường.

Một nguồn cung ngoại tệ lớn khác là nguồn vốn đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán và mua cổ phần của các doanh nghiệp của các quỹ đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài, nhưng do diễn biến suy giảm của thị trường chứng khoán nên lượng ngoại tệ này tạm thời chưa giải ngân, làm giảm đáng kể lượng cung USD.

Hai là, đồng Đôla Mỹ mạnh lên so với các đồng tiền chủ đạo khác trên thị trường thế giới. Giá vàng giảm mạnh, tác động đến quyết định ngừng bán USD trên cả thị trường thế giới cũng như thị trường trong nước để đầu tư vào vàng như trước đây.

Ba là, quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nới rộng biên độ giao dịch ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đối với khách hàng lên +/-1% từ ngày 10/3 thay cho mức +/- 0,75% trước đó. Ngân hàng Nhà nước cho phép thí điểm thực hiện giao dịch tỷ giá thoả thuận giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, khách hàng. Hai quyết định đó làm cho thị trường ngoại tệ có sự lưu chuyển tốt hơn và thông suốt hơn giữa các kênh nguồn vốn ngoại tệ.

Bốn là, sau một loạt biện pháp kiên quyết thắt chặt tiền tệ, thị trường tiền tệ đã hạ nhiệt, vốn khả dụng Đồng Việt Nam khá. Chỉ đạo các biện pháp kiềm chế lạm phát của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có biện pháp yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá phản ánh cung cầu ngoại tệ trên thị trường đã thực sự phát huy hiệu quả, có tác dụng “phá băng” thị trường ngoại tệ.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam