Bức tranh kinh tế 6 tháng cuối năm 2014: Sẽ sáng hơn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Yếu tố về lợi nhuận được DN dự cảm ở mức dương (+3 điểm) trong 6 tháng đầu năm. Dù khá khiêm tốn, song chỉ số này thể hiện sự chuyển biến tốt trong hoạt động kinh doanh. Kết quả khảo sát động thái 800 DN tiêu biểu trên cả nước do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành cho thấy, đa số DN trong nước cảm nhận tốt về mức độ tiếp cận thông tin thị trường, công nghệ, nhu cầu thị trường quốc tế… Đặc biệt, việc tiếp cận vốn vay trong 6 tháng đầu năm đã dễ dàng hơn do lãi suất cho vay giảm và các thủ tục vay vốn thông thoáng.

Bà Đoàn Thị Quyên – Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) – cho biết: 5 tháng đầu năm, có khoảng 4,2% DN phải tạm ngừng hoạt động, giảm so với mức 7,6% của năm 2013. Nguyên nhân khiến DN phải ngừng hoạt động vẫn chưa được khắc phục khi 50% DN được khảo sát cho rằng, không tìm được thị trường đầu ra, giá cả nguyên vật liệu đầu vào cao… Tuy vậy, các DN dự báo, hai yếu tố này sẽ được cải thiện vào 6 tháng cuối năm.

Tổng doanh thu của các DN trong 6 tháng đầu năm cũng có xu thế cải thiện rõ rệt. Doanh số thực 6 tháng đầu năm 2014 tích cực hơn so với 6 tháng cuối năm ngoái khi tăng từ mức 0,3 điểm lên 8 điểm, dẫn đến sự lạc quan trong tuyển dụng lao động…

Giá thành sản xuất 6 tháng đầu năm 2014 cao hơn so với giá thành 6 tháng cuối năm 2013, nhưng các DN dự đoán yếu tố này sẽ giảm đi vào 6 tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Thắng- Giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) – nhận định, 6 tháng cuối năm, một số yếu tố kinh tế vĩ mô có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là đầu tư, xuất nhập khẩu, thị trường tiền tệ, qua đó có thể gây sức ép đối với tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm.

Theo phân tích của ông Thắng, xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất nhập khẩu với Trung Quốc, có thể bị tác động mạnh. Trong đó, xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều là các mặt hàng nông sản như: cao su, lúa gạo, rau, quả. Các mặt hàng nhập khẩu như phân bón, giống cây trồng, nguyên phụ liệu ngành dệt may có thể bị tác động do kim ngạch nhập khẩu với Trung Quốc khá lớn. Mặt khác, dòng vốn FDI, đặc biệt là vốn giải ngân có thể chậm lại trước tâm lý quan ngại của các nhà đầu tư. Thị trường du lịch cũng bị tác động, đặc biệt là lượng khách du lịch từ Trung Quốc. Vận tải đường biển, đánh bắt xa bờ, khai thác dầu khí cũng có thể bị ảnh hưởng. Thị trường tài chính có thể có những biến động phức tạp do yếu tố tâm lý.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, với những nỗ lực của Quốc hội và Chính phủ, với các biện pháp, giải pháp ứng phó kịp thời, cùng với việc triển khai có hiệu quả và đồng bộ các chính sách pháp luật mới được sửa đổi, ban hành thì khả năng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong 6 tháng cuối năm sẽ góp phần hạn chế các tác động tiêu cực.

Về giải pháp cụ thể đối với DN, bà Nguyễn Thị Hải Bình- Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) – nhấn mạnh, nhà nước cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường đầu ra, bởi hầu hết số DN tạm ngừng hoạt động là không tiêu thụ được sản phẩm. Đồng thời, xem xét lại các quy định về chia tách, hợp nhất, sáp nhập vì nhiều DN phản ánh các yếu tố này gây khó khăn lớn. Bên cạnh đó, cần có thêm các chính sách và gia hạn nộp thuế cho DN gặp khó khăn.

Bà Bình cũng khuyến nghị, DN phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, cắt giảm các chi phí không cần thiết, hạ giá thành sản phẩm. Tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường, bao gồm cả thị trường đầu vào và đầu ra, trong đó đặc biệt chú ý đến các thị trường mới, giàu tiềm năng.

Thúy Ngọc
Nguồn: Báo Công thương