Buông giá sàn có “giải cứu” lúa gạo?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Nới” giá sàn, xuất khẩu tăng cao

Trước đây, VFA thường quy định cụ thể giá sàn xuất khẩu gạo tối thiểu của từng chủng loại (5% 15% hay 25% tấm) để kiểm soát tình trạng doanh nghiệp bán phá giá lẫn nhau trong ký kết hợp đồng, tuy nhiên, sang năm 2013, VFA đã cởi bỏ quy định này.

Theo đó, quy định mới này, VFA chỉ công bố một mức giá sàn duy nhất đối với chủng loại gạo có chất lượng thấp nhất 25% tấm với 370 đô la Mỹ/tấn. Và doanh nghiệp được tự do ký hợp đồng xuất khẩu, miễn không dưới 370 đô la Mỹ/tấn.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) – doanh nghiệp hội viên của VFA cho biết: “Thời gian qua, khi giao dịch, một số doanh nghiệp phản ánh người ta (khách hàng) trả giá dưới 410 đô la Mỹ/tấn (gạo 5% tấm) nhưng nếu để giá 410 đô la Mỹ/tấn (mức giá trước khi có quy định mới về giá sàn) doanh nghiệp không bán được”.

Theo ông Tuấn, chính lý do trên, VFA đã điều chỉnh quy định giá sàn xuất khẩu gạo để đáp ứng việc mua bán, kinh doanh của doanh nghiệp, giúp tiêu thụ được lúa gạo nội địa được tốt hơn.

Việc “nới lỏng” quy định của VFA (hay hiểu cách khác là hạ giá chào xuất khẩu), lập tức giúp tình hình xuất khẩu gạo của doanh nghiệp trong nước được cải thiện rõ.

Báo cáo của VFA, cho biết tính đến cuối tháng 3, đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo đạt 3,5 triệu tấn (bao gồm trên 600.000 tấn của năm 2012 chuyển sang), tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Về xuất khẩu gạo, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quí 1-2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 1,4 triệu tấn, trị giá trên 616 triệu đô la Mỹ, tăng trên 34% về lượng nhưng giảm gần 6% về giá trị so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của một số nhà chuyên môn, trị giá xuất khẩu gạo giảm đã phản ánh đúng thực tế việc doanh nghiệp hạ giá xuất khẩu để giành hợp đồng trong những tháng đầu năm nay.

Lợi nhuận của nông dân về đâu?

Trong một lần trao đổi với TBKTSG Online xung quanh ý kiến cho rằng xuất khẩu gạo 2013 của Việt Nam gặp khó, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (TP Cần Thơ) khẳng định: “Năm 2013, Việt Nam sẽ xuất khẩu không dưới 7,5 triệu tấn gạo”.

Theo ông Bình, việc ký hợp đồng xuất khẩu gạo gặp khó trong 1, 2 tháng đầu của mỗi năm là chuyện bình thường, không có gì đáng lo ngại, tuy nhiên, điều đáng lo nhất, đó là có một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo liên tục hạ giá chào xuất khẩu để giành hợp đồng.

Tại cuộc họp tổng kết sản xuất lúa đông xuân 2012-2013 và triển khai kế hoạch vụ hè thu tại ĐBSCL và vùng Đông Nam bộ được tổ chức tại TP Cần Thơ hôm 19-3, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, khẳng định nông dân chính là đối tượng chịu thiệt nhất trong chiến lược cạnh tranh bán gạo giá rẻ của doanh nghiệp trong nước cho đối tác nước ngoài.

“Doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu mới triển khai thu mua, đồng nghĩa doanh nghiệp căn cứ vào giá gạo bán ra (có khấu trừ chi phí hao hụt) để thu mua nguyên liệu đầu vào, như vậy, họ sẽ rất an toàn”, một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp đang công tác tại ĐBSCL cho biết (yêu cầu không nêu tên).

Thực tế, kết quả điều tra chi phí sản xuất lúa đông xuân 2012-2013 của Chi cục bảo vệ thực vật Vĩnh Long, cho thấy chi phí đầu tư của vụ lúa đông xuân này là 3.510 đồng/kí lô gam, tăng 133 đồng/kí lô gam so với với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, giá lúa tươi tại ruộng dao động chỉ 4.200 – 4.700 đồng/kí lô gam (tùy thời điểm).

Theo kết quả điều tra, khi so sánh giữa chi phí sản xuất và giá bán, mỗi héc ta lúa nông dân chỉ lãi 4,5- 4,8 triệu đồng, giảm 4-5 triệu đồng/héc ta so cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online