Có cần sân chơi riêng cho tập đoàn kinh tế?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vấn đề đặt ra trước tiên là cơ sở pháp lý của một nghị định như vậy. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng danh xưng “tập đoàn” thật ra chỉ là vấn đề “marketing”, nói nôm na là cái áo mà một số công ty mẹ khoác lên mình nhằm phô trương thanh thế vì nhiều mục tiêu khác nhau trong khi nó không phải là một pháp nhân được luật pháp thừa nhận.

Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003, một luật sắp bị xóa sổ để đưa tất cả doanh nghiệp hoạt động theo một khuôn khổ pháp lý thống nhất và bình đẳng cho tất cả, không nhắc đến thực thể này. Còn Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng chỉ giao cho Chính phủ quy định tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế mà không hề xác lập tư cách pháp nhân của tập đoàn.

PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Phó viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, đặt lại một vấn đề tưởng như đã rõ nhưng vẫn cứ phải nói đi nói lại: Tại sao nghị định về tập đoàn kinh tế chỉ dành riêng cho doanh nghiệp nhà nước trong khi tất cả các doanh nghiệp quốc doanh, dân doanh đều tồn tại thống nhất, bình đẳng?

Ông Phát cũng cho rằng, nếu muốn kiểm soát các tập đoàn kinh tế nhà nước trong việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, quy mô, đặc quyền của mình lấn lướt các thành phần kinh tế khác và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chỉ cần dựa vào Luật Cạnh tranh là đủ.

Kế đến, yêu cầu đặt ra hiện nay là giám sát, kiểm soát việc sử dụng đồng vốn nhà nước trong các tập đoàn kinh tế sao cho có hiệu quả, vì lợi ích chung của cả nền kinh tế (vốn là lý do tồn tại của các tập đoàn) nên vấn đề là phải tìm ra những công cụ giám sát, kiểm soát vốn phù hợp chứ không phải là tạo một sân chơi riêng cho một số ít tập đoàn nhà nước.

Trưởng ban Chính sách vĩ mô, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói rất đúng rằng, không nên có một nghị định riêng về tập đoàn kinh tế nhà nước vì có thể dẫn tới mâu thuẫn, trùng lặp với những quy định khác, và không cần thiết vì quản lý, giám sát vốn đầu tư nhà nước chỉ cần Luật Doanh nghiệp đã đủ.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh Đặng Đức Đạm cho rằng cần có một cơ quan nhà nước làm chủ sở hữu vốn nhà nước tại tất cả doanh nghiệp chứ không riêng tại doanh nghiệp nhà nước, hoặc chỉ giới hạn ở mấy tập đoàn kinh tế nhà nước (Vietnamnet ngày 22-11-2008).

Sau ba năm thí điểm, rất cần tổng kết hoạt động của các tập đoàn nhà nước, đặc biệt là sau những biến động kinh tế hồi đầu năm làm lộ ra những điểm yếu khó châm chước của một số tập đoàn. Nhưng tổng kết gì thì cũng không thể quên một điều: doanh nghiệp chỉ thực sự mạnh trong môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch chứ không thể coi là mạnh khi đứng trên sân chơi riêng, với những đặc quyền riêng.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online