Có dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng? 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này là quy định đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, thảo luận tại phiên họp chiều qua, quan điểm của các ĐBQH về vấn đề này vẫn rất khác nhau.

Sẽ làm méo mó thị trường lao động?

2 phương án xử lý vấn đề mới này đã được báo cáo Quốc hội. Trong đó, phương án 1 quy định theo hướng chỉ giao đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm (theo quy định tại điểm a Khoản 1, Điều 37, Luật Việc làm) do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập và chỉ được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế. Đồng thời, quy định rõ điều kiện không thu tiền dịch vụ của người lao động và bảo đảm không làm phát sinh bộ máy. Phương án 2, không giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế (sẽ bỏ Điều 74, dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 38, Luật Việc làm và bỏ các nội dung khác có liên quan đến Trung tâm dịch vụ việc làm trong dự thảo Luật).

<img alt="" src="” width=”850px” />

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Quảng Nam) phát biểu

Nguồn: quochoi.vn

Các ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)… không đồng tình giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế. Theo ĐB Trần Văn Lâm, hiện nay Đảng, Nhà nước nhất quán quan điểm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thị trường lao động là thị trường quan trọng, phải bảo đảm khung pháp lý hoàn thiện để vận hành đầy đủ theo đúng các quy luật của kinh tế thị trường. Nếu cho phép một chủ thể không mang yếu tố thị trường tham gia thực hiện các hoạt động như doanh nghiệp sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng và nhiều yếu tố phi thị trường. Những quyết định hành chính có thể can thiệp, làm méo mó thị trường lao động mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Tạo cho rằng, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố pháp lý khác nhau, đặc biệt là đối với các tổ chức thực hiện mang tính chất doanh nghiệp kinh doanh chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Như Điều 10, dự thảo Luật, nếu doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì phải có đủ các điều kiện như có vốn chủ sở hữu từ 5 tỷ đồng trở lên hoặc đã ký quỹ hoạt động dịch vụ… hoặc vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường trong một số trường hợp có gây ra thiệt hại thực tế… Như vậy, nếu giao cho các trung tâm dịch vụ việc làm của Nhà nước đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế thì trong thực tiễn sẽ không bảo đảm được quyền lợi của người lao động dẫn đến phát sinh nhiều hậu quả pháp lý khó giải quyết và gây rủi ro cho người lao động.

Hoàn toàn phi lợi nhuận

“Thực tế, Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ đồng ý với chúng ta về nguyên tắc là giao cho một đơn vị nào đó trực thuộc tỉnh, nhưng không thu phí, không có lợi nhuận. Nếu không giao cho đơn vị phi lợi nhuận thì cũng có nghĩa là cơ hội tạo việc làm cho một bộ phận người lao động của chúng ta sẽ bị mất đi”.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Nhiều ĐBQH thống nhất theo phương án 1. Theo ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam), việc cho phép Trung tâm dịch vụ việc làm tham gia đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện các thỏa thuận quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận thông tin khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, chính quyền các tỉnh, thành phố cũng sẽ chủ động trong chỉ đạo triển khai thực hiện các thỏa thuận quốc tế cấp địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở những khu vực khó khăn, nơi mà các doanh nghiệp chưa thể hướng tới hoặc không muốn hướng tới vì lợi nhuận. ĐBQH Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cũng cho rằng, quy định như phương án 1 là để thực hiện thỏa thuận quốc tế, phù hợp với quy định trong dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế mà Quốc hội vừa thảo luận. Để triển khai hiệu quả quy định này, ĐBQH Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) đề nghị, cần quy định cụ thể lộ trình, thời gian thực hiện để các trung tâm này có thời gian chuẩn bị đủ nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã đồng ý cho 6 tỉnh thực hiện thí điểm việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh tham gia thực hiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận hợp tác quốc tế, chủ yếu là với các địa phương của Hàn Quốc. Trong đó, tập trung đưa lao động ngắn hạn 3 – 5 tháng ở độ tuổi lao động cho đến 60 tuổi với thời gian tối đa 5 tháng. Việc này phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với Tuyên bố Cấp cao ASEAN về lao động di cư mà Việt Nam đã cam kết; đồng thời cũng là giải pháp cắt giảm chi phí cho người lao động vì người lao động không phải trả tiền dịch vụ và tiền môi giới.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ở đây không có vấn đề tranh chấp với doanh nghiệp vì hoàn toàn phi lợi nhuận. “Trung tâm này chỉ thực hiện nhiệm vụ khi có thỏa thuận giữa Chủ tịch UBND một địa phương với Hàn Quốc, sau khi Chủ tịch UBND báo cáo Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao đồng ý thì mới tiến hành. Như vậy, trung tâm này chỉ thực hiện công việc khi được giao” và cũng không phát sinh bộ máy, không phát sinh tổ chức mới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.