Có ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam không?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bộ Công thương vừa công bố sản lượng ô tô bán ra trong tháng 4 của toàn thị trường chỉ đạt 6.982 xe, giảm 24% so với tháng 3 và giảm tới 46% so với năm 2011. Kết quả này cho Bộ Công thương một dự báo rằng, thị trường ô tô năm 2012 có thể chỉ tiêu thụ được khoảng 81.000 xe các loại, trong khi kế hoạch ban đầu dự kiến sẽ ở mức 130 – 140.000 xe. Đồng thời, do sức tiêu thụ thấp; lượng tồn kho của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô và các đại lý đang ở mức rất cao; những khó khăn về vốn, cắt giảm việc làm… khiến thị trường ô tô nước ta đang ở trong tình trạng đáng báo động. Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng này xảy ra là do thị trường ô tô của nước ta nhỏ lẻ, phân tán, trong khi ngành công nghiệp phụ trợ, hạ tầng giao thông còn hạn chế.

 Theo Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương Ngô Văn Trụ, cơ chế chính sách chéo queo là nguyên nhân cơ bản khiến ngành công nghiệp ô tô không  phát triển được. Cụ thể là Quy hoạch phát triển ngành đã được Bộ Công thương hoàn thiện từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét do phải chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo kế hoạch thì trong quý I.2012 sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch này nhưng với sự chậm trễ của các cơ quan hữu quan thì trong quý III.2012 cũng khó thực hiện được. Một vấn đề khác là Bộ Công thương xây dựng chiến lược phát triển ngành với mục đích tăng số lượng xe được tiêu thụ tại thị trường nước ta, thì Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất giảm lưu lượng xe lưu thông. Trong khi đó, nếu quy mô thị trường không thay đổi thì sẽ không thu hút được nhà đầu tư tham gia, công nghiệp phụ trợ không phát triển, khó hình thành ngành công nghiệp ô tô.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho rằng, tiêu chuẩn nội địa hóa không phải là một tiêu chuẩn bắt buộc. Bởi nếu phụ thuộc vào tỷ lệ nội địa hóa/sản lượng thì không thể phát triển được. Theo ông Đỗ Hữu Hào, điểm vướng nhất hiện nay chính là ở cơ chế, chính sách không ổn định. Thực tế, trong quý IV.2011, khi có thông tin về thu phí vào nội thành giờ cao điểm, hạn chế phương tiện cá nhân… với mức từ 5 – 60 triệu đồng/ô tô khiến sức tiêu thụ của thị trường giảm mạnh. Do vậy, cần phải có chính sách rõ ràng cho 6 năm tới, khi các dòng xe nhập khẩu từ các ngước Asean vào Việt Nam không còn đánh thuế.

Liên quan đến những tác động của các loại thuế, phí vào thị trường ô tô cũng như ngành công nghiệp ô tô nước ta, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính Phạm Đình Thi khẳng định, thuế là công cụ điều tiết vĩ mô của nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với ngành công nghiệp ô tô lại không hẳn vậy. Thuế luôn xung đột với các nhóm lợi ích. Người tiêu dùng mong muốn chất lượng cao nhưng giá phải rẻ. Nhà nhập khẩu thì mong muốn giảm thuế nhập khẩu để bán được hàng, nhưng nhà sản xuất trong nước lại muốn tăng thuế nhập khẩu để bảo hộ sản xuất trong nước phát triển. Hệ thống thuế dù có lý tưởng đến mức độ nào cũng không bao giờ đạt được mong muốn của các nhóm lợi ích. Do vậy, vấn đề đặt ra là thiết kế các chiến lược phát triển các ngành phải làm sao để hài hòa các lợi ích.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển công nghiệp ô tô, cần thiết phải có một dòng xe chiến lược. Tuy nhiên, dưới góc độ một nhà nghiên cứu độc lập, kỹ sư Trần Tiến Vũ cho rằng, nếu Việt Nam mới có 10 – 15 năm khởi động thì không nên tìm mọi cách để phát triển ngành công nghiệp ô tô – trong khi các điều kiện chưa đủ chín. Không nên chỉ định phải xây dựng hay ra quyết định việc phát triển một dòng xe chiến lược mà hãy để cho tự cuộc sống, thị trường chọn lọc. Cũng cần nghiên cứu lại chính sách thuế, bởi hiện có quá nhiều loại thuế thu trên đầu mỗi sản phẩm hàng hóa. Hãy học tập kinh nghiệm của nhiều nước khi không khuyến khích phát triển phương tiện cá nhân mà đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng, hay việc xây dựng ngành công nghiệp ô tô bắt đầu từ việc phát triển hạ tầng chẳng hạn…

Chiến lược phát triển ngành công nghiêp ô tô Việt Nam đã xác định đây là một ngành công nghiệp quan trọng, cần được ưu tiên phát triển, tuy nhiên, cần phù hợp với tiêu dùng của đất nước, phải bảo đảm đồng bộ với việc phát triển hạ tầng giao thông và các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Liệu có hay không một ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam trong khi vẫn còn rất nhiều tranh cãi về việc lựa chọn dòng xe chiến lược, về năng lực của thị trường…? Mặt khác, thời gian xóa bỏ hoàn toàn thuế  nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trườâng Asean vào Việt Nam không còn nhiều. Liệu thời gian gần 6 năm còn lại, có đủ để nước ta phát triển ngành công nghiệp ô tô với rất nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất nhiều mặt hàng, nhiều dòng sản phẩm…?

Nguyên Long
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân