Cà phê Việt Nam – vị thế mới, thách thức cũ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 

Hãng ITAR-TASS của Nga ngày 14/8 khẳng định Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cà phê số một thế giới. Tin trên trích thông báo của ICO xác nhận lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã vượt Brazil để trở thành nước xuất khẩu cà phê số một thế giới.

Năm 1997, Việt Nam mới lọt vào top 4 nước xuất khẩu cà phê cùng với Brazil, Colombia và Mexico thì sau 15 năm, đất nước Việt Nam đã vươn lên vị trí số một thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 2,5 tỷ USD cà phê, tăng 25% so với cùng thời kỳ năm ngoái và nhiều hơn 13% so với Brazil (14,325 triệu bao/60kg so với 12,606 triệu bao), khiến Việt Nam đoạt ngôi vị nước xuất khẩu cà phê số một thế giới vẫn nằm trong tay Brazil – nước luôn dẫn đầu thế giới về mặt hàng xuất khẩu này trong hàng chục năm qua.

Cà phê Việt Nam hiện đang có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với các thị trường chính là Mỹ, Nhật và châu Âu (Đức, Italy, Bỉ)… Sự vươn lên của cà phê được giới chuyên gia đánh giá là một phép màu của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Ngành cà phê đã góp phần quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam, trở thành mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm khoảng 3% GDP, cung cấp sinh kế cho hơn 2,5 triệu người.

Phát triển bền vững

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), trên con đường đến với ngôi vị này, bên cạnh việc các nước trồng cà phê lớn như Brazil và Colombia đang phải đối mặt với điều kiện thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất cà phê, suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà máy chế biến cà phê và người tiêu dùng trên thế giới đã chuyển hướng sang dùng cà phê robusta, những yếu tố này tạo thuận lợi cho Việt Nam vì Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới.

Dù trước đây luôn là nước xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới, nhưng cà phê Việt Nam hầu như không có tiếng trên thương trường quốc tế, trái với Brazil hay những nước xuất khẩu ít hơn như Colombia, Ethiopia, hay thậm chí Kenya, do cà phê Việt Nam chủ yếu được dùng để chế biến các loại cà phê hòa tan giá rẻ. Trên thị trường thế giới, sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam gặp không ít khó khăn khi thâm nhập vào thị trường các nước phát triển, vì vậy Việt Nam chỉ có lợi thế về khối lượng và mức giá rẻ hơn so với các nước khác.

Việt Nam chỉ đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê robusta, tuy nhiên loại cà phê arabica của Việt Nam hương vị thơm hơn và được quốc tế ưa chuộng hơn thì chưa phát triển được nhiều. Theo VICOFA để gia tăng giá trị của cà phê xuất khẩu, Việt Nam cần tăng cường diện tích cà phê arabica, bởi hiện nay lượng cà phê này không đủ để xuất khẩu. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 3 năm (từ năm 2009-2011), giá cà phê arabica tăng lên gần gấp đôi, từ 2.313 USD/tấn lên 4.261 USD/tấn. Thế nhưng, theo VICOFA, cà phê arabica vẫn chỉ chiếm 4% sản lượng cà phê cả nước.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, năng suất và chất lượng sản phẩm cà phê arabica Việt Nam hiện nay đều không cao, không ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng. Theo TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, để nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất cà phê arabica, trước tiên công tác quy hoạch vùng trồng cần được rà soát lại. Một trong những nguyên nhân chính khiến các chương trình, dự án phát triển cà phê arabica trước đây bị phá sản là do chất lượng công tác quy hoạch có vấn đề và không phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây cà phê chè. Trong quy hoạch cũng cần quan tâm đến xây dựng các vùng chuyên canh để đầu tư cơ sở chế biến tập trung hoạt động có hiệu quả hơn.

Như vậy, lại vấn đề “muôn thuở” – quy hoạch, quy hoạch trồng, quy hoạch chế biến, quy hoạch xuất khẩu… Những vấn đề này không phải đến bây giờ mới nhìn thấy. Thiết nghĩ, để đạt được ngôi vị số 1, Việt Nam đã phải trải qua một chặng đường dài. Tuy nhiên, để giữ được ngôi vị quan trọng này có lẽ phải vất vả nhiều hơn, không thể chần chừ nữa, cần phải nghiêm túc hơn trong việc triển khai đường hướng phát triển cho những ngành xuất khẩu mũi nhọn như cà phê.

Phan Thanh
Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam