Cà phê: Giá không chịu tăng dù tồn kho giảm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá theo nhịp bất ổn kinh tế thế giới

Giá cà phê tuần qua không theo một dự đoán hay trật tự nào mà nhảy loạn xạ theo nhịp bất ổn của nền kinh tế châu Âu. Tại thời điểm đầu tuần, giá bỗng nhiên giảm mạnh từ 2.005 xuống chỉ còn 1.991 đô la Mỹ/tấn cơ sở tháng giao dịch chính hiện nay là tháng 7-2012, khi ông Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang báo giai đoạn này, chưa cần phải bơm tiền hà hơi cho nền kinh tế Mỹ.

Thế là chỉ số đồng đô la tăng, kích người giữ hàng hóa bán ra, đưa giá nhiều sàn hàng hóa giảm mạnh.

Trong phiên giao dịch rạng sáng nay 14-4, giá thị trường kỳ hạn robusta Liffe NYSE đóng cửa tăng lên mức 2.012 đô la sau nhiều ngày lên xuống thất thường (xin xem biều đồ giá đóng cửa Liffe NYSE phía trên) ngay khi có tin Tây Ban Nha và Italia phải đến Ngân hàng trung ương Châu Âu cầu viện nhiều trong tháng 3-2012.

Các quỹ đầu cơ lại chuyền tay, bán tháo cổ phiếu và mua lại hàng hóa. Giá trị cổ phiếu của thị trường chứng khoán hai nước này hôm qua đã giảm mất 3,5% nhưng bù lại giúp giá hàng hóa tăng.

Giá cà phê tại thị trường trong nước hụt hơi chạy theo “con nước kinh tế thế giới” nhưng vẫn chưa đạt đến mức “sở nguyện” 40-43 triệu đồng/kg.

Tính đến sáng nay 14-4, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh TâyNnguyên đang nằm ở mức 39.500 đồng/kg. Với mức này, người còn hàng vẫn lừng khừng chưa muốn bán ra, do giá mua vào trước đây đã cao và lãi suất ngân hàng vẫn chưa hạ nhiệt dù Ngân hàng Nhà nước đã chính thức kéo mức lãi suất huy động xuống còn 12%.

Giá xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ đang còn ở mức cao, trừ 30 đô la/tấn dưới giá tháng 7-2012 so với Liffe NYSE. Các nhà xuất khẩu báo trong tuần chỉ bán ra lẻ tẻ, cầm chừng nhưng toàn cà phê loại tốt.

Một thương nhân tại Đồng Nai khoe bán được vài mươi tấn loại cà phê robusta cực sạch, thượng hạng với mức cộng 110 đô la/tấn trên giá Liffe NYSE.

Giá tăng trong thái độ lừng khừng

Biểu đồ 2: Tồn kho cà phê châu Âu ECS lại giảm (tác giả tổng hợp).

Trong khi đó, tin tồn kho cà phê tại các nước tiêu thụ giảm bay đến dồn dập. Đáng ra, với những tin này trong các năm trước, giá sẽ phóng nhanh. Nhưng, hiện nay, giá cà phê tại các nơi khá lừng khùng.

Theo tin mới nhất, tính đến cuối tháng 2-2012, tồn kho châu Âu (European Coffee Stocks) giảm thêm 434.192  bao (bao 60 kg) so với tháng trước. Nay chỉ còn còn 9.255.502 bao. Hiện là mức thấp kỷ lục sau nhiều năm và giảm 1.011.536  bao so với cùng kỳ tháng 2-2011 (xin xem biểu đồ 2 phía trên).

Biểu đồ 3: Tồn kho robusta certs tiếp tục giảm (tác giả tổng hợp)

Con số tồn kho trên bao gồm cả tồn kho 100% loại robusta có giấy xác nhận (certs) của sàn robusta Liffe NYSE.

Tính đến hết ngày 2-4, tồn kho certs giảm thêm 3.750 tấn, chỉ còn 188.570 tấn hay tương đương với 3,14 triệu bao. Đây là lần báo cáo thứ 18 giảm từ đỉnh (gần 420.000 tấn) vào đầu tháng 7-2011 (xin xem biểu đồ 3 phía trên).

Chỉ có báo cáo tồn kho toàn nước Nhật tính đến cuối tháng 2-2012 tăng nhẹ thêm 115 tấn, lên 133.945 tấn nhưng lại 17% cao hơn so với cùng kỳ tháng 2-2011. Bấy giờ, tổng tồn kho cà phê tại Nhật chỉ đạt 114.918 tấn.

Nhìn chung, tồn kho cà phê giảm đáng kể. Riêng, lượng tồn kho robusta có thể còn khá lớn. Nếu như tính tồn kho robusta certs Liffe NYSE với mức 3,14 triệu bao, trong số 6 triệu bao còn lại của số lượng tồn kho châu Âu theo ECS, cũng dễ có thêm từ 3-4 triệu bao nữa. Vị chi, robusta tại châu Âu không thôi có thể đạt 6 triệu bao.

Có lẽ do vậy mà giá trong tuần qua chần chừ không tăng mạnh chăng? Hay người mua đang chờ cơ hội mua giá rẻ khi các nước sản xuất robusta khác như Indonesia và Brazil sẽ ra hàng robusta chỉ trong vài tháng nữa?

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online