Các chuyên gia kinh tế thế giới nói về Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việt Nam đang đi đúng hướng!

Ông Beneddict – Đại diện thường trú Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam: Lợi ích khi gia nhập WTO đối với Việt Nam là rất to lớn, đặc biệt về khía cạnh mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa xuất khẩu.

Nhưng tôi nghĩ còn có một lợi ích lớn hơn: WTO chính là tín hiệu chỉ ra cho cộng đồng quốc tế về cam kết cải cách của Việt Nam, từ đó tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Trong thời gian tới, quá trình hội nhập của Việt Nam sẽ ngày càng sâu rộng hơn, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tôi biết, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các cam kết WTO và đang đi đúng hướng. Trong việc cắt giảm thuế, Việt Nam thực hiện nhanh hơn so với tiến trình cho các nước trong khu vực. Đây là một tín hiệu tích cực đối với cộng đồng quốc tế. Chính phủ Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong 4 – 5 năm qua trong tiến trình cải cách.

Thế nhưng nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi các nỗ lực cải cách phải tiếp tục tăng tốc, để bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế và hiện đại hóa.

Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng vẫn còn tồn tại các “nút cổ chai” cần giải quyết như xây dựng thể chế, thiếu nguồn lao động lành nghề và cơ sở hạ tầng còn yếu kém, cao hơn nữa là phải tiếp tục cải cách thể chế.

Việt Nam vẫn còn phải giải quyết nhiều vấn đề, nhưng chúng ta cũng phải đặt niềm tin vào Chính phủ dựa trên những kết quả mà tiến trình cải cách thời gian qua mang lại.

Những gì đã làm rất ấn tượng

Ông Ayumi Konishi

Ông Ayumi Konishi – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: Phải khẳng định lại một lần nữa rằng, những gì Việt Nam đã làm để thực hiện các cam kết WTO rất đáng kể và ấn tượng.

Việt Nam đã hoàn thành luật cải cách kinh tế, mở cửa lĩnh vực thương mại và đầu tư. Xuất khẩu đã gia tăng và số lượng đầu tư FDI giải ngân cũng tăng cao. So với con số 10,2 tỷ USD cam kết FDI năm ngoái và số cam kết FDI cuối tháng 11 năm nay đã lên tới 15 tỷ USD thì đây là một sự thành công lớn đối với Việt Nam.

Tôi nghĩ mọi việc đều khả quan đối với Việt Nam, kể cả tăng trưởng xuất khẩu ngoài dầu thô. Tôi tin là Việt Nam sẽ có thể trở thành nước thu nhập trung bình trước cả mục tiêu đề ra, có thể là vào 2009 và tiếp tục phát triển thành nước công nghiệp hóa vào 2020.

Nhưng nên nhớ đây mới chỉ là thành công trong ngắn hạn. Vẫn còn nhiều việc Việt Nam phải làm, và chúng tôi mong muốn nhìn thấy quá trình cải cách được tiếp tục. Việt Nam cần mở cửa nhiều hơn so với những gì đã cam kết khi gia nhập WTO.

Theo ước tính của chúng tôi, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, khoảng 8,5% năm 2008. Chúng tôi không nghĩ là trong ngắn hạn sẽ có những tác động bất lợi đối với nền kinh tế Việt Nam do gia nhập WTO.

Sẽ có tiến bộ

Ông Ajay Chhibber

Ông Ajay Chhibber – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam: Gia nhập WTO khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi con số cam kết so với con số thực hiện FDI ở Việt Nam vẫn còn bị hạn chế bởi các vấn đề cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư dường như vẫn sẵn sàng đầu tư lâu dài ở đất nước này bởi triển vọng tương lai lớn hơn các trở ngại trong hiện tại.

Vì thế, tôi tin rằng Việt Nam sẽ vẫn thu hút được các con số FDI kỷ lục hơn nữa.

Sự bùng nổ trên thị trường chứng khoán và sự mở rộng số lượng các Cty niêm yết trên thị trường cũng góp phần làm tăng lượng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam, một trong số đó có thể được gọi là những “đồng vốn nóng”.

Việt Nam đang trên con đường phát triển bền vững và tận dụng được các lợi thế từ tư cách thành viên WTO. Tăng trưởng đạt trung bình 8% liên tục trong 5 năm qua.

Mặc dù WB không muốn đặt ra một thời gian nào cụ thế cho thành công về mặt kinh tế của Việt Nam, nhưng có lẽ trong vòng 10 năm tới Việt Nam sẽ có những tiến bộ sâu sắc về kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Các doanh nghiệp Mỹ lạc quan

Ông Adam Sitkoff

Ông Adam Sitkoff – Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Mỹ (Amcham): Nhiều Cty Hoa Kỳ coi Việt Nam như một thị trường mới nổi hấp dẫn nhất trên thế giới. Việc Việt Nam gia nhập WTO đã làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào thị trường Việt Nam.

Triển vọng phát triển trong tương lai của các doanh nghiệp Mỹ ở thị trường Việt Nam rất sáng sủa nhưng các Cty của chúng tôi vẫn chưa thực sự có được cơ hội tiếp cận thị trường như quy định trong Hiệp định thương mại song phương và thỏa ước chấp thuận cho Việt Nam gia nhập WTO.

Bởi vậy, các thành viên Amcham kêu gọi Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh phát triển của cơ sở hạ tầng. Tăng trưởng nhanh đang tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng hiện có và những hạn chế này đang đe dọa tới đầu tư trực tiếp nước ngoài, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu. 

Do đó, cần thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính và quản lý, đặc biệt trong các ngành then chốt như điện năng và cảng nước sâu. Việt Nam cũng cần cải thiện việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ và hệ thống giáo dục.

Amcham mong muốn môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện vì các thành viên của chúng tôi có cam kết sẽ hoạt động lâu dài ở Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rất lạc quan về tương lai của Việt Nam và sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường hiểu biết giữa các Cty hai nước về cơ hội kinh doanh ngày càng to lớn ở đây.

Nguồn: Báo Tiền phong