Các luật gia góp ý xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Chế tài thôi… chưa đủ!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việt Nam sẽ có 70.000 người chết /năm

Theo báo cáo mới đây nhất của WHO, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ hút thuốc cao nhất, trong đó 47,4% nam giới và 1,4% nữ giới hút thuốc. Vì thế, tác hại mang đến là hàng năm ở Việt Nam có tới 40.000 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, theo dự kiến đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người mỗi năm.

Đánh giá thực tế hơn về mức độ ảnh hưởng của thuốc lá với sức khỏe con người, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam đưa ra một con số giật mình: 96,8% bệnh nhân ung thư phổi tại Bệnh viện K có hút thuốc lá. GS. TS Đức cung cấp thêm thông tin: “Có đầy đủ bằng chứng khoa học cho thấy thuốc lá là nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe con người và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong sớm trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới, vậy nên người hút thuốc và xã hội sẽ chịu hậu quả nặng nề đối với sức khỏe do sử dụng thuốc lá. Người hút thuốc lá đứng trước nguy cơ ung thư phổi cao gấp 21 lần, ung thư thanh quản cao đến 60 lần ung thư hầu miệng 14 lần so với người không hút. Đặc biệt, cứ mỗi ngày một giờ trong phòng với một người hút thuốc lá thì nguy cơ mắc ung thư phổi ở những người không hút thuốc cao gấp 100 lần. Thậm chí, trên thị trường hiện nay xuất hiện các loại thuốc mới được giới thiệu là nhẹ hơn như: ligh, mild, low tar… song thực tế không hề nhẹ, đó chỉ là chiêu bài của các nhà sản xuất đánh lừa cảm giác người hút mà thôi.

Ngoài ra, theo báo cáo mới đây nhất của Hội ung thư Việt Nam, hút thuốc lá sẽ dẫn đến 15 loại bệnh thường gặp như: Rụng tóc, cao răng, ung thư da, ung thư thanh quản, chuyển mầu da, bệng vẩy nến, đục nhân mắt, điếc, loãng xương, ung thư phổi và giảm khả năng sinh sản. Vì thế, nhiều nhà khoa học cho rằng, cần sớm ban hành và thực hiện tốt Luật PCTHTL nhằm bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi sự tàn phá đối với sức khỏe do sử dụng thuốc lá.

Có nên cấm hút thuốc lá?

Theo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Dự thảo Luật PCTHTL hiện đang được Bộ chủ trì xây dựng trên cơ sở lấy ý kiến từ nhiều cơ quan, ban, ngành. Dự kiến, Dự thảo Luật này sẽ được trình Quốc hội vào cuối năm nay, vì thế, những ý kiến đóng góp của các Luật gia tại cuộc hội thảo là hết sức quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện Luật.

Nhận định về vai trò của pháp luật trong thực tiễn, PGS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng: Trong Luật phải phản ánh được thực trạng tác hại của thuốc lá, rồi từ đó chọn ra những vấn đề trọng tâm, trọng điểm đề ra các quy định hợp lý. PGS.TS Tâm cũng đặt ra vấn đề: “Hút thuốc lá đã tồn tại từ rất lâu, cấm ngay có được không? Vậy nên quy định một cách hợp lý việc hút thuốc lá ở đâu, lứa tuổi nào? Muốn hợp pháp trước hết phải hợp lý nó mới cho ra tính khả thi. Cần đưa ra các quy định để người ta có thể chấp nhận được, vì pháp luật cần phù hợp với mọi người, không được cao hơn hoặc thấp hơn. Đặc biệt cần có sự tham gia của các tổ chức xã hội, chứ mình chế tài không là chưa đủ”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phan Trung Lý, Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội cho biết: “Để luật này được Quốc hội thông qua cần có thêm nhiều thông tin như: Quan điểm về phòng chống tác hại của thuốc lá với vấn đề bù lấp cho khoản ngân sánh hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm của ngành này đóng góp cho nhà nước. Cũng cần tính đến việc xóa cây thuốc lá ở các vùng như Cao Bằng, Tây Ninh, sẽ lấy cây gì thay thế để lo cho đời sống người dân. Rồi còn vấn đề quyền con người, nếu cấm có ảnh hưởng hay không là cả một bài toán rất cần nhìn một cách nghiêm túc và tổng thể với một bản báo cáo tác động hoàn chỉnh”.

Nhìn lại tổng thể hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thuốc lá từ năm 1991 đến nay, bà Trịnh Lê Trâm, GĐ TTTV Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/AIDS (thuộc Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng: Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, đã có 23 văn bản về lĩnh vực này. Tuy nhiên các văn bản còn nằm rải rác, được ban hành theo thẩm quyền của UBTVQH, Chính phủ và các Bộ. Các văn bản này cũng chưa điều chỉnh đầy đủ các lĩnh vực của phòng, chống tác hại thuốc lá, hiệu lực pháp lý và thực tiễn chưa cao, còn có quy định chồng chéo. Do vậy, Luật PCTHTL cần phải được xây dựng và ban hành sớm làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.

Tổng kết tại cuộc hội thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Phạm Quốc Anh nhấn mạnh: Đóng góp những ý kiến, quan điểm của mình đến với các cơ quan chức năng nhằm góp phần hoàn thiện nội dung Dự thảo Luật PCTHTL trước khi trình Quốc hội là một nhiệm vụ và vai trò quan trọng của giới luật gia Việt Nam. Qua đó, góp phần hoàn thiện dự thảo luật để văn bản luật quan trọng này sớm được thông qua đi vào cuộc sống, góp phần hạn chế và đẩy lùi tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng.

Trần Quyết

Một điếu thuốc chứa gần 600 chất độc hại

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức: Trong thuốc lá có tới 4.000 chất hóa học, trong đó 599 chất hóa học có hại sử dụng trong sản xuất thuốc lá và 50 chất gây ung thư. Đặc biệt các chất như: Nicotine gây nghiện, tăng nhịp tim và huyết áp, tăng đường máu; Nhựa thuốc lá rất có hại cho phổi dẫn đến hẹp khí phế quản, hủy lông tơ trong phổi; Benzen, PAH gây ung thư thường thấy trong dầu khí, thuốc trừ sâu.

Khói thuốc thụ động làm giảm ít nhất 33g cân nặng của trẻ sơ sinh và làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân (dưới 2.500g). Nếu trẻ có bà mẹ hút thuốc lá nguy cơ sẽ tăng 72% nhiễm khuẩn hô hấp; tăng 48% viêm tai giữa tái phát cho con nếu cả bố và mẹ đều hút. Ngoài ra nó sẽ gây ra bệnh hen ở trẻ và làm giảm tốc độ phát triển chức năng phổi.

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử