Các ngành hàng ồ ạt lên mặt bằng giá mới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thông tin từ hệ thống siêu thị Intimex tại Hà Nội cho biết, ngay từ đầu tháng 3, họ đã bắt đầu nhận được các thông báo điều chỉnh giá từ nhà cung cấp thuộc mọi ngành hàng, từ lương thực, thực phẩm đến các sản phẩm điện, gia dụng…

Với mức tăng trung bình từ 5-15%, hiện đã có khoảng 100 mặt hàng tại các siêu thị của Intimex được bán ra ở mức giá mới. Trong đó, tăng giá mạnh nhất là các nhóm hàng như sữa, bánh kẹo, thịt lợn, thủy, hải sản tươi sống, thực phẩm chế biến…

Còn tại hệ thống siêu thị Fivimart, một lãnh đạo cho hay, với mức tăng phổ biến từ 5 – 7% ở các mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng, đến nay 40% các mặt hàng trong hệ thống đã được áp dụng giá mới.

Trong khi đó, nhiều tiểu thương hàng thực phẩm, gia vị tại các chợ nội thành Hà Nội phản ánh, do tăng giá từ nhà sản xuất, cung cấp và chi phí vận chuyển tăng nên giá hầu hết mặt hàng họ bán ra, trong đó có nước mắm, tương ớt, mì chính… đều tăng thêm khoảng 1.000 đồng/sản phẩm.

Mức tăng thực tế từ 10-15% của nhiều nhóm hàng hiện nay được đánh giá là rất cao, hoàn toàn vượt xa so với dự đoán ban đầu của các nhà phân phối khi cho rằng, cơ cấu giá xăng dầu thường chỉ chiếm khoảng 3 – 5% trên tổng giá thành sản phẩm, do đó “giỏi lắm” chỉ khiến mặt bằng giá nhích lên thêm 5%.

Về việc tăng giá thêm 15% trên 4 nhóm hàng chủ lực là thực phẩm chế biến, sơ chế, đồ hộp, nước mắm bắt đầu từ ngày 15/3 vừa qua, bà Ánh Liên – Trưởng phòng Nghiệp vụ – Trung tâm Kinh doanh và Dịch vụ Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT), cho hay: “Đánh bắt thủy, hải sản thường là xa bờ nên chi phí xăng dầu rất lớn. Do đó, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng 20-30%. Cụ thể, cá nục trước mua vào ở mức 7.000 – 8.000 đồng/kg, nay đã lên 11.000-12.000 đồng”.

Một yếu tố khác nữa, theo bà Liên là trong năm 2007, dù các đơn vị khác đã tăng giá sản phẩm một vài lần nhưng APT vẫn cầm cự giữ giá. Nhưng lần này “không chịu nổi nữa”, công ty phải tăng để theo kịp các hãng khác.

Mức độ tăng giá rất cao lần này, theo bà Liên mới đầu sẽ tác động mạnh đến tâm lý của người tiêu dùng, nhưng trong bối cảnh mặt bằng giá chung thì về lâu dài sẽ không mấy ảnh hưởng đến thị phần của APT.

Cũng là mặt hàng có sự tăng giá không ngừng nghỉ trong năm 2007, các hãng sản xuất mì ăn liền ngay từ đầu tháng 3 vẫn tiếp tục tăng giá sản phẩm.

Đại diện hãng Vina Acecook lại cho rằng, dù chiếm 2% chi phí đầu vào để vận hành một số máy móc nhưng giá xăng dầu tăng cuối tháng 2 không phải là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc công ty nâng giá thêm 132 đồng/gói mì mới đây.

“Giá xăng dầu tăng không đáng kể so với các mối lo về nguyên liệu đầu vào như dầu ăn, bột mì lúc này. Với mức tăng giá từ 30-40%, công ty thậm chí chỉ có bột mì đến tháng 4, còn các tháng tiếp theo, nhà cung cấp không dám chào giá với mình”, vị này chia sẻ.

Các nhà sản xuất kể trên dự báo, nếu nguồn cung và giá nguyên phụ liệu đầu vào từ giờ đến cuối năm chưa hạ nhiệt thì chắc chắn họ sẽ phải tăng giá sản phẩm thêm vài lần nữa.

Còn giới kinh doanh, phân phối tại các siêu thị Hà Nội khẳng định, họ vẫn đang và chắc chắn sẽ còn nhận được nhiều thông báo điều chỉnh giá từ nhà cung cấp sắp tới, bởi sau một thời gian im ắng nghe ngóng, việc tăng giá ồ ạt của nhiều mặt hàng hiện nay sẽ là cơ hội để các hãng khác tăng theo.

Thêm vào đó, thông tin giá điện đang rục rịch tăng phần nào khiến các hãng nhân cơ hội này tăng giá liền mạch.

Nguồn: Báo Điện tử Việt Nam Nét