Các nhà máy “3 tại chỗ” phía Nam bắt đầu đuối sức
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mô hình “3 tại chỗ” cần được điều chỉnh và sửa đổi để giúp các nhà máy phía Nam duy trì sản xuất lâu dài trong đại dịch.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“3 tại chỗ” không thể kéo dài

Sau 6 tuần thực hiện mô hình “3 tại chỗ” (cho công nhân làm việc, ăn và ngủ tại nhà máy), các nhà máy ở vùng tâm dịch phía Nam bắt đầu đuối sức. Tại nhà máy sản xuất thiết bị y tế của Công ty Diversatek Việt Nam (Hoa Kỳ) ở tỉnh Bình Dương, một số nhân viên cho biết, họ rất nhớ nhà và muốn về thăm gia đình.

“Đây là điều dễ hiểu và dễ thông cảm. Công ty đã cố gắng sắp xếp thủ tục và giấy tờ cần thiết để công nhân có thể trở về nhà. Hiện nhà máy của chúng tôi chỉ hoạt động với 50% lực lượng lao động”, ông Jonathan L. Moreno, Tổng giám đốc Diversatek Việt Nam chia sẻ.

Theo ông Jonathan L. Moreno, doanh nghiệp này đang tìm các công nhân khác để tham gia sản xuất. Công nhân sẽ cách ly một tuần ở khách sạn kế bên trước khi đáp ứng đủ điều kiện để tham gia mô hình “3 tại chỗ” của nhà máy.

Trong đợt dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh, mô hình sản xuất ‘3 tại chỗ’ hoặc ‘1 cung đường 2 điểm đến’ được áp dụng thành công, nhưng khi áp dụng tại một số tỉnh phía Nam lại không hiệu quả.

“Chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ cung cấp thêm một số ý tưởng và giải pháp mới để duy trì hoạt động sản xuất. Chúng tôi cho rằng, rất khó duy trì mô hình này đến giữa tháng 9. Chi phí phát sinh, mất doanh thu và gián đoạn chuỗi cung ứng đang bắt đầu tạo ra những vấn đề nghiêm trọng”, ông Jonathan L. Moreno nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp Australia cũng trong tâm thế tương tự. Ông Simon Fraser, Giám đốc Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (Auscham Việt Nam) chia sẻ, nhiều doanh nghiệp Australia vẫn có thể sắp xếp lực lượng lao động làm việc với mô hình “3 tại chỗ”. Ban đầu, nhiều nhân viên háo hức tham gia cách ly tại công ty vì có thể đảm bảo sức khỏe và có cơ hội được kiểm tra, thậm chí được tiêm phòng, cùng với việc được trả lương. Tuy nhiên, sau một tháng, nhân viên có tâm lý bất ổn hơn, họ nhớ gia đình và bạn bè.

“Các doanh nghiệp đã cố gắng cung cấp thực phẩm, chỗ ở, các hình thức giải trí và mức lương tốt hơn, nhưng những điều này cũng dần mất đi tính hấp dẫn. Nếu mô hình ‘3 tại chỗ’ kéo dài, các doanh nghiệp sẽ phải hoán đổi nhân viên để thay thế lực lượng lao động hiện tại. Việc hoán đổi sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ kiểm tra y tế, tiêm chủng và trả lương công bằng. Đây là cách duy nhất các doanh nghiệp có thể thực hiện quy định vừa sản xuất vừa chống dịch”, ông Simon Fraser chia sẻ.

Đề xuất mô hình “2 tại chỗ”

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị điều chỉnh mô hình “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động sản xuất bền vững. Masan đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo địa phương cho phép lập “vùng đệm” xung quanh nhà máy. Vùng đệm này có thể là trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu… gần nhà máy. Tại đây, lao động có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện tốt quy định về phòng chống dịch bệnh.

Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) đề xuất mô hình “2 tại chỗ” kết hợp với test nhanh cho người lao động. Người lao động sẽ ăn uống và làm việc tại chỗ và tạo một cung đường cho phép họ được về nhà trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối kiểm soát dịch bệnh.

Doanh nghiệp sàng lọc bằng cách tăng tần suất test nhanh cho người lao động và cam kết với chính quyền. Còn người lao động cam kết với doanh nghiệp về di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Ông Kenneth Atkinson, Nhà sáng lập Công ty Tư vấn Grant Thornton Vietnam nhận xét: “Chúng ta nên xem các giải pháp như ‘3 tại chỗ’ mang tính thử nghiệm và đem đến cơ hội để học hỏi. Các giải pháp này cần được xem xét thường xuyên bởi nhóm đặc nhiệm, bao gồm đại diện của các ban ngành liên quan và các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp. Từ đó, chúng ta có thể cải tiến và điều chỉnh sau mỗi lần thực thi”.

Ông Atkinson lưu ý rằng, giải pháp “2 tại chỗ” có thể có những trở ngại riêng và làm tăng nguy cơ lây lan dịch sang các khu vực lân cận khác. Việc thiết lập một vùng xanh (vùng không có dịch) gần nơi làm việc của nhà máy, với dịch vụ đưa đón từ chỗ ở đến nơi làm việc là một lựa chọn khác. “Có lẽ đây là lựa chọn tốt hơn so với lựa chọn đầu tiên, nhưng cũng có những thách thức riêng”, ông Atkinson nói thêm.

Cuối tuần qua, ngày 12/8/2021, Bộ Y tế có hướng dẫn mới gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc phòng, chống Covid-19 tại cơ sở sản xuất – kinh doanh. Theo đó, Bộ Y tế để các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất – kinh doanh.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị tự xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống dịch trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế và phù hợp với tình hình dịch tại địa phương.

UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch và triển khai phòng, chống dịch tại các đơn vị, tránh chồng chéo (không để xảy ra tình trạng nhiều đơn vị chức năng kiểm tra một doanh nghiệp/cơ sở sản xuất – kinh doanh), để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, đảm bảo hỗ trợ các đơn vị trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.