Các NHTM Việt Nam: Chưa tìm được lối thoát!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cơn bão đua lãi suất huy động VND trên thị trường ngân hàng đã có mức trần là 12%/năm khiến nhiều ngân hàng thở phào trút bớt gánh nặng trước áp lực đẩy cao chi phí đầu vào.

Đau đầu bài toán cung – cầu

Tuy nhiên, ngay cả với mức lãi suất trần là 12%/năm cũng khiến nhiều ngân hàng gặp khó với bài toán thu – chi. Theo ông Trần Phương Bình – Tổng Giám đốc Dong A Bank: “Để cạnh tranh và giữ chân khách hàng, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất. Tuy nhiên, với mức lãi suất huy động được, giả sử 100 đồng, ngân hàng phải gửi vào dự trữ bắt buộc là 11 đồng, trừ các chi phí khác, ngân hàng chỉ còn khoảng 75 đồng để kinh doanh”.

Để đảm bảo bài toán kinh doanh buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến tình trạng chính bản thân các ngân hàng bị mất đi một lượng khách hàng không nhỏ. Bởi nhiều khách hàng, nhất là những nhà sản xuất, kinh doanh phải tính lại bài toán có nên vay vốn ngân hàng để triển khai kế hoạch mới, và hậu quả là nguồn vốn huy động của nhiều ngân hàng có nguy cơ “ế”.

Đại diện của một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, các lĩnh vực kinh doanh của ngân hàng ngày chịu sự cạnh tranh gay gắt. Thị trường chứng khoán ảm đạm, kéo theo việc đầu tư vào các cổ phiếu cũng như các dịch vụ: cho vay cầm cố chứng khoán, repo cổ phiếu phải ngưng lại theo yêu cầu của Ngân hàng nhà nước khiến nhiều ngân hàng cũng mất đi một khoản thu đáng kể. Bên cạnh đó, sự ra đời của các ngân hàng thương mại mới, ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập khiến mảng dịch vụ bán lẻ ngày càng bị thu hẹp thị trường. “Việc điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh là điều chắc chắn phải làm trong tình hình thực tế hiện nay, nếu không ngân hàng khó có thể giữ nguyên được mục tiêu doanh thu như đã dự kiến với các cổ đông”. Vị này nhấn mạnh.

Áp lực bị siết tiền đồng

Trong khi các ngân hàng còn đang loay hoay với bài toán cung cầu của mình, thì thời hạn mua tín phiếu bắt buộc vào ngày 17/3 ngày càng đến gần. Điều này đồng nghĩa với việc tiền đồng của các ngân hàng lại càng trở nên eo hẹp. Theo một quan chức của NHNN thừa nhận, đã có kiến nghị với NHNN về vấn đề này, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có phản hồi. Vị quan chức này cho biết, việc mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu NHNN lần này là bắt buộc nên khó có thể xảy ra trường hợp không thực hiện, mà chỉ hy vọng vào việc điều chỉnh giãn thời gian để các ngân hàng có sự chuẩn bị tốt hơn nguồn tiền. Vị quan chức này cũng cho biết thêm, hiện NHNN đang từng bước thực hiện các biện pháp điều hành theo hướng đảm bảo được lãi suất thực dương và kiềm chế lạm phát.

Một thực tế phải thừa nhận hiện nay là các ngân hàng cũng không dám giải ngân tiền đồng quá mạnh tay. Theo lý giải của lãnh đạo một số ngân hàng thì bên cạnh việc phải dự trù nguồn tiền mua tín phiếu, các ngân hàng còn lo ngại sẽ có thêm chính sách thắt chặt tiền tệ mới. Cụ thể như trong thời gian tới có thể phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Khó khăn với mục tiêu

Theo kế hoạch đặt ra, từ các ngân hàng có quy mô vốn lớn đến các ngân hàng nhỏ, mục tiêu đạt lợi nhuận hầu như đều tăng từ 1,5 – 2 lần so với năm 2007 như Sacombank, Eximbank, Viet A bank, An Binh Bank, OCB… Đến lúc này, một số ngân hàng đã phải tính đến bài toán điều chỉnh lợi nhuận cả năm theo hướng giảm. Theo ông Nguyễn Trường Giang – một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, thì việc điều chỉnh lợi nhuận của các ngân hàng có thể chỉ mang tính nhất thời, như là một bước chuẩn bị tâm lý cho nhà đầu tư vào tình hình xấu nhất. Còn trong thực tế, với những nỗ lực bình ổn thị trường tài chính – tiền tệ của Chính phủ, tiềm năng tăng trưởng kinh tế, thì lĩnh vực kinh doanh ngân hàng vẫn đang đứng đầu về lợi nhuận và khả năng phát triển. Ông Giang cho biết thêm, giai đoạn các ngân hàng gặp khó khăn và bị ảnh hưởng mạnh tới lợi ích kinh doanh thực sự sẽ diễn ra vào năm 2010.

Nguồn:  Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp