Cải cách cơ cấu thu ngân sách: Yêu cầu cấp thiết trong phát triển kinh tế-xã hội
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thu ngân sách tăng cả về quy mô và tỷ trọng

Thời gian qua, xuất phát từ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đúng đắn, kết hợp với việc sử dụng có hiệu quả các công cụ tài chính, nguồn thu ngân sách đã đạt được kết quả đáng khích lệ cả về quy mô và tỷ trọng. Tổng thu từ thuế và phí luôn đạt trên 90% trong tổng thu NSNN, khẳng định hiệu quả tích cực của quá trình cải cách thuế bước 2 (thực hiện từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000).

Để ổn định và phát triển nguồn thu, khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với tiến trình và cam kết trong hội nhập kinh tế, Nhà nước đã và sẽ cắt giảm thuế suất nhiều hàng hóa, dịch vụ trong nhiều lĩnh vực. Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã giảm từ 32% xuống 28%; thuế suất thuế GTGT đã giảm từ 4 mức xuống còn 3 mức và 2 mức, trong đó bỏ mức cao nhất là 20%. Quốc hội cũng đã quyết định bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và bỏ thuế TNDN bổ sung. Đặc biệt, năm 2003, Chính phủ đã giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân. Nhiều dòng thuế XK, thuế NK đã giảm theo lộ trình cam kết.

Một điều đáng chú ý là tỷ trọng thu ngân sách từ các loại thuế XNK trong tổng thu từ thuế đã giảm, mặc dù quy mô và giá trị tuyệt đối vẫn tăng ở tốc độ gần 7,5%/năm. Trong khi đó quy mô và tỷ trọng thuế TNDN và thuế GTGT đều tăng. Thuế TNDN đã trở thành nguồn chính trong thu NSNN từ thuế. Các doanh nghiệp nhà nước không kinh doanh xăng dầu đóng góp 38% trong số thu từ thuế TNDN, con số này đối với doanh nghiệp xăng dầu Nhà nước là 34%. Khu vực doanh nghiệp có vốn ĐTNN không kể dầu khí chiếm 7%. Bên cạnh đó, thu NSNN từ khu vực kinh tế dân doanh đã tăng và có bước phát triển tốt, từ chỗ chỉ chiếm 6,4% tổng thu ngân sách năm 1998, đến năm 2004 đạt 7,8%. Điều này chứng tỏ sự phát triển cả về quy mô, tỷ trọng, cả về chất lượng của khu vực kinh tế dân doanh. Năm 2005, khu vực kinh tế này đã đóng góp được 8,2% GDP, tăng 41% so với năm 1998.

Nhìn chung, bằng nhiều biện pháp, những năm qua cơ cấu thu ngân sách đã đạt được những chuyển biến tích cực, thu từ thuế và phí đã đảm bảo đủ cho chi thường xuyên, còn để dành ra một phần cho tích lũy đầu tư phát triển và trả nợ. Kết quả này góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, từng bước phát huy được vai trò của NSNN với tư cách là phương tiện và công cụ để Nhà nước thực hiện điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế-xã hội.

Phụ thuộc nhiều vào yếu tố không bền vững

Tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng những năm gần đây cơ cấu thu NSNN vẫn chậm được cải thiện, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố không bền vững. Điều này thể hiện rõ nét qua số thu nội địa, dù có tăng lên qua các năm, nhưng vẫn chưa chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng thu NSNN. Thu từ hoạt động XNK trong giai đoạn 1991-2006 chiếm tỷ lệ bình quân 20%, nếu tính cả nguồn thu từ dầu thô (chiếm bình quân 15%) thì nguồn thu từ hoạt động XNK đã chiếm 1/3 tổng thu ngân sách. Đặc biệt từ năm 1998 đến nay, với sản lượng dầu thô ngày càng tăng thì tỷ lệ thu từ dầu thô vào NSNN đã tăng lên đến 20% mỗi năm, năm 2006 đạt gần 30%. Trong khi đó, nguồn thu nội địa chỉ gần bằng 50% tổng thu NSNN.

Việc lệ thuộc nhiều vào các hoạt động kinh tế đối ngoại và khai thác, XK dầu thô khiến ngân sách trở nên nhạy cảm trước diễn biến của hoạt động kinh tế trên thế giới và các đợt biến động giá dầu thế giới. Đồng thời tiến trình thực hiện giảm thuế theo các cam kết hội nhập sẽ là sức ép không nhỏ đối với nguồn thu NSNN. Hơn nữa, ngay trong cơ cấu thu nội địa cũng còn hàm chứa nhiều khoản thu không thực sự xuất phát từ kết quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả nền kinh tế, từ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc dân. Trong khi đó, nhiều tiềm lực của nền kinh tế chưa được động viên. Hiện tại số thu từ thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao chỉ chiếm 3,9% tổng thu NSNN. Nhiều hoạt động kinh doanh và chuyển dịch tài sản, bất động sản chưa chịu thuế. Các khoản thu từ phí, lệ phí là khá lớn, trong khi có những khoản phí có thể chuyển thành thuế liên quan đến nhiều đối tượng lại chưa được coi trọng nghiên cứu…

Bên cạnh đó, phạm vi điều tiết vĩ mô của các chính sách thu NSNN, nhất là các sắc thuế còn hẹp, chưa bao quát được các hoạt động kinh doanh của nền kinh tế đã và đang phát sinh, phát triển rất đa dạng trong kinh tế thị trường. Diện chưa thu thuế còn nhiều. Cụ thể, Luật thuế XK, thuế NK còn quy định diện miễn thuế rộng, như miễn thuế cho các mặt hàng phục vụ an ninh quốc phòng, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo; miễn thuế cho thiết bị máy móc, vật tư NK để xây dựng xí nghiệp ĐTNN tại Việt Nam. Trong Biểu thuế NK còn nhiều mặt hàng có thuế suất 0%. Những hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc diện chưa thu thuế hoặc được miễn thuế, giảm thuế sẽ có nhiều lợi thế hơn các cơ sở khác, dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng, và với các đơn vị được miễn thuế sẽ chậm cải tiến, hạn chế hạch toán kinh doanh. Mặt khác, cũng gây khó khăn trong kiểm soát và quản lý thu thuế do phải xác định diện thu thuế và diện miễn thu thuế…

Với một số vấn đề đặt ra như trên, cải cách cơ cấu thu ngân sách Nhà nước là hết sức cấp thiết, song cải cách như thế nào, bắt đầu từ đâu và với lộ trình ra sao để phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế và đảm bảo tính khả thi là hoàn toàn không đơn giản.

Từ năm 1991 đến nay, tốc độ thu NSNN năm sau luôn cao hơn năm trước, đặc biệt ở giai đoạn 1991-1995, đạt cao nhất là năm 1992 thu tăng 98,1% so với năm 1991. Trong giai đoạn 2001-2006 tốc độ thu năm sau so với năm trước tăng bình quân 17,7%. Đặc biệt là trong 3 năm 2003 đến 2005, kết quả thu ngân sách đều đạt trên 23% GDP, mức thu cao nhất từ nhiều năm qua.

Dự báo cơ cấu thu ngân sách giai đoạn 2006-2010

Về tổng số

-Tổng thu NSNN trong giai đoạn 2006-2010 sẽ gấp đôi giai đoạn 2001-2005, bình quân mỗi năm tăng khoảng 12%;

-Tỷ trọng thuế và phí trong tổng thu đạt 94-95%.

-Thu từ dầu thô giảm còn khoảng 20% trong tổng thu.

-Tỷ trọng thu từ XNK đến năm 2010 còn khoảng 16-17% tổng số thu.

-Thu nội địa trừ dầu dự kiến tăng lên 63-65% vào năm 2010.

Về cơ cấu thu theo sắc thuế:

Thuế GTGT vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu thuế và phí, năm 2010 chiếm khoảng 28-30%; Số thuế TTĐB khoảng 6-8%; Thuế TNDN tăng khá, lên khoảng 17-18%; Thuế TNCN tăng nhanh, năm 2005 khoảng 1,9% tổng thu NSNN, đến năm 2010 dự kiến sẽ đạt trên 5%; Thuế XNK trong tổng thu NSNN giảm, từ 12,2% giai đoạn 2001-2005 giảm xuống còn khoảng 10% giai đoạn 2006-2010.

Về cơ cấu thu từ khu vực kinh tế:

Trong tổng thu nội địa (trừ dầu), tỷ trọng thu từ khu vực DN chiếm tỷ lệ chủ yếu khoảng 72-75% vào năm 2010, trong đó:

-Thu từ khu vực DNNN tăng hàng năm bình quân 14-15%, tuy nhiên do không thành lập mới và tiếp tục sắp xếp DNNN nên tỷ trọng thu còn khoảng 35-38% vào năm 2010.

-Thu từ khu vực DN FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, dẫn đầu trong khu vực DN, mức tăng bình quân hàng năm khoảng 27-30%, và trở thành nguồn thu quan trọng của NSNN, đến năm 2010 sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 41-45%.

-Thu từ khu vực công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh tăng nhanh, bình quân 5 năm khoảng 18-22%/năm. Đến năm 2010 tỷ trọng khu vực này trong tổng thu từ khu vực DN chiếm khoảng 14-16%.

Giải pháp cải cách cơ cấu thu NSNN

Yêu cầu về phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập mạnh mẽ chính là sức ép và động lực lớn để Việt Nam phải cải cách cơ cấu thu. Có 3 nhóm yếu tố chính tác động đến cơ cấu nguồn thu NSNN, đó là nhân tố về tăng trưởng kinh tế, nhân tố về cơ chế, chính sách thu và nhân tố về chất lượng công tác quản lý thu thuế. Vì vậy, việc cải cách cơ cấu thu ngân sách chính là quá trình cải cách, tác động tích cực vào các nhân tố trên.

Trong một tham luận tại Hội thảo về cải cách cơ cấu ngân sách nhà nước được Viện Khoa học tài chính tổ chức mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Thị Mai cho rằng, giải pháp cải cách cơ cấu thu NSNN cần tập trung vào vấn đề quan trọng là đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế; duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở mức 7,5-8%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14-14,5%, giá trị dịch vụ tăng 7%. Trong một thời gian nhất định, với chính sách thu và chất lượng công tác quản lý thu ổn định tương đối, thì kinh tế tăng trưởng cao, phát triển bền vững. Đây là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất để tăng thu và cải cách cơ cấu nguồn thu ngân sách.

Giải pháp nữa là tích cực cải cách hệ thống chính sách thuế. Trong đó tuân thủ triệt để các nguyên tắc cải cách thuế như mở rộng cơ sở tính thuế (giảm tối đa các khoản ưu đãi, miễn giảm), giảm thuế suất, đảm bảo tính đơn giản, khả thi và tăng cường quản lý hành chính thuế. Khẩn trương ban hành các chính sách thu mới để điều tiết thêm các khoản thu tiềm năng như thuế TNCN, thuế sử dụng đất, thuế tài sản… Ngoài ra là cải cách các sắc thuế khác như thuế XNK, thuế TNDN, thuế GTGT… vẫn theo hướng từng bước giảm dần các khoản ưu đãi, miễn giảm. Các chính sách thu sẽ tác động trực tiếp lên nguồn thu ngân sách, tác động gián tiếp tới tăng trưởng kinh tế và quay trở lại tác động đến số thu ngân sách. Vì vậy, khi chính sách thu thay đổi, sẽ có tác động kép đến cơ cấu thu của các sắc thuế, ngành nghề, địa bàn và lĩnh vực thu.

Một giải pháp quan trọng nữa là tăng cường các biện pháp quản lý của cơ quan thuế. Hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn cải cách thuế bước 3. Thời gian tới cần đẩy mạnh cải cách hành chính thuế theo hướng hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người nộp thuế; sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy trình quản lý thu; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học vào các khâu quản lý thuế; đào tạo lại đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, có kỹ năng quản lý thuế hiện đại… Khi chất lượng quản lý thu được nâng lên, sẽ hạn chế được các hiện tượng kinh tế ngầm, hạn chế thất thu ngân sách và theo đó sẽ làm thay đổi cơ cấu thu giữa các sắc thuế, các địa bàn. Vì vậy, chất lượng quản lý thu của cơ quan thuế có tác động nhất định đến cơ cấu thu giữa các địa bàn, ngành nghề… Tuy nhiên, mức ảnh hưởng không lớn như ảnh hưởng của việc thay đổi chính sách thuế.

Theo Tổng cục Thuế