Cải cách hành chính: Bao giờ doanh nghiệp hết khổ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chuyện khổ lắm, biết rồi… chưa chuyển!

Tại tỉnh Bình Dương – nơi được coi là “thủ phủ” của ngành gỗ Việt Nam, các doanh nghiệp gỗ đang gặp phải nhiều khó khăn. Theo bà Đỗ Thị Kim Loan – Tổng giám đốc Công ty TNHH Sao Nam, doanh nghiệp chuyên sản xuất ván sàn xuất khẩu, hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ có tỷ lệ lãi rất thấp, từ 0 – 5% là phổ biến. Và khoản lãi nhỏ nhoi này càng trở nên mong manh hơn khi gặp những bất lợi về thị trường và cơ chế chính sách. “Cái vướng hiện nay lại xuất phát cả từ phía hải quan và thuế” – bà nói. Chẳng hạn như với hải quan, một trong những kiến nghị lớn nhất của doanh nghiệp là bãi bỏ một số thủ tục rườm rà gây lãng phí thời gian như bản cam kết xuất trình chứng từ thanh toán trong thời hạn 15 ngày, hay công văn giải trình khi thực xuất tờ khai mua bán với bên thứ ba…

Cái khó “bó” doanh nghiệp ngay từ thời hạn ra quyết định hoàn thuế, không thu thuế

Ông Võ Trường Thành – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, một doanh nghiệp đang có 9 công ty thành viên chế biến gỗ và trồng rừng với trên 7.000 công nhân cho biết, hiện việc hoàn thuế nhập khẩu, và thuế giá trị gia tăng còn nhiều vướng mắc. Cái khó “bó” doanh nghiệp ngay từ thời hạn ra quyết định hoàn thuế, không thu thuế; các khái niệm về chứng từ thanh toán qua ngân hàng còn chung chung, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và làm cho các cơ quan quản lý lúng túng khi thực hiện.

Một ví dụ cụ thể: đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau, thời hạn giải quyết 60 ngày hầu như là không tưởng. Bởi trên thực tế cơ quan Hải quan tính mốc thời gian là từ ngày nhận đủ hồ sơ hoàn thuế (có các chứng từ bản gốc). Quy định này được nhiều doanh nghiệp coi như “đánh đố”, vì thực tế nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bán hàng có thời gian thanh toán là 3 tháng hoặc 6 tháng. Sau thời hạn đó doanh nghiệp mới có đủ chứng từ thanh toán bản gốc. Không phải không có lý khi doanh nghiệp cho rằng, nếu như đã hậu kiểm sao không mạnh dạn kiểm tra và hoàn thuế trước, số chứng từ còn thiếu (như chứng từ thanh toán bản gốc), cho doanh nghiệp bổ sung sau?

Ngoài ra, các doanh nghiệp gỗ cũng có kiến nghị xung quanh việc thực hiện chính sách ưu đãi về thời hạn nộp thuế nguyên vật liệu sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp cho rằng, hoặc nên thêm vào điểm 3.2.3, mục IV, phần E Thông tư 59 /TT-BTC “Thời hạn nộp thuế đối với đối tượng cơ sở sản xuất kinh doanh nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu là 275 ngày tính từ ngày đăng ký tờ khai hải quan không bao gồm thời hạn xem xét, kiểm tra hồ sơ ban hành quyết định hoàn thuế”, hoặc kéo dài thời hạn ưu đãi nộp thuế nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu cho ngành sản xuất chế biến gỗ theo chu kỳ sản xuất kinh doanh của sản phẩm là 365 ngày thay vì 275 ngày như hiện nay. Nếu điều này sớm được thông qua sẽ giúp giảm rủi ro cho các doanh nghiệp.

Để kiến nghị không bị rơi vào im lặng

Kiến nghị của các doanh nghiệp chế biến gỗ có thể coi là thêm một giải đáp cho câu hỏi: các doanh nghiệp hiện nay cần gì? Vốn là điều đương nhiên, nhưng quan trọng hơn, họ cần một môi trường minh bạch. Có thể hiểu, sau khi được tiếp thu kiến nghị về thuế, các doanh nghiệp đã “thừa thắng xông lên” để tiếp tục chuyển tải những bức xúc nảy sinh trong thực tế đến các cơ quan chức năng. Nhưng cũng cần phải nói đến trách nhiệm tiếp nhận và xử lý kiến nghị từ doanh nghiệp của các cơ quan quản lý. Theo các nhà phân tích kinh tế, lập luận và dẫn chứng của doanh nghiệp là tương đối xác đáng, chứ không phải họ chỉ biết đòi bảo hộ!

Thay vì những quyết định hành chính đi vòng vèo theo các ban chuyên môn của các bộ ngành để đến được cấp ra quyết định – mà trong thời gian đó có lẽ nhiều doanh nghiệp đã phải trả giá bằng cơ hội kinh doanh, thậm chí bằng sự tồn vong – trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn chung như hiện nay, các cơ quan quản lý cần có những ứng xử quyết liệt và kịp thời hơn.

Còn nhớ, nhấn mạnh đến môi trường kinh doanh như một “bà đỡ” cho doanh nghiệp, TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận rằng, chúng ta cần có những chính sách cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh một cách liên tục và đầy quyết tâm. Còn luật gia Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì đưa ra một ước lượng khá cụ thể. Theo luật gia này, thủ tục hành chính hiện là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp và nếu loại bỏ được trở ngại này, mỗi năm nền kinh tế có thể được lợi 1,8 tỷ đô-la.

Nguyên Phan
Nguồn:  Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp