Cải cách hành chính lĩnh vực hải quan: chỉ còn 8%?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cùng với ngành thuế, ngành hải quan đang gấp rút rà soát bãi bỏ các thủ tục không cần thiết và đẩy nhanh lộ trình áp dụng đồng loạt thông quan điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp ngay trong năm nay theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ngành hải quan có một lợi thế là 5 – 6 năm trước đã thí điểm triển khai thủ tục hải quan điện tử và hiện tại đã thực hiện hải quan điện tử trên toàn quốc, đồng thời áp dụng được tới 92% các tiêu chuẩn tốt nhất của hải quan thế giới vào thông lệ Việt Nam.

Cũng liên quan đến ứng dụng công nghệ hiện đại, cách đây 18 tháng, ngành này đã bắt đầu triển khai dự án thông quan tự động thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật viện trợ không hoàn lại. 

Việc áp dụng hệ thống này được thực hiện theo quy trình đối chiếu các dữ liệu liên quan đã cập nhật sẵn trong hệ thống cơ sở dữ liệu, theo đó với các lô hàng luồng xanh là các loại hàng không có nghi vấn hiện chiếm khoảng 56% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, cán bộ hải quan không cần kiểm tra mà chỉ cần đối chiếu sau 3 giây với các dữ liệu liên quan là có thể cho thông quan. 

Quy trình này rất thuận tiện cho DN, do họ có thể cập nhật và khai báo đầy đủ các tiêu chí theo đúng yêu cầu phần mềm đưa ra tại bất cứ đầu mà không cần tới tận nơi làm thủ tục hải quan, trong khi chi phí ngang bằng trước đây. Nếu áp dụng thành thạo quy trình này, Cục Hải quan Hà Nội cho rằng, có thể giúp giảm được một nửa thời gian thông quan hàng hóa vào cuối năm nay và đến năm sau có thể đạt mức thời gian thông quan bình quân của các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. 

“Dự án VINACC đã được triển khai tại 34/172 chi cục hải quan. Tuy nhiên, có 3 vấn đề vướng mắc chúng tôi đang cố gắng khắc phục trong tháng 9/2014”, Thứ trưởng Tuấn cho biết. Theo đó, vướng mắc thứ nhất là các trường kê khai, chỉ tiêu áp dụng trong hệ thống nhiều, Bộ Tài chính đã thảo luận và đề nghị Tổng cục Hải quan nghiên cứu giải quyết vấn đề này trước 30/9.

Thứ hai là việc phải in giấy xác nhận hàng hóa của cơ quan hải quan cho nhóm hàng phải quản lý trên đường từ cảng về đến địa phương. Cụ thể, dù đã quản lý bằng chứng từ điện tử song hải quan vẫn phải có giấy xác nhận hàng hóa cho nhóm hàng này thì cơ quan quản lý thị trường mới thực thi được công vụ. Theo Thứ trưởng Tuấn, giải pháp khắc phục cho vấn đề này là trang bị cho cán bộ quản lý thị trường khoảng 200 máy đọc mã vạch để lực lượng quản lý thị trường có thể kiểm soát được hàng hóa vận chuyển trên đường.

Vướng mắc thứ ba là quy trình kiểm tra thực tế chưa theo thông lệ quốc tế. “Vấn đề này không khó, bởi chúng tôi đã trang bị ngay máy soi tại các cửa khẩu và chỉ cho phép kiểm tra hàng hóa trên cơ sở có tín hiệu nghi vấn từ máy soi, do đó, phần lớn hàng hóa không có nghi vấn sẽ được thông quan ngay”, ông Tuấn khẳng định. Theo ông Tuấn, giải quyết được 3 vấn đề này giảm được rất nhiều thời gian làm thủ tục hải quan cho DN.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, dù ngành hải quan đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin và cơ chế tự động, song nếu các vướng mắc liên quan đến nhân sự và con người vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để thì thực chất mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Ông Olin McGill, chuyên gia quốc tế về môi trường kinh doanh cho rằng, vấn đề đầu tiên cần xem xét là mức lương cho cán bộ hải quan đã phù hợp hay chưa.

“Một khi tự động hóa được hệ thống thì cán bộ hải quan sẽ không có quyền can thiệp, nên giảm được các hiện tượng tiêu cực, góp phần cải thiện rủi ro. Vì vậy, cần xem xét vấn đề lương bổng của cán bộ hải quan và có cơ chế giám sát hoạt động của cán bộ hải quan để việc thông quan tự động được thực hiện như kỳ vọng”, ông Mac Gill nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, thực tế Nhà nước đã tăng lương gấp 2 lần cho cán bộ thuế và hải quan so với công chức bình thường, song vẫn còn hiện tượng tiêu cực xảy ra. “Vấn đề song song với tăng thu nhập là cần nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp và tinh thần trách nhiệm của cán bộ  nhân viên đối với công việc và đòi hỏi của sự cải cách”, ông Cung khẳng định. 

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp tăng lương cho cán bộ hải quan mới chỉ giải quyết được một phần trong vấn đề cải thiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

“Với cơ chế tổ chức bộ máy Nhà nước cồng kềnh, chồng chéo, sự phối hợp lại không tốt, ngoài ra các quy định pháp luật hình sự lơ lửng trên đầu cán bộ công chức ngành hải quan nên họ phải rất cẩn trọng trong các thủ tục, làm kéo dài thời gian. Nếu không xử lý được vấn đề này thì dù có tăng lương đến 4 hay 5 lần cho cán bộ hải quan, cũng khó cải thiện thời gian làm thủ tục thông quan”, một chuyên gia luật nhìn nhận.   
Nguồn: http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/cai-cach-hanh-chinh-linh-vuc-hai-quan-chi-con-8-100979.html