Cải cách hành chính: Nhiều bộ, ngành, địa phương chậm triển khai
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Điểm danh các bộ, ngành, địa phương chậm triển khai

Sau những nỗ lực CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, CCHC đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, còn không ít vấn đề được đặt ra, từ việc sửa đổi quy trình ban hành văn bản QPPL; công bố các TTHC đã được sửa đổi trên Cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng kế hoạch truyền thông phục vụ công tác kiểm soát TTHC; đặc biệt là các bộ, ngành… chưa chú trọng đến quá trình đánh giá tác động của TTHC.

Theo đó, có 4 cơ quan bộ, ngành (Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giao thông và Vận Tải; Bộ Tư pháp; Bộ Quốc phòng…) chưa công khai hoặc công khai không đầy đủ các TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Việc công bố các TTHC gắn liền với quá trình công khai; khi chưa công bố thì không thể minh bạch được. Bên cạnh đó, cũng không ít bộ, ngành (Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…) còn xem nhẹ việc đánh giá tác động các TTHC có trong văn bản thuộc thẩm quyền ban hành, chưa ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL làm cơ sở cho việc thực hiện nghiêm túc có chuẩn mực hơn trong việc đánh giá tác động và tham gia ý kiến đối với các dự án, dự thảo văn bản QPPL có quy định về TTHC . Mặc dù, việc đánh giá tác động TTHC có ý nghĩa quan trọng, nếu thực hiện việc đánh giá tác động theo đúng quy định của pháp luật thì sẽ hạn chế được sự “cài cắm” các TTHC trong các văn bản QPPL mới ban hành. Bên cạnh đó, theo thống kê từ Văn phòng Chính phủ, hiện chỉ có 16/24 bộ, ngành và 46/63 địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch truyền thông phục vụ công tác kiểm soát TTHC. Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng chính phủ Ngô Hải Phan nhấn mạnh, các cơ quan chịu trách nhiệm trong việc thẩm định các văn bản QPPL phải thực hiện đúng chức trách của mình trong quá trình thẩm định; nếu không thực hiện đánh giá tác động cần yêu cầu thực hiện. Đánh giá tác động thực chất là quá trình tiết kiệm khoa học nhất đối với việc xây dựng những văn bản QPPL.

Bên cạnh kế hoạch rà soát TTHC trọng tâm năm 2012 với 24 nhóm TTHC, quy định được đánh giá là rào cản đối với sự phát triển KT-XH thì theo NĐ63 các bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền ban hành kế hoạch rà soát TTHC góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng nguồn lực của xã hội… Như vậy, có thể thấy một khối lượng công việc lớn liên quan phải được triển khai tại các bộ, ngành, địa phương. Vấn đề càng nóng, bởi theo đại diện của Bộ Nội vụ, những năm qua mặc dù có chỉ tiêu biên chế, nhưng bộ vẫn không tuyển được cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC.  

Vì sao phản ánh, kiến nghị còn ít?

Thực tế cho thấy người dân, doanh nghiệp hiện còn bức xúc về sự rườm rà, phức tạp của nhiều quy định hành chính hoặc hành vi hành chính thực hiện không đúng quy định của các cán bộ, công chức, cơ quan hành chính nhà nước khi giải quyết công việc liên quan. Tuy nhiên, theo kết quả thống kê thì trong quý 1.2012, các bộ, ngành, địa phương chỉ tiếp nhận 148 phản ánh, kiến nghị. Con số này phản ánh một thực tế mà từ nhiều năm qua các cơ quan liên quan chưa khắc phục được. Đó là việc tổ chức tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp còn hình thức; người dân và doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, tin tưởng về việc xử lý; đặc biệt kết quả xử lý chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, doanh nghiệp. Được biết, vào thời điểm này, VPCP đang xây dựng dự thảo hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về xây dựng Báo cáo tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn thực hiện việc niêm yết công khai TTHC và nội dung, địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính.

Từ những kết quả của cải cách TTHC cũng như khối lượng công việc đang được Chính phủ đặt ra trong thời gian tới, thiết nghĩ các bộ, ngành và những cán bộ trực tiếp xử lý TTHC không nên tiếp cận việc giải quyết TTHC ở góc độ cơ quan quản lý, tức là đủ hồ sơ mới giải quyết mà cần tiếp cận ở khía cạnh đối tượng tuân thủ – càng đơn giản, càng tiện lợi, càng tốt. Bởi, trên thực tế có không ít TTHC cần tới 30 con dấu, gắn liền với đó là thời gian, chi phí thực hiện của chính cơ quan nhà nước liên quan, người dân, doanh nghiệp.

Box: Có khoảng 380 thủ tục, nhóm TTHC quy định tại 17 luật, 4 pháp lệnh cần sửa đổi; tạo cơ sở pháp lý để triển khai sửa đổi, bổ sung 66 nghị định, 3 quyết định của Thủ tướng, gần 100 văn bản QPPL của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Phùng Thanh Hương
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân