Cấm hay không cấm? 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Chuyện vui: – Từ đầu tháng đến giờ “khỏe” quá bạn. – Sao thế, trước ông toàn “ca” chạy hết “sô” nọ đến “sô” kia, “gào” khản cả cổ, hết cả hơi, lả cả người. Nay đang “mùa” lại “kêu” khỏe là sao? – À, vì từ 1.2, tôi có thể sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của mình. – Thật á? – Thật…!

Sở dĩ có chuyện vui, chuyện thật mà như đùa này là bởi Nghị định 144/2020 thay thế Nghị định 79/2012 đã bỏ quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn.

Trước đây, “hát nhép” – sử dụng bản ghi âm thay cho giọng hát thật có không? Câu trả lời là có, dù pháp luật, cụ thể là Nghị định 79 nghiêm cấm hành vi này. Dư luận có lên án hành vi này không? Câu trả lời cũng đương nhiên là có, thậm chí là gay gắt.

Nhưng nay, khi việc này không còn bị cấm thì điều gì sẽ xảy ra? Liệu “vàng thau” có lẫn lộn? Có thể, lo ngại này là “hơi xa” bởi trả lời trên báo chí, một thành viên Ban soạn thảo nghị định, đồng thời là nguyên lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, trong Nghị định 144 không có bất kỳ điều, khoản nào quy định cho phép “hát nhép”. Có những quy định thuộc phạm trù đạo đức nghề nghiệp nên không thể đưa hết vào trong nghị định.

Phải hiểu rằng việc “hát nhép”, “đàn nhái” là điều không bao giờ được cổ xúy. Nói cách khác, dù trong Nghị định không đưa ra quy định cấm “hát nhép”, “đàn nhái” nhưng đã là ca sĩ, nghệ sĩ thì tự bản thân phải ý thức được điều này trước khán giả và công chúng; phải ý thức rõ nhất về trách nhiệm đối với nghề nghiệp của mình. Nghị định này được thiết kế, xây dựng theo hướng mở, trao trách nhiệm cho đơn vị tổ chức, coi nhu cầu thưởng thức, sự thẩm định của khán giả là phần rất quan trọng…

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cũng nhấn mạnh rằng, không có quy định nào khuyến khích “hát nhép”, “đàn nhái”. Tuy nhiên, ở một số chương trình nghệ thuật phải bảo đảm nhiều yếu tố cũng như chất lượng âm thanh, người dàn dựng bắt buộc phải sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn. Với các show diễn khác nếu điều kiện âm thanh tốt, các ca sĩ vẫn phải hát live. Rằng khi tham gia biểu diễn, chương trình yêu cầu không hát nhép mà nghệ sĩ vẫn cố tình hát nhép thì chương trình có quyền xử phạt…

Vậy nhưng thực tế, không chỉ dư luận e ngại mà ngay cả những người trong nghề cũng có khá nhiều “tâm tư”, rằng nếu chỉ dựa vào ý thức của ca sĩ và khán giả thẩm định thì mọi chuyện sẽ đi đến đâu? Liệu có làm “phát sinh” thế hệ “ca sĩ phòng thu” hay không bởi chỉ cần thu âm trong phòng với sự hỗ trợ tối đa của kỹ thuật, sau đó “bê” đi “diễn”…

Rõ ràng, những băn khoăn, e ngại của cả dư luận cũng như những người trong nghề là hoàn toàn có cơ sở. Và những giải thích của đại diện cơ quan chức năng cũng chưa đủ để thuyết phục. Bởi vì dù có quy định cấm nhưng tình trạng “hát nhép” vẫn xảy ra thì khi không quy định, tình trạng này sẽ như thế nào?