Cam kết phát triển dài hạn được hiện thực hóa thông qua các hoạt động M&A chiến lược
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hoạt động M&A gia tăng làm dấy lên mối lo ngại rằng các doanh nghiệp trong nước sẽ mất đi tính cạnh tranh khi “bán mình” cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng các doanh nghiệp địa phương sẽ được nhiều hơn mất khi thực hiện các thương vụ M&A.

Cam kết phát triển dài hạn được hiện thực hóa thông qua các hoạt động M&A chiến lược
Cam kết phát triển dài hạn được hiện thực hóa thông qua các hoạt động M&A chiến lược

Hoạt động M&A tại Việt Nam giảm mạnh từ đầu năm 2020 do các nhà đầu tư trở nên thận trọng bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời, những điều kiện về cách ly trên toàn cầu gây ra trở ngại cho việc tìm hiểu và ra quyết định M&A. Do đó, giá trị M&A năm 2020 ước đạt 3,5 tỷ USD, bằng 48,6% so với năm 2019. Dự báo hoạt động M&A có thể hồi phục trở lại năm nay, quy mô thị trường có thể trở lại mốc bình thường ở mức 5 tỷ USD.

Thị trường M&A Việt Nam năm 2020 tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư ngoại từ Singapore, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, nhà đầu tư Thái tiếp tục thể hiện niềm tin vào Việt Nam với nhiều thương vụ nổi bật giữa cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.

Cụ thể năm 2020, Tập đoàn Stark của Thái Lan mua lại Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và Công ty cổ phần Kim loại màu và nhựa đồng Việt Nam (Dovina), trong khi đó, Tập đoàn SCG mua lại Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa. Ngoài ra cũng có một số thương vụ tiêu biểu trong lĩnh vực năng lượng được thực hiện bởi nhà đầu tư Thái Lan trong năm qua như Công ty Banpu Pcl., Tập đoàn Super Energy Corporation và Gunkul Engineering Plc.

Các thương vụ M&A của nhà đầu tư ngoại đã dấy lên mối lo ngại rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ rơi vào tay các công ty nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Ong Tiong Hooi. Phó tổng giám đốc, Tư vấn Thương vụ, PwC Việt Nam cho biết, hầu hết các khoản đầu tư qua Thái Lan đều đến từ các doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng chuỗi cung ứng giá trị theo chiều dọc và chiều ngang trong các ngành như đồ uống, bán lẻ, xây dựng, vật liệu đóng gói và sản phẩm công nghiệp.

“Nhìn chung, tất cả nhà đầu tư ngoại bất kể là doanh nghiệp hay nhà đầu tư tài chính đều tìm kiếm điểm chung: hỗ trợ nhà đầu tư của họ phát triển, gia tăng giá trị và sức mạnh tổng hợp cho danh mục đầu tư, cũng cố và tạo ra lợi nhuận tài chính”, ông Hooi nói. “Đối với hầu hết nhà đầu tư Thái Lan, nhận xét chung của chúng tôi là họ hiểu rõ cách thức hoạt động kinh doanh tại một quốc gia mới nổi như Việt Nam, vì hầu hết các quốc gia mà họ có mặt đều trải qua cùng một quỹ đạo kinh doanh trước đó”.

Tăng sức cạnh tranh

Eric Johnson, luật sư cao cấp của Công ty Luật Freshfields Bruckhaus văn phòng Việt Nam khẳng định, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp Việt Nam nên được xem là một xu hướng tích cực, làm tăng sức cạnh tranh và mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Ví dụ, đối với nhà sáng lập đang muốn bán một doanh nghiệp gia đình, thì việc bán cho nhà đầu tư nước ngoài là một lựa chọn hấp dẫn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có nhiều nhu cầu mua lại các doanh nghiệp trong nước hoạt động tốt.

“Đối với các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển, việc nhà đầu tư tài chính nước ngoài nổi tiếng tham gia đầu tư không chỉ cung cấp vốn, bí quyết mà còn tạo ra sự thúc đẩy uy tín để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động. Tất nhiên, việc đầu tư quá nhiều nhưng sai cách cũng có thể đóng băng hoạt động doanh nghiệp địa phương và làm giảm tính cạnh tranh. Nhưng chính phủ có nhiều phương tiện để giám sát các giao dịch đầu tư nước ngoài để phòng tránh rủi ro sau này, bao gồm Luật Cạnh tranh mới có hiệu lực vào năm 2020”, ông Johnson chia sẻ.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút các nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu doanh nghiệp… 

“Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang khẩn trương hoàn thiện Chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới, với mục tiêu là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất”, Thứ trưởng Phương nói thêm.

SCG là một ví dụ tiêu biểu khi M&A đã trở thành kênh đầu tư hiệu quả để công ty hiện thực hóa cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Hiện nay, SCG có 21 công ty con tại Việt Nam trong lĩnh vực hóa dầu, xi măng, vật liệu xây dựng và bao bì, trong đó vài doanh nghiệp đã được SCG mua lại. Sau các thương vụ này, SCG phối hợp với các công ty trong danh mục đầu tư của mình để thúc đẩy tăng trưởng bằng cách cải thiện các tiêu chuẩn vận hành, an toàn và năng suất. Các nỗ lực M&A của SCG tại Việt Nam cũng nằm trong tầm nhìn của tập đoàn để vươn lên trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực.

Tập đoàn SCG cam kết không ngừng phát triển các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng đồng thời luôn cải tiến ứng dụng khái niệm nền kinh tế tuần hoàn từ đó đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của xã hội và cộng đồng.

Cải thiện hiệu suất

Nhờ tầm nhìn này mà các công ty Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới sau khi trở thành thành viên của Tập đoàn SCG. Điển hình là CTCP Xi măng Sông Gianh đã ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng sau thương vụ bán 100% cổ phần cho SCG. Công ty cũng áp dụng công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm sáng tạo cho thị trường. Sản phẩm xi măng mới phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế đã giúp Xi măng Sông Gianh nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong khi đó, Nhựa Bình Minh được vinh danh Top 50 Công ty Kinh doanh Hiệu quả nhất Việt Nam vào năm 2019 do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Thiên Việt tổ chức thường niên. Với 9 năm liên tiếp được xếp hạng trong Top 50, Nhựa Bình Minh đã chứng tỏ năng lực hoạt động bền vững nhờ hệ thống quản trị doanh nghiệp xuất sắc và cam kết mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Những nỗ lực này cho thấy SCG luôn theo đuổi định hướng xây dựng một doanh nghiệp bền vững phù hợp với phúc lợi xã hội và môi trường.

Trong vài năm qua, các công ty Việt Nam như Nhựa Bình Minh đã và đang làm việc với các đối tác quốc tế có tiềm lực mạnh để tăng cường hoạt động kinh doanh sản xuất. Các công ty Việt Nam nhận ra rằng họ có thể cạnh tranh trên toàn cầu nếu bắt tay với các nhà đầu tư nước ngoài, kết hợp các nguồn lực của nhau và tạo ra một thực thể lớn hơn với mạng lưới phân phối rộng, quy mô kinh tế lớn và nhiều nhân tài cấp cao hơn.

Do đó, ngày càng nhiều công ty Việt Nam mong muốn tìm nhà đầu tư chiến lược quan tâm đến hoạt động kinh doanh của họ và sẽ đồng hành cùng nhau trên hành trình phát triển, thay vì chỉ quan tâm đến tài sản họ đang sở hữu.

Rõ ràng, M&A thường được tiến hành để thâm nhập thị trường và tận dụng lợi thế của các đối tác trong bối cảnh toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà làm luật và doanh nhân cần có hiểu biết đúng đắn về các giao dịch M&A để đạt được lợi ích tốt nhất.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường trong năm 2021, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần thay đổi cách nghĩ và hành động quyết liệt hơn để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, họ cũng cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Vì vậy, một chiến lược M&A hợp lý có thể là công cụ then chốt để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển trong thời kỳ bình thường mới.