Cam kết và trách nhiệm 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Chỉ ít ngày nữa, danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp sẽ được công bố. Ngay sau đó, các ứng cử viên sẽ tiến hành các hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Mỗi ứng cử viên cần xây dựng chương trình hành động, thể hiện rõ cam kết và trách nhiệm của riêng mình với cử tri và Nhân dân khi trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Cam kết theo khả năng thực hiện

Tại Hội nghị tập huấn kỹ năng vận động bầu cử cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số do Hội đồng Dân tộc vừa tổ chức, các đại biểu Quốc hội kỳ cựu chia sẻ, chương trình hành động của ứng cử viên là căn cứ để cử tri đánh giá năng lực, trình độ, bản lĩnh của ứng cử viên, góp phần quyết định thái độ và sự ủng hộ của cử tri đối với ứng cử viên. Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, chương trình hành động là một dạng lời hứa, một sự cam kết có tính chất cá nhân. Cam kết, lời hứa này chỉ bị ràng buộc và có khả năng thực hiện khi ứng cử viên đó trúng cử, trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Vì đây là lời hứa, cam kết của cá nhân nên mỗi ứng cử viên có thể chọn các nội dung cam kết theo khả năng của mình mà không bắt buộc đồng nhất về nội dung. Tuy nhiên, nếu ứng cử viên trúng cử, cử tri và nhân dân sẽ giám sát, đánh giá việc thực hiện lời hứa khi vận động bầu cử trong suốt quá trình hoạt động của đại biểu. Do vậy, Phó trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh, Chương trình hành động phải chứa đựng cam kết, trách nhiệm rất cao của ứng cử viên chứ không thể hứa suông, hứa rồi để đó. 

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chương trình hành động, các đại biểu nhấn mạnh, ứng cử viên phải bám sát chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở địa bàn ứng cử. Ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải thể hiện sự quan tâm, hiểu biết đối với chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đây là yêu cầu hết sức quan trọng đối với ứng cử viên của cơ quan dân cử các cấp. Với các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, phải bám sát đặc thù, các yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số miền núi và các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với khu vực này. Ví dụ các chương trình mục tiêu quốc gia mà Quốc hội đã thông qua, đang được triển khai như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển nông thôn mới; việc triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; các dự án do bộ, ngành, cơ quan trung ương quyết định; các chương trình kế hoạch đã được cấp ủy, HĐND, UBND địa phương quyết định hoặc xác định thực hiện trong tầm nhìn trung hạn. 

Nội dung chương trình hành động cần phản ánh được tâm tư, nguyện vọng về đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ứng cử ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần hết sức lưu ý đến việc bám sát tâm tư, nguyện vọng của cử tri khu vực này. Tình trạng thoát ly đối tượng, đi quá xa, lan man và trình bày quá chung chung sẽ gây cảm giác ứng cử viên không “thuộc về” địa bàn ứng cử. Nêu các ví dụ như ứng cử ở địa bàn Yên Bái nhưng lại nói về phát triển miền Trung; hoặc trình bày chương trình hành động ở địa bàn huyện Văn Yên (Yên Bái) nhưng toàn nói về các dự án ở Sa Pa (Lào Cai); hoặc ứng cử viên xây dựng chương trình hành động ứng cử ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer thuộc miền Tây Nam Bộ lại không chú trọng đến đặc điểm, yêu cầu, nội dung, giải pháp gắn với dân tộc Khmer mà lại cứ trình bày chung chung hoặc nói về đồng bào Tây Nguyên… các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia truyền thông nhấn mạnh, ứng cử viên phải hết sức tránh tình trạng này. 

<img alt="" src="” width=”850px” />
Toàn cảnh Hội nghị

Ảnh: Hoàng Ngọc 

Đặt mình vào vị trí của cử tri

Điều quan trọng nhất, theo các đại biểu Quốc hội là khi xây dựng chương trình hành động, mỗi ứng cử viên phải tự đặt mình vào vị trí của cử tri ở địa bàn ứng cử. Bởi chỉ khi đặt mình vào vị trí của cử tri thì mới có thể nói đúng, nói trúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Đối với bà con dân tộc thiểu số và miền núi, những mong muốn của họ luôn có tính thiết thực, hàng ngày, có thể nhìn thấy và cảm nhận được. Tùy từng địa bàn khác nhau mà tâm tư, nguyện vọng của cử tri cũng khác nhau. Ví dụ, đồng bào dân tộc vùng cao huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái đang đặt ra vấn đề bảo tồn và phát triển du lịch ruộng bậc thang; tìm đầu ra cho thịt bò ở huyện Thông Nông (Cao Bằng); phát triển du lịch cao nguyên đá Đồng Văn, du lịch Tây Côn Lĩnh (Hà Giang); tìm nguồn nước tưới ổn định cho cà phê các tỉnh Tây Nguyên; phát triển hệ thống giao thông đường thủy và kết nối, tìm đầu ra cho nông sản các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… Nếu đưa ra được những ý tưởng sáng tạo, hợp lý phục vụ đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số thì chắc chắn ứng cử viên sẽ tính thuyết phục được cử tri. 

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành lưu ý, mỗi ứng cử viên khi vận động bầu cử phải nói, đề cập được những vấn đề mà cử tri quan tâm nhất, vừa thể hiện được sự hiểu biết về địa phương, vừa thể hiện được sự đồng cảm, trách nhiệm của mình với vai trò là người đại diện cho nhân dân để tăng tính thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình. Thông tin trong chương trình hành động phải sát thực, cụ thể, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý, mỗi ứng cử viên cần phân loại vấn đề, khả năng của bản thân để nêu nhiệm vụ và quyết tâm hành động. Đối với những vấn đề nằm trong khả năng thực hiện của ứng cử viên thì khẳng định để tạo niềm tin với cử tri, thể hiện năng lực, lợi thế của ứng cử viên. Nếu ứng cử viên đã có sự chuẩn bị chu đáo, có điều kiện để thực hiện, có cơ sở thực hiện tốt, chắc chắn thì mới hứa với cử tri. 

Đối với những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của lãnh đạo địa phương, cần xác định trách nhiệm tham mưu, phối hợp của các cá nhân, lãnh đạo, cơ quan, tổ chức có liên quan để nghiên cứu, thực hiện. Thực tế, có nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cần nhiều thời gian chuẩn bị về nguồn lực, không thể thực hiện ngay trong thời gian ngắn, lại liên quan đến nhiều thủ tục, nhiều cơ quan… mới có thể triển khai. Ví như quy hoạch phát triển vùng chuyên canh nguyên liệu Nam dược; quy hoạch xây dựng nhà ở vùng lũ, lở đất, quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch hoặc sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu; quy hoạch phát triển hệ thống giao thông liên vùng, liên tỉnh, liên huyện, liên xã miền núi để tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, giải phóng sản phẩm nông nghiệp vốn bị tồn đọng, thiếu thị trường trong nhiều năm… Hoặc có những nơi, đồng bào rất cần các trung tâm thương mại, chợ, nhà sinh hoạt dân cư, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhưng lại đang khó khăn về quỹ đất, nguồn lực tài chính… Trường hợp không bảo đảm chắc chắn về thông tin, các yếu tố thực hiện, các yếu tố tác động rộng… thì không nên đưa vào chương trình hành động cũng như không nên cam kết với cử tri.  

Đối với những vấn đề địa phương không thể tự giải quyết mà cần phải có sự trợ giúp, trách nhiệm của Trung ương, các tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương khác thuộc cơ chế phối hợp vùng, liên kết vùng, liên kết địa phương thì ứng cử viên cần ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri để nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét lãnh đạo, chỉ đạo… Những vấn đề cử tri kiến nghị qua nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được, ứng cử viên cần thận trọng tìm hiểu, rà soát, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng để đưa ra ý kiến; tránh tình trạng vội vàng hứa với cử tri.

Việc xây dựng chương trình hành động để báo cáo với cử tri trong các cuộc tiếp xúc, vận động bầu cử đòi hỏi ứng cử viên phải nghiêm túc đầu tư công sức, thời gian, trí tuệ và trách nhiệm. Chương trình hành động còn là định hướng hoạt động của chính ứng cử viên sau khi trở thành đại biểu. Nếu trúng cử, cần thường xuyên đối chiếu hoạt động của mình với chương trình hành động đã cam kết trước cử tri, để thực hiện đúng cam kết, hoàn thành trọng trách mà cử tri đã trao cho mình.