Cần có giải pháp công bằng cho tất cả
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nguyên nhân “kép”

Trước hết, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, trước thời điểm Philippines mở thầu mua 800.000 tấn gạo, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta đang đối mặt với không ít khó khăn, cho nên áp lực phải thắng thầu là rất lớn.

Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, như các số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tính đến cuối tháng 3, tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta chỉ đạt 1,22 triệu tấn, giảm 15,8%, còn kim ngạch giảm 17,4%.

Trong khi đó, các số liệu thống kê của Ấn Độ cho thấy, cùng thời điểm này, riêng lượng gạo trắng xuất khẩu đạt 1,65 triệu tấn, tăng 3,8%, còn kim ngạch giảm 1,9%, do giá bình quân giảm 5,5%.
Hơn thế, các số liệu thống kê cũng đến thời điểm này của Thái Lan còn cho thấy, riêng lượng gạo trắng xuất khẩu đạt 1,57 triệu tấn, tăng 61,6%, còn kim ngạch chỉ tăng 17,3%, do giá bình quân “rơi tự do” 27,4%.

Trong đó, các doanh nghiệp của chúng ta rất khó cạnh tranh với Ấn Độ ở châu Phi, còn ở thị trường Philippines thì Việt Nam không quá nổi trội so với Thái Lan, cho nên khả năng thắng thầu cũng không chắc chắn.

Sở dĩ như vậy còn bởi lẽ, cho đến thời điểm bỏ thầu, giá chào gạo trắng các loại của Thái Lan vẫn tiếp tục “rơi tự do”. Chẳng hạn, đối với gạo 100% B, giá chào bình quân tháng 2 còn là 452 đô la Mỹ/tấn, tháng 3 chỉ còn 420 đô la Mỹ/tấn, còn tháng 4 giảm rất mạnh xuống 399 đô la Mỹ/tấn, tức là ở thời điểm đấu thầu chỉ cao hơn giá gạo 5% tấm của chúng ta 11 đô la Mỹ.

Thế nhưng, trong cuộc đấu thầu 800.000 tấn gạo của Philippines vừa qua, giá của doanh nghiệp Thái Lan duy nhất bỏ thầu (Thai Hua Co. Ltd) cao hơn của Vinafood I và II tới 36 đô la Mỹ, tức là giá gạo 15% tấm mà doanh nghiệp này chào còn cao hơn cả giá gạo 100% B.

Nguyên nhân của sự phi lý này là ở chỗ, yêu cầu của nước chủ nhà là gạo mới, trong khi “rổ gạo xuất khẩu” của Thái Lan lại là “rổ tả pí lù”.

Vì vậy, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan thấp là do tồn trữ quá lâu, chất lượng kém. Một hãng tin phương Tây đã rất nhanh nhạy hài hước về việc Thái Lan tăng tốc xuất khẩu gạo rằng, thị trường thế giới sẽ tràn ngập gạo giá rẻ, nhưng là gạo mục.

Đây là điều có lẽ đã không được chú ý đầy đủ khi quyết định giá bỏ thầu thấp hơn nhiều so với của Thái Lan như nói trên.

Thế nhưng, với giá thắng thầu thấp như vậy mà ngay trung tuần tháng 5 giá gạo xuất khẩu của chúng ta đã tăng và hiện vẫn còn cao hơn khoảng 20 đô la Mỹ chắc chắn cũng là điều bất ngờ.

Có thể nói, nguyên nhân của diễn biến này trước hết và chủ yếu là do Trung Quốc, sau nhiều tháng “diễn chiêu ép giá”, cộng với thời cuộc thay đổi, cho nên đã cấp tập nhập khẩu.

Các số liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy, tính đến hết quí 1, lượng gạo nhập khẩu của nước này chỉ đạt gần 500.000 tấn, giảm 29,2%, còn theo số liệu của hải quan nước ta thì lượng xuất khẩu sang thị trường này đạt 580.000 tấn, giảm 15,8%.

Trong khi giảm nhập khẩu từ Việt Nam, đến thời điểm này Trung Quốc vẫn còn “dền dứ” nhập khẩu nhiều triệu tấn gạo của Thái Lan, nhưng trên thực tế, họ hầu như vẫn án binh bất động trước việc chính phủ, rồi chính phủ tạm quyền Thái Lan “vật vã” với việc giảm giá gạo.

Thế nhưng, bắt đầu từ tháng 4, khi cảnh báo nguy cơ El Niño đe dọa châu Á bắt đầu xuất hiện, tiếp theo đó là đảo chính quân sự ở Thái Lan và gần như ngay lập tức quyết định hủy kết quả bán đấu giá hơn 400.000 tấn gạo giữa tháng 5 được đưa ra…, Trung Quốc bắt đầu tăng tốc, rồi cấp tập nhập khẩu gạo của nước ta theo cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch.

Giải pháp công bằng cho tất cả

Tất cả những điều nói trên cho thấy, việc giá của gói thầu 800.000 tấn gạo xuất sang Philippines bị “việt vị” so với giá thị trường bắt nguồn từ hai nguyên nhân diễn ra kế tiếp với nhau, đẩy các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng này bị thiệt lớn.

Hơn thế, nếu như giá gạo xuất khẩu trong những tháng tới tiếp tục nhích lên do tác động của El Niño rõ ràng hơn, khoản lỗ so với các hợp đồng thương mại đương nhiên sẽ tiếp tục tăng một cách tương ứng, có lẽ không ai có thể bảo đảm rằng, số doanh nghiệp bỏ cuộc sẽ không tăng, và do vậy, sẽ càng đẩy Vinafood II và Vinafood I vào tình thế khó khăn hơn, thậm chí cũng không thể loại trừ khả năng bị thua lỗ.

Nếu chỉ “giấy trắng, mực đen”, đây là điều không thể chấp nhận được.

Bởi lẽ, tại khoản 3, điều 16, Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo hiện hành đã quy định: “Thương nhân ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng tập trung trực tiếp xuất khẩu 20% (hai mươi phần trăm) lượng gạo trong hợp đồng”, tức là 80% còn lại phải do các thương nhân khác đảm nhiệm theo sự phân bổ của VFA theo các tiêu chí đã được quy định.

Không những vậy, trên thực tế, vừa qua Chính phủ cũng đã phải chi một khoản tiền không nhỏ để hỗ trợ các doanh nghiệp mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, mà theo như khẳng định của VFA, giá thị trường ở thời điểm thắng thầu vẫn bảo đảm cho các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng này có lãi.

Do vậy, đây cũng là căn cứ để các cơ quan quản lý yêu cầu các doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo phải tham gia thực hiện các hợp đồng này.

Mặc dù vậy, nếu như các hợp đồng tập trung với giá cao hơn nhiều so với các hợp đồng thương mại trước đây không được phân bổ theo quy định nói trên thì việc cơ quan quản lý yêu cầu các doanh nghiệp đã tham gia mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo phải tham gia thực hiện hợp đồng này lại là không công bằng.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, triển vọng khó lường của thị trường gạo thế giới trong những tháng tới đang rất cần các nhà quản lý vào cuộc, đem lại sự công bằng cả về quyền lợi lẫn nghĩa vụ cho tất cả các doanh nghiệp, để bảo vệ uy tín của quốc gia trong việc giải quyết “trái đắng” này.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/116444/Can-co-giai-phap-cong-bang-cho-tat-ca.html