Cần chính sách đột phá và tầm nhìn dài hạn 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Điện ảnh không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa. Do đó, cần nhìn nhận điện ảnh không chỉ dưới góc độ là một tác phẩm văn hóa nghệ thuật mà còn là một sản phẩm, dịch vụ có tính văn hóa cao, như một ngành kinh tế. Nhấn mạnh quan điểm này tại phiên họp thứ Ba, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, sửa đổi Luật Điện ảnh lần này cần tạo được môi trường pháp lý thuận lợi, có chính sách đột phá với tầm nhìn dài hạn để phát triển ngành điện ảnh vừa tiên tiến, hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc và có uy tín quốc tế.

Phát triển điện ảnh như một ngành công nghiệp văn hóa

Chính sách phát triển điện ảnh được quy định tại một số điều của dự thảo Luật, trong đó, tập trung ở Điều 5 (chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh) và Điều 6 (chính sách của Nhà nước hỗ trợ phát triển công nghiệp điện ảnh). So với Luật hiện hành, Điều 5 dự thảo Luật kế thừa, sửa đổi, bổ sung và Điều 6 dự thảo Luật bổ sung mới đã quy định nhiều nội dung về đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích hoạt động điện ảnh. Dự thảo Luật lược bỏ chính sách ưu đãi về đất đai. 

Nhất trí cần có chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển điện ảnh, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề: Nên quy định hai chính sách hay một chính sách? Bởi theo dự thảo Luật thì đang có hai chính sách “phát triển điện ảnh” và “phát triển công nghiệp điện ảnh”. Thực tế rất khó tách bạch chính sách nào là chính sách cho phát triển điện ảnh với chính sách nào là cho công nghiệp điện ảnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật phải thể hiện được công nghiệp điện ảnh như một ngành công nghiệp văn hóa có tính tổng hợp và liên ngành, có thế mạnh liên kết và cộng hưởng phát triển với nhiều ngành giải trí và công nghiệp, dịch vụ. Ví dụ, trong một tổ hợp vui chơi giải trí không chỉ có rạp chiếu phim mà còn có nhiều loại hình dịch vụ vui chơi giải trí khác. Hay như trong tuần lễ phim, liên hoan phim, lễ hội phim, quảng bá điện ảnh có thể kết hợp với quảng bá các ngành, dịch vụ giải trí khác như biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang… Do đó, cần rà soát kỹ các chính sách phát triển điện ảnh, đặc biệt cần chú ý tới các chính sách xây dựng hệ sinh thái làm phim cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư cho phim trường.

Nghiên cứu chính sách về phát triển điện ảnh trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thấy rằng, chính sách đề ra rất hay, toàn diện và đúng về mặt chủ trương, đường lối nhưng giải pháp để thể hiện bằng những quy phạm cụ thể, những chế định cụ thể lại chưa rõ nét. “Nếu chúng ta chỉ đề ra chính sách mà không có giải pháp, không có những quy định phía sau để ràng buộc về mặt pháp lý thì khi triển khai thực hiện sẽ giảm tính khả thi của chính sách và khó đạt được mục tiêu phát triển lĩnh vực điện ảnh”. Ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cân nhắc thêm về các giải pháp để phát triển điện ảnh, đáp ứng các mục tiêu đề ra.

Có cùng quan điểm này, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng chỉ rõ, Điều 4 của dự thảo Luật đưa ra 7 nguyên tắc hoạt động của điện ảnh nhưng các nguyên tắc này chưa đủ mạnh để định hướng hoạt động điện ảnh thực hiện các chức năng quan trọng là giáo dục, tuyên truyền, định hướng thẩm mỹ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa bình đẳng cho Nhân dân trên mọi vùng, mọi miền của cả nước. Do vậy, bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần cân nhắc thiết kế các điều khoản cụ thể đáp ứng được những yêu cầu trên.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, dự thảo Luật khi ban hành phải tiếp tục thúc đẩy phát triển nền điện ảnh Việt Nam vừa tiên tiến, hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc và có uy tín với quốc tế; phải phục vụ tốt yêu cầu bảo vệ và bảo đảm quyền sáng tạo, quyền hưởng thụ giá trị văn hóa nghệ thuật của người dân và cộng đồng. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Điện ảnh phải tạo ra được hành lang pháp lý và chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là một ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là một ngành dịch vụ văn hóa, ngành kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, dự thảo Luật cũng phải tạo khuôn khổ pháp lý để điện ảnh thực hiện tốt chức năng giáo dục, bồi dưỡng, nhận thức, tư tưởng thẩm mỹ cho quần chúng theo đường lối văn hóa, nghệ thuật của Đảng.

Kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm một cách hợp lý 

Công nghiệp điện ảnh hiện nay đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ kỹ thuật số. Việc phát hành, phổ biến phim trên mạng lưới băng thông rộng, thông qua các ứng dụng trên nền tảng kỹ thuật số đang bùng nổ tại Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, Luật Điện ảnh hiện hành chưa cập nhật sự phát triển điện ảnh về mặt kỹ thuật, công nghệ. Để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, quản lý hiệu quả phương thức phát hành và phổ biến phim trên nền tảng kỹ thuật số và các công nghệ tiên tiến khác trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh, cần tạo dựng hành lang pháp lý quy định và hỗ trợ việc áp dụng thành tựu công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến khác nhằm quản lý và hỗ trợ công nghiệp điện ảnh phát triển.

Về phổ biến phim trên mạng, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án 1 quy định các doanh nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng phải tự kiểm duyệt nội dung, tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo tiêu chí quy định, cung cấp công cụ xử lý vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước về phát hành, phổ biến phim; bảo đảm không vi phạm pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim phổ biến. Phương án 2 quy định, chỉ được phổ biến phim khi có giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cấp hoặc quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình thì được phép phổ biến trên không gian mạng. Đối với phim chưa được cấp phép phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân loại trước khi phổ biến trên không gian mạng”.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc đưa ra 2 phương án giống như “tự trói tay mình”, không nên cực đoan là chỉ tiềm kiểm hoặc chỉ hậu kiểm vì hiện nay vẫn tồn tại cả 2 loại là phim kỹ thuật số và phim nhựa trên nền tảng kỹ thuật cao. Đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng, phim kỹ thuật số vẫn cần phải có tiền kiểm chứ không phải chỉ hậu kiểm. Phim nhựa cũng có những trường hợp phải tiền kiểm. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự thảo luật nên đưa ra phương án thứ 3 là kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý để Quốc hội lựa chọn.