Căn cứ tính thuế TNCN: Liệu đã thuyết phục?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mức thu nhập chịu thuế mới dự kiến đối với người nộp thuế lên 9 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Đây là mức được mong chờ từ khi khởi động soạn thảo sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân và là thay đổi khá bất ngờ so với đề xuất ban đầu của Bộ Tài chính là 6 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ phụ thuộc là 2,4 triệu đồng/ tháng.

Vì trong quá trình soạn thảo có rất nhiều ý kiến cho rằng các mức giảm gia cảnh tương ứng theo Luật hiện hành là 4 triệu và 1,6 triệu không còn phù hợp với tình hình hiện nay do lạm phát mỗi năm tăng đều khoảng 6-8%, năm nay dù lạm phát thấp cũng ở mức khoảng 5,5-5,7%.

Đánh giá về tác động của quy định mới, bà Vũ Thị Mai, thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, so với cuối năm là 70% số người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương tiền công không phải nộp thuế nữa, tương đương 2,6 triệu người không phải nộp thuế nữa vì tất cả các bậc thuế bậc 2 chuyển sang nộp ở bậc 1 và các bậc trên đều chuyển sang bậc thấp hơn.

Như vậy, Luật Thuế thu nhập cá nhân vẫn được thiết kế dựa trên thu nhập chịu thuế của những người có mức thu nhập ấn định, chịu thuế sau khi đã giảm trừ gia cảnh.

Tuy nhiên, vẫn có những ýkiến cho rằng việc sửa đổi này dù đã nâng mức giảm trừ gia cảnh lên theo thời giá (bằng 2,5 lần GDP bình quân đầu người) nhưng vẫn chỉ sửa đổi nhất thời, không mang tính bền vững và làm hạn chế hiệu quả của Luật, tức là ngân sách không thu được nhiều tiền thuế mà người dân thì không hài lòng về mức thuế phải đóng.

Bộ Tài chính dự kiến nếu áp dụng mức giảm trừ gia cảnh này thì số thuế giảm so với chính sách hiện hành 5.200 tỷ năm 2013 và 13.350 tỷ năm 2014.

Về vấn đề này, có phương án khác cho rằng nên quy định mức giảm trừ gia cảnh theo hướng chỉ có một mức giảm trừ gia cảnh chung cho người nộp thuế, không tách riêng cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc để việc hành thu đơn giản, thuận tiện và tiết kiệm.

Thậm chí có ý kiến cho rằng không thể có mức giảm trừ phù hợp với tất cả các đối tượng và thích hợp với mọi hoàn cảnh, giảm trừ gia cảnh chưa thể hiện đúng bản chất của thuế thu nhập cá nhân là đánh thuế vào tất cả các khoản thu nhập sau khi trừ đi chi phí hợp lý. Chính vì thiết kế Luật như hiện nay nên các quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân luôn luôn gây thắc mắc cho người dân trong cách tính thuế.

Để giải quyết tính linh hoạt của Luật, dự thảo Luật đã cho phép trong trường hợp giá cả thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tương ứng.

Theo giải trình của Bộ Tài chính, đây là một quy định có tính “mở”, vì thuế thu nhập cá nhân được tính trên cơ sở các chỉ số như GDP, thu nhập bình quân đầu người, mức sống trung bình xã hội,…mà các chỉ số này thường xuyên thay đổi nên cần phải cho phép điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi các chỉ số này biến động lớn.

Nếu thực hiện quy định này, dự báo kinh tế vĩ mô trong những năm tới (kiềm chế CPI ở mức dưới hai con số) thì mức giảm trừ gia cảnh dự kiến 2-3 năm mới phải điều chỉnh một lần.

Tuy nhiên, các căn cứ để tính thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh của Luật hiện hành vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục người dân. Ví dụ như việc lấy mức sống trung bình xã hội làm cơ sở tính thuế thu nhập cá nhân sẽ không chính xác vì hiện nay chưa có cơ quan chính thống nào công bố mức sống trung bình xã hội.

Việc lấy chỉ số giá tiêu dùng phản ánh sự thay đổi về thu nhập thực tế (sức mua) của người nộp thuế, khi chỉ số giá tiêu dùng có biến động thì thu nhập thực tế của người nộp thuế thay đổi tương ứng, sức mua tương đương của mức giảm trừ gia cảnh cũng chưa phản ánh đầy đủ biến động về thu nhập và giá cả.

Ở nhiều nước phát triển như Anh, Mỹ, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi có biến động được căn cứ vào chỉ số giá (lạm phát).

Dự án Luật này sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận và thông qua ngay trong kỳ họp Quốc hội tháng 11 và Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng đối với một đạo luật có tính thời sự như Luật thuế thu nhập cá nhân cần có hiệu lực sớm hơn để những quy định mới được áp dụng ngay trong cuộc sống, để người dân sớm được hưởng những chính sách phù hợp với thực tế, tránh trường hợp khi thực thi luật thì quy định mới không còn phù hợp với tình hình thực tế nữa.

Minh Khuê
Nguồn: Báo điện tử Diễn đàn đầu tư