Cần điều chỉnh thẩm quyền giao đất, cho thuê đất
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giao đất, cho thuê đất tràn lan

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý đấy đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, diện tích đất của các tổ chức được giao, cho thuê nhưng chưa đưa vào sử dụng lên tới trên 299.719ha. Diện tích để hoang hóa khoảng 250.863ha do 2.455 tổ chức quản lý, trong đó diện tích chưa đầu tư xây dựng hoặc xây dựng chậm lên tới 48.888ha, tập trung chủ yếu là các dự án xây dựng trường học và phát triển đô thị mới, dự án xây dựng khu, cụm công nghiệp, sân gofl. Số dự án treo tập trung chủ yếu tại Bắc Trung Bộ, chiếm tới 56,1% tổng diện tích đất chưa sử dụng. Tại Hà Nội, chỉ trong vòng 6 năm (2003 – 2008), có 3.401 dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng có tới 505 dự án bị phát hiện treo dưới nhiều dạng… sau đó là chuyển nhượng trái pháp luật, bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích.

Thực tế sau 8 năm thực hiện Luật Đất đai cho thấy, vấn đề phân công, phân cấp về thẩm quyền trong việc giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục địch sử dụng đất là nguyên nhân quan trọng trực tiếp gây ra những hạn chế trong quản lý nhà nước về đất đai. Điều đáng quan tâm là tài sản quốc gia này đã bị nhiều cá nhân, tổ chức trục lợi. Cụ thể, Điều 37 Luật Đất đai năm 2003 quy định thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (kể cả mặt nước biển) đều thuộc về chính quyền các địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã). Đặc biệt, việc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thẩm quyền giao đất, cho thuê đất do không có quy định hạn chế về diện tích, loại đất, đối tượng sử dụng đã dẫn đến việc tùy tiện không cần quan tâm đến năng lực và khả năng thực hiện của các chủ đầu tư, chủ yếu là nhằm thực hiện mục tiêu thu hút nhiều chủ đầu tư. Thậm chí, có nhiều địa phương vì mục tiêu tăng trưởng, đã chủ trương “rải thảm đỏ”, hoặc “tuyên bố cho không mặt bằng đất đai” để mời gọi đầu tư, dẫn đến có chủ đầu tư đã lợi dụng xin giao đất, thuê đất với diện tích lớn để bao chiếm đất nhằm trục lợi, bỏ hoang, gây lãng phí.

Nhiều địa phương đã phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ồ ạt, dàn trải, thiếu sự phối hợp thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh dẫn đến hội chứng đất bỏ hoang, nông dân mất đất, phát sinh khiếu kiện; việc bố trí các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư chưa hợp lý nhiều nơi còn bố trí vào diện tích trồng lúa gây lãnh phí trong đầu tư và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Gần đây nhất, theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, thành phố Cần Thơ lập quy hoạch 14 Khu công nghiệp và chuyển trên 7.120ha đất nông nghiệp, chủ yếu là đất lúa, sang đất phi nông nghiệp, nhưng đến nay nhiều khu đất bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả, trong đó có 7 khu công nghiệp với diện tịch 650ha không nằm trong danh mục được Thủ tướng phê duyệt.

Điều đáng quan tâm hơn, sự phân cấp này đã để lại nhiều hậu quả rất đáng lo ngại, đặc biệt là việc quyết định cho phép chuyển đối mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng và sử dụng đất tại các khu vực nhạy cảm vùng biên giới mà Trung ương không nắm được như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Khánh Hòa và Bình Dương đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 11 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trồng rừng trên 300 nghìn ha, trong đó đã ký hợp đồng cho tổ chức nước ngoài thuế đất trên 33.000ha. Ngoài ra, việc chỉ định chủ đầu tư dự án để né tránh việc đấu giá quyền sử dụng đấy, đầu thầu dự án có sử dụng đất làm thất thoát tài sản, tiền sử dụng đất đang diễn ra khá phổ biến tại các địa phương.

Điều chỉnh lại sự phân cấp

Thực tế trên cho thấy, cần sớm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Luật Đất đai năm 2003, nhất là việc thực hiện thẩm quyền giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cấp tỉnh, huyện và cấp xã; điều chỉnh lại việc phân cấp thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương theo Kết luận số 84-KL/TW ngày 29.9.2010 của Bộ Chính trị. Từ đó, có cái nhìn tổng thể về việc phân công, phân cấp trong cho giao, cho thuê đất và đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan vượt quá khả năng của nhà đầu tư, gây lãng phí đất, gây bất bình trong xã hội và tiềm ẩn nhiều bất ổn về an ninh, chính trị. Cụ thể, cần hạn chế về diện tích, loại đất, chuyển đất nông nghiệp, lâm nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp, nhất là đất ở, đất kinh doanh dịch vụ, sân gofl… đối với thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của cấp tỉnh; bỏ quy định thẩm quyền cho thuê đất của cấp xã vì thực tế hiện nay quỹ đất công ích không còn nhiều, dễ phát sinh tiêu cực; đồng thời giao cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ở Trung ương về giao đất, cho thuê đất.

Có thể thấy, bên cạnh những hạn chế từ những quy định của pháp luật thì hệ thống quy hoạch sử dụng đất hiện còn nhiều bất cập, chưa chú ý phân tích các tác động kinh tế, xã hội và môi trường; thiếu tổng thể, tầm nhìn bao quát và chưa đủ độ chính xác, tin cậy. Chính vì thế trong thời gian tới, cần đặc biệt chú ý tới công tác dự báo về nhu cầu sử dụng đất, quy hoạch chiến lược dài hạn, gắn kết các lĩnh vực trong quản lý đất đai và bảo vệ môi trường; đồng thời nâng cao năng lực tổ chức thực hiện thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, nhất là lực lượng cán bộ làm công tác quản lý đất đai còn thiếu về số lượng, chưa đồng đều về chất lượng. 

Giai đoạn 2001 – 2010 đất chuyên dùng cả nước tăng 744.000ha (đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tăng 195.000ha; đất khu, cụm công nghiệp tăng 73.000ha). Và điều đáng nói, khi chưa thực hiện thẩm quyền giao đất theo Luật Đất Đai 2003, đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp là 217.000ha, bình quân mỗi năm 43.000ha; sau khi thực hiện theo Điều 37 thì từ năm 2006 – 2010 số diện tích đất nông nghiệp chuyển sang mục đích phi nông nghiệp là 645.200ha, bình quân 130.000ha/năm, găp 3 lần so với thời kỳ trước đó, đặc biệt là diện tích đất lúa bị mất khoảng 72.600ha

(Nguồn Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Phùng Hương
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân