Cần đối sách kịp thời, phù hợp cho xuất khẩu gạo 2014
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu năm 2013 đạt 6,6 triệu tấn, giảm 17,8% so với năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2013 đạt 2,9 tỷ USD, giảm 20,4% so với năm 2012. Có thể thấy, năm vừa qua là năm hoạt động xuất khẩu gạo quy mô lớn của nước ta chưa thực sự thành công. Kim ngạch giảm mạnh chủ yếu được cho là do giảm mạnh về số lượng cùng với sự trượt giảm về giá 3,2% so với năm 2012, chỉ đạt mức trung bình là 444 USD/tấn. Về mặt lý thuyết, giá gạo xuất khẩu năm 2013 của nước ta giảm do giá gạo chất lượng cao và gạo chất lượng thấp của thế giới đều giảm, lần lượt ở mức 2,7% và 6%. Mức giảm giá xuất khẩu của nước ta thực chất lớn hơn nhiều vì chủ yếu là nhờ tổng lượng và giá gạo thơm xuất khẩu năm 2013 tăng mạnh, cao gấp 1,5 lần so với gạo trắng. Cụ thể, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, lượng gạo thơm xuất khẩu năm 2013 tăng lên mức 1 triệu tấn và chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước; so với năm 2012 chỉ đạt 0,6 triệu tấn và chỉ chiếm 8% rổ gạo xuất khẩu. Trong khi đó, giá gạo trắng năm 2013 chỉ đạt khoảng 403 USD/tấn, giảm 6,3% so với năm 2012 là 430 USD/tấn. Mặt khác, tuy lượng gạo chất lượng cao giảm, song tỷ trọng của nhóm hàng này (nhóm ít mất giá hơn) vẫn chiếm đến 58% trong rổ gạo xuất khẩu năm 2013, nên mức giảm giá gạo xuất khẩu thực tế của nước ta còn lớn hơn.

Nguyên nhân chủ yếu được cho là do hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta phụ thuộc khá nhiều vào các hợp đồng tập trung, trong khi các thị trường nhập khẩu đang thay đổi mạnh mẽ. Thống kê cho thấy, ba quốc gia nhập khẩu gạo lớn là Philipines, Indonesia và Malaysia tuy đã là bạn hàng ngay từ khi nước ta bắt đầu xuất khẩu với quy mô lớn, song trong 9 năm đầu tiên, bình quân chỉ nhập từ nước ta gần 280.000 tấn/năm, chiếm tỷ trọng khiêm tốn 13,7%. Đến năm 1998, lượng gạo nhập khẩu vào 3 thị trường trên tăng mạnh và trở thành những bạn hàng truyền thống lớn của nước ta trong 14 năm liên tiếp với tổng lượng nhập khẩu bình quân trên 2 triệu tấn/năm, chiếm 43,3%, và năm 2011 đạt kỷ lục gần 3,4 triệu tấn. Tuy nhiên, năm 2012 lượng gạo nhập khẩu giảm mạnh, chỉ còn 2,8 triệu tấn và chiếm tỷ trọng 35%. Và năm 2013 giảm xuống mức 1,13 triệu tấn, chỉ chiếm 17,1%. Đáng chú ý là từ năm 2008 trở lại đây, giá gạo xuất khẩu của nước ta tại ba thị trường trên liên tục ở mức cao. Cụ thể, năm 2008 giá gạo xuất khẩu bình quân của 3 thị trường này đạt 661 USD/tấn, cao hơn tới 16,9% so với giá bình quân của các thị trường còn lại, nhất là năm 2010 đạt 574 USD/tấn, với tỷ lệ chênh lệch giá cao kỷ lục là 39,8%. Song từ năm 2011 đến nay tỷ lệ này hiện đang tiếp tục rơi tự do.

Có thể thấy, nếu nông dân được hưởng lợi thỏa đáng trong xuất khẩu gạo sang ba thị trường truyền thống lớn thì xuất khẩu sang các thị trường còn lại đã có dấu hiệu đình trệ nhất là trong những năm tỷ lệ chênh lệch về giá ở mức cao. Trên thực tế, xuất khẩu sang các thị trường còn lại vẫn có lãi cho thấy, các doanh nghiệp được phép xuất khẩu chính là đối tượng được hưởng các khoản lợi nhuận lớn do chênh lệch giá mang lại. Trong những năm gần đây, khi Philipines, Indonesia và  năm 2013 cả Malaysia đã bắt đầu thực hiện chính sách cắt giảm mạnh lượng gạo nhập khẩu theo hợp đồng tập trung, thì tổng lượng nhập khẩu của ba thị trường chính đã giảm đáng kể và hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta được cho là đang vấp phải nhiều khó khăn lớn.

Thời gian tới, để có thể cải thiện tình trạng của hoạt động xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo cần chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới. Tích cực, nhạy bén với những chuyển biến mạnh mẽ của cả thị trường xuất khẩu và nhập khẩu để có các đối sách kịp thời, phù hợp như tăng cường các hợp đồng xuất khẩu tiểu ngạch, hợp tác với các thương nhân nhỏ thay vì bị động chờ đợi và lệ thuộc vào các hợp đồng tập trung từ các thị trường lớn truyền thống trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, cần tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu đối với các thị trường lớn, truyền thống này, tập trung tìm giải pháp giữ vững và nâng cao uy tín cho thương hiệu sản phẩm lúa gạo nước ta. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, xem xét để có chính sách, định hướng về giá phù hợp; hỗ trợ doanh nghiệp và các thương nhân đẩy mạnh công tác tìm kiếm, mở rộng thị trường góp phần cải thiện tình hình khó khăn trong hoạt động xuất khẩu gạo năm 2014.

Nguyễn Giang
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân