Cần giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Trong nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội hoặc cơ quan chuyên môn của Quốc hội cần xem xét tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh để làm rõ những vướng mắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục; từ đó, kiến nghị sớm nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh để có cơ sở pháp lý tập trung nguồn lực phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong các nghị quyết của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định “Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang được trang bị kỹ thuật từng bước hiện đại”. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X nêu hạn chế “Công nghiệp quốc phòng, an ninh chưa đáp ứng yêu cầu trang bị cho các lực lượng vũ trang”; ở điểm 2 đã nêu “công nghiệp quốc phòng, an ninh với trình độ công nghệ ngày càng cao, sạch, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, tăng sức cạnh tranh và giá trị gia tăng” và tại Phần VIII nêu: “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại, trước hết là cho lực lượng hải quân, phòng không, không quân, lực lượng an ninh, tình báo, cảnh sát cơ động. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghệ thuật quân sự, an ninh, đánh thắng chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao của các lực lượng thù địch”. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học – công nghệ cao, là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghệ quốc gia”.

Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Điều 68 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước… xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh”. Trên cơ sở thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 16.6.2003 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2010, ngày 26.01.2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng số 02/2008/PL-UBTVQH12 với 07 chương và 27 điều; được sửa đổi, bổ sung tại Pháp lệnh số 01/2018/UBTVQH14 ngày 22.12.2018.

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về công nghiệp quốc phòng, an ninh, Điều 12 Luật Quốc phòng đã quy định một số nội dung cơ bản công nghiệp quốc phòng, an ninh là bộ phận của công nghiệp quốc gia, một phần quan trọng của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh, là ngành đặc thù, có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị, vật tư, thiết bị kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, an ninh bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang; Nhà nước cần có chính sách, cơ chế đặc thù, xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Qua 12 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh cho thấy, công nghiệp quốc phòng nước ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, nhưng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như: Chưa thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; tiềm lực công nghiệp quốc phòng trong sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại góp phần xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại còn hạn chế. Số lượng cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt tuy nhiều nhưng chưa bố trí phù hợp tại các vùng miền, mức độ quy tụ còn mỏng; quy hoạch tổng thể bố trí cơ sở công nghiệp quốc phòng tại các địa bàn miền Trung và phía Nam chưa được chuyển biến theo yêu cầu quân sự, quốc phòng; thủ tục cấp phép, điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhiều bất cập, chưa thu hút được các tập đoàn lớn và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Các cơ sở công nghiệp động viên được lựa chọn còn ít so với số lượng thực tế doanh nghiệp công nghiệp trên toàn quốc, chưa đánh giá hết tiềm năng công nghiệp của quốc gia, từng vùng, từng địa phương phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng nhằm góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Một số quy định tại Pháp lệnh còn bất cập, chưa phù hợp và thống nhất với Hiến pháp năm 2013 về quyền và nghĩa vụ của công dân liên quan đến quốc phòng, an ninh, chưa thống nhất với quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật hiện hành([1]).

Công nghiệp an ninh được quy định khái quát tại Khoản 18 Điều 16 (Nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân) của Luật Công an nhân dân số 37/2018/QH14 ngày 20.11.2018 như sau: “Quản lý, phát triển công nghiệp an ninh; nghiên cứu, ứng dụng, huy động thành tựu khoa học và công nghệ, kỹ thuật trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng Công an nhân dân”. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an cũng đã chủ động tổ chức các nhà máy, xí nghiệp của mình, bước đầu nghiên cứu, sản xuất được một số chủng loại trang bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác chiến đấu cho lực lượng công an nhân dân. Tuy nhiên, việc đầu tư, quản lý, phát triển công nghiệp an ninh cũng còn một số vướng mắc, hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, trong nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội hoặc cơ quan chuyên môn của Quốc hội cần xem xét tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh để làm rõ những vướng mắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục; từ đó, kiến nghị sớm nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh để có cơ sở pháp lý tập trung nguồn lực phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

________________

[1] Như: Luật Quốc phòng năm 2018 và Luật Công an nhân dân năm 2018 về nội dung CNQP, an ninh; Luật Doanh nghiệp năm 2014 về quản lý, cung cấp thông tin doanh nghiệp; Luật Đầu tư công năm 2019 về sử dụng và quản lý vốn đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 về lập, chấp hành ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2019 quy định liên quan đến đăng ký, sử dụng, chuyển giao thông tin, tài liệu, sáng chế; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2016 quy định tuyển dụng, tuyển chọn, chế độ chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng…