Cần hành lang pháp lý cho Uber và Grab taxi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lợi thế mới

Cả Uber và Grab đều có tính chất là một phần mềm có tính năng đặt/gọi bất cứ xe ô tô nào (có nhu cầu chờ khách để thu tiền) nói chung và xe ô tô là taxi nói riêng thông qua điện thoại thông minh trên nền tảng google map có sử dụng dịch vụ định vị toàn cầu. Sử dụng phần mềm này giúp người có nhu cầu đi xe liên lạc trực tiếp với lái xe mà không cần thông qua khâu trung gian là tổng đài như taxi hiện nay.

Đây là dịch vụ taxi kiểu mới và mang tính đột phá với giá rẻ hơn 50% so với taxi truyền thống, dịch vụ tốt hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia, bình thường khi gọi taxi sẽ phải gọi cho tổng đài rồi chờ đợi không biết xe có đến không? Còn Uber, khách hàng sẽ liên lạc trực tiếp cho lái xe và xe đến rất nhanh.

Anh Vũ Sĩ Đồng quê ở Nam Định, tham gia Grab taxi hơn 1 tháng cho biết: “Xe bình thường người ta phải cạnh tranh bởi khách hàng gọi điện từ tổng đài. Nhiều khi chỉ một cuộc gọi từ tổng đài phát ra thì có tới 3, 4 xe cùng chạy tới. Đây là áp lực lớn về giao thông, trong khi đó dịch vụ Grab taxi khách hàng gọi trực tiếp thì chỉ 1 xe đến, vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa ít ảnh hưởng đến giao thông. Việc chuyển tiền ra nước ngoài hiện tại là không có, bởi khi khách hàng thanh toán thì Grab taxi chỉ chiết khấu của lái xe 20%, trong khi đó mỗi cuốc xe thì họ hỗ trợ cho lái xe theo nhiều hình thức, nhưng bình quân là 60% mỗi chuyến từ 10km trở xuống”.

Cạnh tranh không lành mạnh

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp kinh doanh taxi phải đăng ký kinh doanh, phù hiệu, logo hãng, đồng hồ tính cước, thiết bị giám sát hành trình… Tuy nhiên Uber và Grab taxi đều không thực hiện. Thực tế cho thấy, cả hai đơn vị Uber và Grab taxi đang tận dụng xe tư nhân để kinh doanh. Các loại hình này không sử dụng đồng hồ tính cước phí, bảng giá, thiết bị giám sát hành trình… Hầu hết các lái xe không qua đào tạo cấp chứng chỉ, không đeo thẻ, mặc đồng phục, không khám sức khỏe định kỳ… Việc này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới khách hàng nếu không may sự cố xảy ra.

Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Nguyễn Anh Quân cho biết, đăng ký kinh doanh công nghệ nhưng thực chất, cả Uber và Grab taxi đang kinh doanh xe taxi trá hình. Cả Uber và Grab taxi hoạt động tràn lan, kinh doanh xe hợp đồng nhưng lại không đăng ký kinh doanh vận tải. Việc này đã làm thất thoát một phần ngân sách nhà nước, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng taxi truyền thống vì sự cạnh tranh giá cả không lành mạnh. Để có giá thành rẻ 6.000đồng/km, các doanh nghiệp này đã hỗ trợ mỗi chuyến từ 40 – 70 nghìn đồng. Việc hỗ trợ này đã tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh đối với các hãng taxi truyền thống…

Cần sớm có hành lang pháp lý

Việc hai hãng Uber và Grab taxi hoạt động như hiện nay là vi phạm quy định hiện hành gây ra những hệ quả tiềm ẩn từ việc kinh doanh taxi sử dụng phần mềm của Grab/Uber. Trước thực tế này, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Nguyễn Anh Quân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ kịp thời ban hành văn bản pháp luật quy định đầy đủ và rõ ràng về việc sử dụng phần mềm kiểu Grab/Uber trong hoạt động kinh doanh vận tải. Đồng thời tạm dừng hoạt động phương tiện taxi không phù hiệu, tem mào của Uber và Grab taxi nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, công bằng với taxi truyền thống.

Về hành lang pháp lý, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam (VC Corp) Nguyễn Thế Tân chia sẻ: “Mọi chính sách ban hành là để phục vụ người tiêu dùng chứ không phải phục vụ nhóm kinh doanh nào đó… Do vậy, các hãng taxi phải thay đổi rất nhiều, thậm chí ngay cả khi có ngăn cản Uber, Grab thì các hãng taxi hiện nay cũng phải thay đổi. Vì một mô hình mới với những ưu thế hơn về dịch vụ và giá cả tương tự như Uber, Grab sẽ phát triển, và kiểu gì nó cũng chiến thắng”.

Bên cạnh những khó khăn bởi sự cạnh tranh của các hãng taxi trong nước, cộng với việc tranh cướp hành khách, lái xe xung đột, chèo kéo, ép khách, chiếm đoạt tài sản khi khách bỏ quên đã phần nào làm cho hình ảnh của taxi truyền thống trong nước mờ nhạt trong lòng du khách. Nay lại đối mặt với các hãng taxi giá rẻ từ nước ngoài vào, nếu các cơ quan chức năng không sớm ban hành chính sách thì các doanh nghiệp taxi truyền thống trong nước sẽ “chết yểu” là điều khó tránh khỏi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan nhà nước nên xem xét lại hoạt động thực tế của hai doanh nghiệp Uber, Grab taxi, từ đó tìm hiểu mô hình của họ rồi lấy ý kiến của các doanh nghiệp taxi truyền thống, gặp gỡ khách hàng sử dụng dịch vụ của Uber, Grab taxi để đánh giá dịch vụ này thực tế như thế nào. Trên cơ sở đó sẽ tổng hợp và ban hành chính sách cho phù hợp, bảo đảm tính cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách nói chung và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi nói riêng.

 Chúng tôi ủng hộ Uber và Grab taxi nếu họ hoạt động đúng pháp luật, cạnh tranh công bằng và phục vụ tốt nhu cầu người dân, nhưng nếu kinh doanh như hiện nay là bất hợp lý. Đã hơn một năm kể từ khi Uber và Grab taxi du nhập và hoạt động tại Việt Nam, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành quy chế hoạt động cho hai doanh nghiệp này. Điều này cho thấy sự phản ứng chậm của các cơ quan chức năng trong việc ban hành các chính sách đối với những vấn đề mới nảy sinh trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội BÙI DANH LIÊN


Thái Yến – Phạm Duy
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân