Cần nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ nội địa
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Tổng cục Thống kê, thị trường bán lẻ Việt Nam đang khởi sắc trở lại khi hàng loạt các trung tâm thương mại, siêu thị và khu mua sắm được mở ra. Không chỉ thu hút nhiều tên tuổi lớn của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới gia nhập vào cuộc chơi mà lĩnh vực này còn ghi nhận diện mạo mới của nhiều doanh nghiệp nội. Số lượng các nhà bán lẻ luôn giữ tỷ lệ áp đảo hơn 79% so với các ngành khác trong ngành thương mại như dịch vụ lưu trú, ăn uống… Nhiều tên tuổi của các doanh nghiệp bán lẻ lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ đã và đang hướng tới thị trường Việt Nam như Aeon, Lotte, Wal-Mart hay  Fairprice của Singapore. Điểm mạnh của những doanh nghiệp này là họ không chỉ mạnh về tiềm lực tài chính, thương hiệu, mà còn có mối quan hệ với các đối tác lớn. Đây sẽ là đối thủ đáng gờm của nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước khi tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Với dân số trên 90 triệu, mức tăng trưởng đạt 23% ở thị trường bán lẻ, khi cánh cửa hội nhập kinh tế thế giới mở rộng, thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp bán lẻ của nước ngoài.

Theo thống kê của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR), thị trường Việt Nam hiện có khoảng 130 trung tâm thương mại, 700 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi, trong đó có sự góp mặt của 21 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia trong ngành bán lẻ tính toán, mức thông thường 100 ngàn người dân đòi hỏi có một trung tâm thương mại và một khu mua sắm lớn. 10 ngàn người dân cần có một siêu thị, 1 ngàn người dân cần đến 1 – 2 cửa hàng tiện lợi. Nhưng, tại các đô thị lớn của Việt Nam như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội thì mức này chưa bảo đảm, mạng lưới phân phối bán lẻ của Việt Nam còn trống rất nhiều chỗ. Trong khi đó, tỷ lệ mô hình bán lẻ ở những nước khác trong khu vực khá cao như ở Philippines 30%, Trung Quốc 51%, Malaysia 60%, Singapore 90%, Indonesia 43%, Thái Lan 46%… trong khi đó ở Việt Nam chỉ chiếm 22%, dự kiến năm 2014 này sẽ tăng lên 40%

Tuy nhiên, trước sự đổ bộ của tập đoàn bán lẻ của nước ngoài vào Việt Nam như hiện nay, không biết trong một vài năm tới ngành bán lẻ của Việt Nam sẽ đứng ở vị trí nào? Đó là câu hỏi vẫn chưa có lời giải của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thị trường bán lẻ. Theo Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan, hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ của Việt Nam tuy có nhiều cải tiến và được nâng cấp nhưng vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống kênh phân phối chưa tương xứng với đa dạng nhu cầu của khách hàng.

Song, cũng không thể trách các doanh nghiệp bán lẻ nội địa, bởi theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ đang gặp phải vướng mắc trong hoạt động từ chính những chính sách điều hành của các cơ quan quản lý. Đó là việc các tập đoàn bán lẻ ngoại đang có nhiều lợi thế khi nhận được nhiều chính sách ưu ái hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử như nhu cầu về mặt bằng đối với các doanh nghiệp bán lẻ là rất lớn, song ngay với nhu cầu thiết yếu nhất này, các doanh nghiệp nội lại gặp khó, trong khi các doanh nghiệp ngoại lại được đáp ứng dễ dàng hơn. Trong khi các doanh nghiệp nội phải chờ đợi rất lâu để xin mặt bằng thì chính những vị trí đó lại dễ dàng hơn đối với các doanh nghiệp ngoại. Đây chính là một trong những điểm bất cập lớn mà các doanh nghiệp nội đang gặp phải hiện nay. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, một trong những điểm nâng cao cạnh tranh cho doanh nghiệp bán lẻ nội hiện nay chính là phải giải quyết được mặt bằng bán lẻ.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Võ Văn Quyền cho rằng, để giúp doanh nghiệp bán lẻ nội địa, Chính phủ cần ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ khối doanh nghiệp bán lẻ nội địa. Trong lĩnh vực phân phối những năm sắp tới cần có những chính sách hỗ trợ. Bên cạnh chính sách luật pháp tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cần có chính sách nhằm thực hiện lộ trình mở cửa theo cam kết WTO; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ vừa vừa, như hỗ trợ đầu tư, tín dụng cho doanh nghiệp tham gia hạ tầng thương mại, chương trình bình ổn giá, kết nối cung cầu…để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tạo chuỗi từ sản xuất đến lưu thông, phân phối. Mặc dù hiện nay, doanh nghiệp ngoại chỉ chiếm 3,5% trong tổng mức bán lẻ tại Việt Nam, nhưng lại có nhiều lợi thế và đang không ngừng lớn mạnh. Vì vậy, không thể chủ quan trước các đối thủ ngoại, nhất là trong xu thế mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ tới đây.

Cuộc đua của các nhà bán lẻ vẫn tiếp tục diễn ra ngày càng gay gắt. Để cạnh tranh được với những đối thủ mới với sự dày dạn kinh nghiệm, lớn mạnh về tài chính, các nhà bán lẻ Việt Nam hơn lúc nào hết phải hoàn thiện chính sách phát triển của mình. Trong đó có việc xây dựng lại một hệ thống phân phối hiện đại, hài hòa giữa thành thị và nông thôn, bảo đảm hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, cần liên kết giữa ngành bán lẻ với các cơ quan quản lý khác. nếu không sớm tìm giải pháp liên kết với nhau và hợp tác với những đối tác mới sẽ xuất hiện sau thời điểm này, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ dễ bị cô lập và chịu sự cạnh tranh gay gắt. Do vậy, hướng phát triển trong thời gian sắp tới cần phải được các doanh nghiệp bán lẻ trong nước nghiên cứu một cách chi tiết và cẩn thận.

Minh Hương
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân