Cần quy định nguyên tắc cơ bản quy hoạch cảng biển
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo ý kiến của cơ quan thẩm tra,  những nội dung sửa đổi, bổ sung được đề xuất trong dự án luật chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành hàng hải ở nước ta trong thời gian tới, nhất là trong mối quan hệ với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước và hội nhập quốc tế. Cần phải xác định rõ nguyên nhân, lý do tại sao giao thông hàng hải nước ta chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng của một quốc gia ven biển. Cần phải có những sửa đổi lớn về chính sách trong đó có chính sách về xã hội hóa, khai thác tiềm năng thế mạnh. Một trong những vấn đề vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp quan tâm trong thời gian vừa qua chính là vấn đề thủ tục hành chính. Vì vậy, trong quá trình sửa đổi luật lần này cần phải thực hiện cải cách hành chính và giảm đến mức tối thiểu các thủ tục, quy trình, yêu cầu về hồ sơ giấy tờ tạo điều kiện hơn cho các thành phần kinh tế trong hoạt động hàng hải, nâng cao năng lực quản lý về hàng hải, khắc phục sự yếu kém về nghiệp vụ dẫn đến thua thiệt của các doanh nghiệp trong nước trong tranh chấp quốc tế về hàng hải như trong thời gian vừa qua. 
 
Là quốc gia ven biển, nằm trên tuyến vận tải biển quốc tế sôi động, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển, nhất là cảng biển nhưng thực tế cho thấy, hoạt động phát triển cảng biển ở nước ta đang tồn tại khá nhiều bất cập, thiếu hiệu quả, gây tốn kém, đặc biệt trong công tác quy hoạch hệ thống cảng biển. Tình trạng xây dựng tràn lan và đầu tư không có trọng điểm khiến nhiều cảng biển không hoạt động hết công năng. Trong khi đó, việc xây dựng cảng biển thiếu tính đồng bộ dẫn tới nơi thừa, nơi thiếu gây thiệt hại nhiều về kinh tế. 
 
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam, cảng biển được hiểu là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị và công bố cho tàu biển Việt Nam, tàu biển nước ngoài và các tàu thuyền khác ra, vào hoạt động bốc dỡ hàng hóa, đón trả khách và thực hiện các dịch vụ khác. Cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng. Về quy hoạch cảng biển, dự thảo luật quy định: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng biển, công bố cụ thể thời gian, quy mô đầu tư xây dựng đối với từng cầu, bến cảng biển theo quy hoạch được duyệt.
 
Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc quy hoạch cảng biển vẫn còn những bất cập, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng, việc quy hoạch cảng biển hiện đang để cho địa phương quản lý mà không có ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải nên xảy ra hiện tượng cảng biển bị “băm nát”, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh. Để phát huy được tiềm năng của cảng biển, cũng như kinh tế biển, dự thảo luật lần này cần phải quy định tiêu chí chiều dài cảng biển; quy định tiêu chí cụ thể của nhà đầu tư  khi thực hiện đầu tư vào cảng biển và phải có sự thống nhất ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, đại biểu Vinh đề nghị.
 
Ở một góc nhìn khác, đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với những quy định về quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển như dự thảo luật sẽ có một số bất cập. Cụ thể là thiếu các định hướng cơ bản cho quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển. Lý giải về vấn đề này, ý kiến này cho rằng, quy hoạch phát triển cảng biển là một trong các yếu tố quan trọng và có tính quyết định đối với sự phát triển của kinh tế biển. Thực tế đã cho thấy một phần lý do của những lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư cảng biển thời gian qua xuất phát từ việc thiếu một quy hoạch chi tiết, đồng bộ và dài hơi về càng biển. Vì vậy, dự thảo phải đưa ra được các định hướng lớn, các nguyên tắc cơ bản về quy hoạch cảng biển chứ không chỉ đơn giản là ủy quyền hoàn toàn cho Bộ trưởng quy định sau như hiện nay.
 
Về cách thức công bố nội dung quy hoạch, ý kiến của đại diện VCCI phân tích, nếu việc “công bố” ở đây đơn giản là “công khai” thì quy định này là không chính xác bởi theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như Nghị định về công báo thì các quy hoạch do Bộ trưởng ban hành, có giá trị áp dụng chung phải được công khai toàn bộ . Nếu việc “công bố cụ thể thời gian, quy mô đầu tư xây dựng đối với từng cầu, bến cảng biển” là hoạt động khác, độc lập với quy hoạch thì quy định này lại tạo bất cập khác… Ngoài quy hoạch ra, nhà đầu tư còn phải tuân thủ yêu cầu cụ thể về “thời gian đầu tư, quy mô đầu tư” do Bộ trưởng công bố cụ thể là can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư. Về mặt nguyên tắc và logic thì nhà đầu tư chỉ cần bảo đảm dự án đầu tư của mình đúng quy hoạch là đủ theo quy định của Luật Đầu tư 2014 mà không phải tuân thủ thêm cả các yêu cầu bổ sung về thời gian, quy mô đầu tư. Nếu cần thiết quản lý thì Bộ đưa các nội dung cần vào trong quy hoạch luôn và toàn bộ quy hoạch này phải được công khai theo quy định chung chứ không phải chỉ công khai một vài nội dung của quy hoạch. 

Từ những bất cập đó, đại diện VCCI đề nghị, cần phải bổ sung các nguyên tắc, định hướng cơ bản đối với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển ngay trong dự thảo luật. Đồng thời, dự thảo luật nên bỏ quy định: Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải công bố cụ thể thời gian, quy mô đầu tư xây dựng đối với từng cầu, bến cảng biển theo quy hoạch được duyệt.
 
Quy hoạch để phát huy thế mạnh của các cảng biển là cần thiết, tuy nhiên việc quy hoạch để cảng biển phát triển trong một hệ thống, tránh phát triển dàn trải, thiếu trọng điểm nhưng cũng không gây khó cho doanh nghiệp về thủ tục khi đầu tư vào phát triển cảng biển. 

Hà An
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân