Mỗi lần cải cách là một lần… chắp vá?
Cải cách chính sách tiền lương luôn là vấn đề nóng và càng nóng hơn nữa, khi các lần cải cách chính sách tiền lương trong 10 năm vừa qua vẫn chưa bảo đảm cho người hưởng lương có thể sống được bằng lương và bài ca muôn thuở lương chưa tăng, giá cả đã tăng khiến đời sống của người hưởng lương không được cải thiện bao nhiêu…
Từ thực tế nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực lao động, tiền lương, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi nêu rõ, chính sách tiền lương hiện hành và các chính sách liên quan khác đang bộc lộ 8 bất cập lớn. Thứ nhất, tốc độ điều chỉnh bù trượt giá, bảo đảm tiền lương thực tế chậm dần. Thứ hai, tiền lương hầu như không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương từ ngân sách; không gắn bao nhiêu với cải cách hành chính. Nhiều năm qua, dù mỗi năm, ngân sách nhà nước đều bố trí hàng chục ngàn tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương nhưng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn không được nâng cao, thậm chí có nơi còn bị giảm sút, bộ máy quản lý nhà nước vẫn trì trệ, phiền hà và gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Thứ ba, tiền lương và các chế độ đãi ngộ quá thấp đối với 1/3 đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang ngày đêm làm việc tận tâm, có trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả nhưng lại quá cao với nhiều cán bộ, công chức, viên chức còn lại. Thứ tư, tiền lương thực nhận ngày càng bình quân, chắp vá và phá vỡ quan hệ tiền lương chung. Thứ năm, càng xã hội hóa quỹ tiền lương chi từ ngân sách nhà nước càng tăng cao mà vẫn không mấy hiệu quả. Thứ sáu, thu nhập ngoài tiền lương ở nhiều ngành, nghề, vị trí công tác, chức vụ ngày một tăng cao, phức tạp. Thu nhập từ nhà, đất được mua hoặc được cấp theo giá thấp ngày càng tăng, nhiều hình thức bao cấp trá hình phát triển làm cho một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trở nên giàu có, không biết và không quan tâm nhiều đến tiền lương của mình. Thứ bảy, chênh lệch thu nhập ngày càng lớn và vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà nước. Thứ tám, chính sách bảo hiểm xã hội ngày một bất cập và bản chất vẫn gắn chặt với điều chỉnh tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức tại chức. Dự thảo Báo cáo tổng kết việc thực hiện chính sách tiền lương từ năm 2003 đến nay được Bộ Nội vụ công bố hồi cuối năm ngoái cũng đã ghi nhận những bất cập này và thừa nhận, hệ lụy của chính sách lương hiện hành là không thu hút được người tài vào làm việc trong cơ quan nhà nước hoặc có người tài nhưng không toàn tâm, toàn ý tập trung thực thi công vụ khiến chất lượng việc xây dựng hệ thống thể chế và các quyết sách về chủ trương, chính sách KT-XH có phần bị hạn chế. Lương thấp cũng khiến một bộ phận cán bộ công chức chỉ muốn làm những việc cụ thể liên quan đến nhân sự, tài chính, đất đai, trực tiếp làm việc với người dân và doanh nghiệp để có điều kiện kiếm thêm, dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu dân, hành dân.
Ở góc độ khác, Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hoàng Minh Hào cho rằng, một bất cập lớn trong chính sách lương hiện nay là cách tính lương. Với cách tính hiện nay thì hệ thống thang bảng lương đã, đang và sẽ càng ngày càng rời xa thực tế và tất nhiên, không thể khuyến khích được người lao động. Các tiêu chí xây dựng hay điều chỉnh chính sách tiền lương vẫn dựa trên những tiêu chí đã quá lỗi thời. Ví dụ điển hình là, nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hiện nay vẫn đang được tính toán trên cơ sở giỏ hàng hóa của năm 1985, tức là gần 30 năm trước. Với cách tính như vậy nên mặc dù từ năm 2004 đến nay, Chính phủ đã tiến hành 8 lần tăng lương với ngân sách chi cho cải cách lương không hề nhỏ nhưng thực tế, cũng mới chỉ bù đắp được mức tăng chỉ số giá tiêu dùng chứ chưa đáp ứng được mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người hưởng lương. Có lẽ, cũng vì thế mà thời gian qua, nhiều ý kiến đã bức xúc cho rằng, mỗi lần cải cách tiền lương là một lần chắp vá hay càng cải cách, chính sách lương càng bất ổn. Thậm chí nhiều người đã đặt vấn đề khá gay gắt: cải cách chính sách lương – chúng ta có muốn làm thật hay không?
Cải cách chính sách lương – chúng ta có muốn làm thật hay không? Câu trả lời đương nhiên là: Có!
Cải cách chính sách tiền lương luôn là một thách thức lớn đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển với ngân sách dành cho quỹ lương còn hạn chế. Trở lại với câu hỏi nêu trên, cải cách chính sách lương – chúng ta có muốn làm thật hay không? – Câu trả lời đương nhiên là CÓ! Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã nêu chủ trương cải cách chính sách tiền lương với quan điểm hết sức quan trọng được ghi nhận là: tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Và mặc dù, tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, các cơ quan hữu quan chưa trình được phương án cụ thể nào về việc cải cách chính sách tiền lương, song, phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: Trung ương yêu cầu, trong năm 2012 – 2013, phải khẩn trương bổ sung, sửa đổi một số chính sách cần và có thể điều chỉnh ngay nhằm sớm khắc phục những bất hợp lý nổi cộm hiện nay. Ưu tiên điều chỉnh tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gắn với việc khắc phục tình trạng quá nhiều loại phụ cấp; soát xét lại chế độ tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục tình trạng bất hợp lý, chênh lệch quá lớn giữa cán bộ quản lý và người lao động; tiền lương, thu nhập không gắn với kết quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chế độ tiền lương giai đoạn 2013 – 2020 cùng với các đề án có liên quan, tạo bước đột phá trong việc tạo nguồn, bảo đảm cho cải cách tiền lương, thu được kết quả. Tiến hành đồng bộ cải cách tiền lương với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế, tái cấu trúc nền tài chính công và các lĩnh vực có liên quan khác; gắn điều chỉnh tiền lương với điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.
Tất nhiên, để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng nêu trên của Trung ương Đảng không phải là việc có thể làm trong một sớm, một chiều. Tại Hội thảo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội về Thực trạng chính sách lương và các giải pháp cải cách được tổ chức hồi giữa tháng 5, không lâu sau khi Hội nghị Trung ương 5 bế mạc, rất nhiều giải pháp cải cách chính sách tiền lương đã được các nhà quản lý, các chuyên gia đưa ra. Có giải pháp có thể thực hiện được ngay, có giải pháp phải thực hiện từng bước. Có những giải pháp nghe khá lạ tai như: chia sẻ thu nhập, những người ở vị trí quản lý đang nhận lương cao có thể giảm hoặc cắt bớt để bù cho thu nhập của những người có lương thấp trong khu vực hành chính; hay, nếu cần thiết, có thể vay để cải cách lương, tức là sau khi cân đối với nguồn tài chính ngân sách có thể bảo đảm được, phần thiếu hụt sẽ vay lại của chính cán bộ, công chức, coi đó như một khoản thế chấp cho chất lượng và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức và viên chức… Dù hợp lý hay chưa hợp lý, có thể thực hiện ngay hay phải có lộ trình từng bước thì đề xuất của các chuyên gia, các nhà quản lý tại Hội thảo này cũng đã một lần nữa chứng tỏ rằng: cải cách chính sách tiền lương là việc dứt khoát phải làm, song không thể nóng vội.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, các đề xuất tại Hội thảo nêu trên đã được Ủy ban ghi nhận và sẽ tiếp tục nghiên cứu để xây dựng các giải pháp thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012 – 2020. Từ góc độ của các nhà lập pháp, một số thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc tìm cơ chế để tạo đột phá về nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương thì cần phải nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương rất lớn này.
Tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, QH đã biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và dành hẳn một Chương quy định đầy đủ các vấn đề liên quan đến tiền lương. Đây có thể xem là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng một chính sách tiền lương phù hợp hơn. Theo đó, tiền lương được xác định là một trong những công cụ của nhà nước để điều chỉnh các quan hệ lao động và Nhà nước có trách nhiệm công bố mức tiền lương tối thiểu, xây dựng nguyên tắc xác định tiền lương tối thiểu bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của bản thân người lao động và gia đình họ. Điểm mới của Bộ luật này, cũng là quy định nhận được sự đồng thuận cao của các ĐBQH là việc thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia làm cơ quan tư vấn cho Chính phủ về chính sách tiền lương, thực hiện chức năng tư vấn, thẩm định, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước về mức tiền lương tối thiểu, tham gia xây dựng chính sách tiền lương quốc gia. Với việc thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia, nhiều ĐBQH tin tưởng, tiền lương sẽ được xem xét công khai, toàn diện hơn, phù hợp với thị trường lao động và xu hướng tiến bộ của các nước trên thế giới hơn. Và khi đó, quyền lợi chính đáng của người lao động cũng sẽ được bảo đảm tốt hơn.
Cũng tại Kỳ họp thứ Ba, nhiều ĐBQH đã đề nghị, Chính phủ cần khẩn trương soạn thảo, trình QH xem xét dự án Luật Việc làm và dự án Luật Tiền lương tối thiểu. Cùng với Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.5.2013, hai dự án Luật Việc làm và Tiền lương tối thiểu càng sớm được trình QH xem xét, thông qua chừng nào sẽ càng sớm đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động nói chung và chính sách tiền lương nói riêng chừng đó.
Phải hoàn thiện công cụ pháp lý để hiện thực hóa Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 về cải cách chính sách tiền lương, đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo cử tri cả nước. Đó là trách nhiệm mà QH, các cơ quan của QH cần chủ động và nhanh chóng thực hiện!
Bạch Long
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân