Cần sớm “cởi trói” cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vẫn còn vướng trong thi hành luật
Trong Hội nghị thảo luận và giải quyết kiến nghị của VASEP về chất lượng ATTP thủy sản xuất khẩu do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kiểm nghiệm lô hàng được đưa ra là cách tiếp cận chính bên cạnh việc kiểm soát điều kiện sản xuất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chi phí kiểm nghiệm lô hàng thành phẩm trước khi xuất khẩu đang trở thành gánh nặng đối với DN bởi mức phí phải trả tăng trung bình 1,5 – 2 lần so với trước đó. Hơn nữa, việc lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng cùng các biện pháp, thủ tục kiểm soát trước khi XK đã khiến đa phần hàng thủy sản Việt Nam phải chờ từ 7 – 10 ngày trước khi XK là một bất lợi lớn so với các nước XK thủy sản tương tự Việt Nam, làm giảm hẳn năng lực và lợi thế cạnh tranh của DN Việt Nam.
Hoạt động tự kiểm nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế (HACCP) từ nguyên liệu đến thành phẩm đều được các DN áp dụng tối đa để bảo vệ uy tín của mình. Thế nhưng, mức độ và số lượng lô hàng bị nước ngoài cảnh báo năm 2011 không có dấu hiệu giảm, dù rằng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) đã áp dụng các biện pháp kiểm soát tăng cường nhằm vào thành phẩm trước XK. Hơn một nửa số cảnh báo do lây nhiễm kháng sinh cấm có nguồn gốc từ khâu nuôi trồng, nhất là tôm. Điều đáng lưu ý là các cảnh báo nhiễm kháng sinh của nước ngoài có cả các loại kháng sinh đã bị cấm sử dụng trong nuôi trồng từ trước đó như Chloramphenicol, Trifluratin,… Việc cho phép sử dụng một số loại kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, kiểm soát không tốt việc sản xuất, lưu thông các chất bị cấm và thiếu kiểm soát… là việc của Nhà nước trên “chuỗi sản xuất”, nhưng DN lại là chủ thể phải chịu sự trừng phạt khi bị phát hiện cảnh báo trong bối cảnh đã tuân thủ đầy đủ theo yêu cầu lấy mẫu kiểm nghiệm và cấp chứng thư của NAFIQAD. Điều này theo ông Dũng không chỉ mất công bằng mà còn đặt ra một câu hỏi lớn về tính hiệu quả của biện pháp kiểm soát ATTP cần phải được xem lại.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo VASEP đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc xem xét lại một số nội dung quy định của Thông tư 55 và các Quyết định kiểm soát ATTP thủy sản xuất khẩu sau khi Luật ATTP có hiệu lực. VASEP cũng đã nhận được công văn của NAFIQAD, theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trả lời về các kiến nghị của VASEP. Tuy nhiên, các nội dung của NAFIQAD chưa được thỏa đáng đối với các nội dung kiến nghị.
Đại diện VASEP kiến nghị, thay đổi cách tiếp cận kiểm soát ATTP phù hợp với Luật ATTP, thông lệ quốc tế và giảm giá thành cho DN theo hướng: kiểm soát điều kiện sản xuất là yếu tố chính để XK thủy sản và không áp dụng việc lấy mẫu kiểm nghiệm bắt buộc lô hàng làm điều kiện để cấp Chứng thư xuất khẩu, không yêu cầu các DN phải có Chứng thư của Nhà nước khi nước nhập khẩu không yêu cầu, cũng như không áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm mang tính trừng phạt và vượt quá các nội dung này của Luật ATTP. Đề nghị xã hội hóa công tác kiệm nghiệm nhằm kịp thời phục vụ cho công tác XK, cần thay đổi cách kiểm soát kháng sinh và các yếu tố rủi ro ATTP theo hướng kiểm soát đầu nguồn thay vì kiểm tra lô hàng như hiện nay.
Giảm bớt những kiểm nghiệm không cần thiết
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD cho rằng, Việt Nam đang hội nhập vào thị trường quốc tế nên không thể bỏ qua các quy định quốc tế, nếu không kiểm tra thì hàng bị trả về đồng thời họ sẽ đưa lên các phương tiện truyền thông của nước họ, thậm chí là cả thế giới, hoặc họ đưa ra các quyết định cấm nhập khẩu… thì lúc đó mức độ thiệt hại là không thể lường hết được, không chỉ ảnh hưởng đến một DN mà ảnh hưởng đển cả ngành thủy sản. Cho nên, có thể xem việc lấy mẫu kiểm tra của NAFIQAD là nhằm bảo vệ lợi ích của tất cả các DN chế biến XK cả nước. Tuy nhiên, việc làm đó còn phụ thuộc vào khách hàng, khi nào họ cảnh báo nhiều thì lấy mẫu nhiều, khi các nước cảnh báo ít thì lấy mẫu ít.
Ông Trần Văn Lĩnh, TGĐ Công ty CP Thủy sản Thuận Phước cho rằng, thực ra chúng ta kiểm tra ở đây là kiểm tra theo tiêu chuẩn của nước ngoài, tiêu chuẩn này không đặt ra đơn thuần mục tiêu duy nhất là ATTP mà còn là một hàng rào kỹ thuật. Vì thế, đối với một số quốc gia khác khi có sự việc xảy ra thì họ sẽ tìm ra nguyên nhân đó thực sự có phải là về ATTP hay không? Nếu chúng ta lấy tiêu chuẩn này để quản lý kỹ thuật trong nước chúng ta là cực kỳ khó.
Đề cập đến những vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện NAFIQAD đã nghiên cứu các thông lệ quốc tế, đồng thời đã có đề nghị triển khai phân loại các DN xuất khẩu A, B, C để có sự kiểm soát tốt hơn. Việc phân loại đánh giá các DN chưa làm xong nên áp dụng cần phải có thời gian và lộ trình. Nếu như tách cơ quan kiểm nghiệm và thanh tra ra thì hợp lý hơn vì sẽ minh bạch trong việc kiểm nghiệm và cấp phép, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Bà Thu cũng đồng tình với kiến nghị của các DN, nếu nước nào không cần xuất Chứng thư thì chúng ta có thể miễn cho các DN nhằm hạn chế kinh phí, thời gian để DN có điều kiện cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới.
Nguồn: Báo Điện tử Đại Đoàn Kết