Cần thẩm định năng lực tài chính của doanh nghiệp đặt chỗ quảng cáo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Quy định về tài chính đối với đặt chỗ quảng cáo

Hiện nay một thực tế đang tồn tại là các công ty đặt chỗ quảng cáo trên báo và truyền hình hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn với số vốn rất hạn chế nhưng lại được quyền đặt chỗ quảng cáo với mức ngân sách không hạn chế. Do đó, nếu công ty không thu được tiền từ khách hàng quảng cáo hoặc thu được nhưng không trả cho báo, đài thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về tài chính đối với báo, đài và gây thất thoát tài sản nhà nước. Đây là thất thoát “hợp pháp” nên nhà nước không thể thu hồi, bởi lẽ với tính trách nhiệm hữu hạn thì công ty chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp. Nghịch lý trên tồn tại đã lâu nhưng hiện vẫn chưa có quy định pháp luật nào điều chỉnh. Vì vậy, ban hành quy định hạn chế dẫn đến loại trừ các công ty quảng cáo không có tiềm lực tài chính nhằm lành mạnh hóa thị trường quảng cáo truyền thông, giảm thiểu rủi ro tài chính cho đài truyền hình và tránh thất thoát “hợp pháp” tài sản Nhà nước là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với Luật Quảng cáo. Để làm được điều này, qua tham khảo một số nước trong khu vực, theo chúng tôi luật cần đưa ra các ràng buộc về tài chính đối với hoạt động đặt chỗ quảng cáo như quy định mức vốn tối thiểu, ví dụ 10 tỷ đồng; hay yêu cầu đại lý đặt chỗ quảng cáo phải ký quỹ ngân hàng với một tỷ lệ nhất định, ví dụ 30% – 50% trên tổng giá trị đặt chỗ để đảm bảo khả năng thanh toán.

Không phát sóng mẫu quảng cáo sản xuất từ nước ngoài

Theo chúng tôi, dự thảo Luật Quảng cáo cũng cần bổ sung chính sách ưu đãi phát triển ngành theo thông lệ quốc tế cho các công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo và truyền thông so với khách hàng mua quảng cáo trực tiếp (hoa hồng đại lý quảng cáo theo thông lệ quốc tế là 15%) nhằm phát triển ngành quảng cáo truyền thông. Ngoài ra, nên chăng luật quy định không cho phép phát sóng các mẫu quảng cáo (TVC) sản xuất từ nước ngoài để khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất sản phẩm quảng cáo trong nước, đồng thời bảo vệ và củng cố bản sắc văn hóa Việt Nam. Thêm vào đó, để bảo vệ quyền lợi người quảng cáo trên báo chí và các kênh truyền hình, chúng tôi thiết nghĩ cần bổ sung quy định các báo và kênh truyền hình, đặc biệt là truyền hình trả tiền, phải thông báo công khai có bằng chứng số lượng phát hành, số thuê bao.

Không quảng cáo trên truyền hình trả tiền

Theo thông lệ quốc tế thì không có quảng cáo trên truyền hình trả tiền, bởi lẽ người xem đã trả tiền thì cần phải được cung cấp những chương trình chất lượng và không bị quấy rầy bởi quảng cáo.

Thực tế hiện nay các kênh truyền hình miễn phí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước phải tự lo chi phí hoạt động và nguồn thu chủ yếu để duy trì hoạt động từ quảng cáo. Trong khi đó, nguồn thu của các kênh trả tiền đã được bảo đảm bằng mức phí thuê bao hàng tháng của người sử dụng. Vì vậy, việc cho phép truyền hình trả tiền quảng cáo vô hình trung tạo sự bất cập, không hợp lý và cạnh tranh không công bằng giữa kênh truyền hình trả tiền và kênh truyền hình không trả tiền. Do đó, để bảo đảm quyền lợi người xem, chúng tôi thiết nghĩ dự thảo Luật Quảng cáo cần bổ sung quy định không quảng cáo trên các kênh truyền hình trả tiền.

Nhất quán kiểm duyệt nội dung quảng cáo

Việc kiểm duyệt nội dung sản phẩm quảng cáo trên báo nói và báo hình cần có sự nhất quán trong cả nước, tránh tình trạng một sản phẩm quảng cáo đã được một đài truyền hình kiểm duyệt và phát sóng, nhưng khi mang sang địa phương khác thì phải kiểm duyệt lại, gây lãng phí thời gian và công sức của doanh nghiệp. Do vậy, chúng tôi cho rằng cần bổ sung quy định các sản phẩm quảng cáo đã được “kiểm duyệt và phát sóng tại một đại diện truyền hình khu vực thì không phải kiểm duyệt lại khi phát sóng trên các đài phát thanh truyền hình khác”. Chúng ta có thể chia làm 4 khu vực là Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, và chỉ định đại diện đài truyền hình tại khu vực này thực hiện kiểm duyệt quảng cáo. 

Có cơ chế kiểm chứng số liệu nghiên cứu thị trường

Dự thảo Luật Quảng cáo cũng nên bổ sung quy chế pháp lý đối với đơn vị nghiên cứu thị trường quảng cáo truyền thông. Đây là các đơn vị thực hiện các hoạt động điều tra xã hội học để thống kê số lượng người xem các chương trình truyền hình, ngân sách quảng cáo của các nhãn hàng, xu hướng quảng cáo truyền thông… Do đó, số liệu các đơn vị này đưa ra có tác động lớn đối với kế hoạch quảng cáo của doanh nghiệp, đôi khi là định hướng để doanh nghiệp xem xét nên tập trung vào quảng cáo tại đâu để mang lại hiệu quả cao nhất. Tuy hoạt động của các đơn vị này mang tính định hướng thị trường quảng cáo nhưng hiện vẫn chưa có cơ chế pháp lý kiểm chứng tính xác thực của các thông tin, số liệu được đưa ra. Do đó, chúng tôi thiết nghĩ, Luật Quảng cáo cần hình thành một cơ chế để kiểm chứng tính xác thực của các thông tin, số liệu được đưa ra, như đơn vị nghiên cứu thị trường có nghĩa vụ chứng minh khi cơ quan tổ chức cá nhân bị ảnh hưởng đối với thông tin đó yêu cầu; số liệu trước khi công bố phải được thống nhất với Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam và trong trường hợp hai bên không thống nhất thì đơn vị nghiên cứu thị trường phải chứng minh.

Đinh Bá Thành – Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổ hợp Truyền thông đa phương tiện Đất Việt
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân