Cần tính đến nhiều yếu tố liên quan khi tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nông nghiệp tăng trưởng chậm
 
Hiện nay, nông nghiệp nước ta đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Nếu giai đoạn 1995 – 2000 đạt 4% thì đến giai đoạn 2001-2005 giảm còn 3,83% và đến giai đoạn 2006 – 2010 chỉ còn 3,3%. Nhiều loại sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cạnh tranh thấp, nhất là chăn nuôi. Đồng thời, nông nghiệp cũng chịu nhiều tác động của dịch bệnh, thiên tai. Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát cho biết, Đề án tái cơ cấu ngànhh nông nghiệp đặt ra mục tiêu tăng giá trị gia tăng của ngành, duy trì tăng trưởng 3%/năm, trong đó tập trung vào một số nhóm giải pháp chính như tái cơ cấu đầu tư công, khuyến khích đầu tư tư nhân, phát triển hợp tác công- tư (PPP); đổi mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

Đánh giá về mục tiêu này, chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới-WB tại Việt Nam Steven Jaffee cho rằng, Đề án chưa nêu ra được những định hướng chính sách cụ thể. Các biện pháp đưa ra giống như hệ thống bao cấp nông nghiệp, chủ yếu vẫn là hỗ trợ tài chính cho phát triển nông nghiệp. Trong khi vấn đề cần thiết hiện nay cần phát triển hệ thống nông nghiệp theo hướng thương mại hóa. Nhà nước cần khuyến khích lĩnh vực tư nhân đầu tư vào nông nghiệp sẽ hiệu quả hơn.

Một trong những vấn đề mà các ý kiến cũng quan tâm là ưu tiên công nghệ chế biến. Theo đánh giá Phó trưởng đại diện, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản-JICA tại Việt Nam Shimuzu Akira thì Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực kinh doanh lương thực. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo mô hình nhỏ lẻ, hộ gia đình… Việt Nam còn thiếu các tiêu chuẩn về an toàn nông sản, bởi tiêu chuẩn VietGAP hiện nay không đủ đáp ứng các tiêu chí quốc tế. Trong khi đó, triển vọng đầu ra cho nông sản chất lượng cả ở trong nước và quốc tế đều rất rộng mở. Ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền ở mức cao hơn từ 10 – 30% cho thực phẩm an toàn nhưng các sản phẩm nông sản chưa đủ tin cậy.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam cần có giải pháp tổng thể về tổ chức sản xuất bằng những nông trại, trang trại lớn, song cũng phải xem xét mối quan hệ với các hộ gia đình sản xuất ở quy mô nhỏ như thế nào cũng như vấn đề đầu tư cho hệ thống chế biến sản phẩm để có thể sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn.

Chú trọng nhiều mục tiêu

Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam mà Bộ NN và PTNT đang cân nhắc là một hướng đi đúng. Theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – WB Victoria Kwa, cần xem kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp thế nào cho phù hợp trong đó có tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường đầu tư tư nhân, tăng cường đầu tư nước ngoài… Cần cung cấp cho các nhà tài trợ, các đối tác những thông tin cụ thể hơn về môi trường chính sách để tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đại diện Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) cho rằng, việc tái cơ cấu tập trung nhiều vào xuất khẩu hàng hóa như dự thảo Đề án đưa ra với mục tiêu muốn xây dựng hình ảnh Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản mạnh là chưa đủ. Cần phải tính đến nhiều mục tiêu khác liên quan, mà một trong những mục tiêu quan trọng là bảo vệ môi trường sống của các loài động vật, bảo đảm đa dạng sinh học.

Theo đánh giá của ông Shimzu Akira thì sức tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong nước của Việt Nam ngày càng tăng. Bên cạnh đó, với những tiềm năng hiện có, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một địa điểm chế biến thực phẩm cho cả khu vực. Tuy nhiên, một trong những thách thức đối với công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam chính là mức độ an toàn thấp cả đối với nguyên liệu thô và nguyên liệu đã qua chế biến. Cần có quá trình sản xuất, canh tác bảo đảm an toàn cùng với hệ thống thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm là điều then chốt để ngành nông nghiệp Việt Nam thu hút vốn FDI.

Ngoài chú trọng các mục tiêu, các ý kiến cũng cho rằng, tái cơ cấu là rất quan trọng, song cần phải xem môi trường chính sách mà chúng ta muốn xây dựng để hỗ trợ cho ngành nông nghiệp là gì; cần có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích nông dân tham gia sản xuất với quy mô lớn, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư tăng trưởng giá trị gia tăng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Việt Nam sẽ đặc biệt ưu tiên đến chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân như giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, sẽ điều chỉnh cách tiếp cận, làm rõ hơn các mục tiêu về chất lượng, xã hội và thể hiện rõ hơn quan tâm đến lợi ích của người nông dân, nhất là người nghèo. Trên cơ sở đó, sẽ điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn. 

Minh Trang