Cần xóa nốt quyền ‘ban phát’ hạn ngạch xuất khẩu gạo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dự thảo nghị định mới do Bộ Công Thương xây dựng đã bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh với hoạt động xuất khẩu gạo.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cho biết hiện tại các nước đã thay đổi chính sách theo hướng hạn chế nhập khẩu, tăng cường tự túc. Nếu có nhập khẩu thì cũng thực hiện theo cơ chế đấu giá, đồng thời họ tham khảo giá thương mại, nếu giá cao thì họ không mua, vì vậy Nghị định 109 ra đời nhằm phục vụ thị trường tập trung đã hết “sứ mệnh lịch sử”.

Theo ông Tuấn, thực tế hiện nay người mua sẽ đặt ra tiêu chuẩn cho người cung ứng, nếu đáp ứng họ sẽ mua, còn không thì ngược lại. Ngay cả Trung Quốc cũng đã đặt ra vấn đề phải đạt giấy chứng nhận kiểm dịch của họ thì mới được vào thị trường này. Vì vậy ông Tuấn cho rằng không cần thiết phải ban hành quy định mới, mà theo hướng cái gì thuộc về nhu cầu thị trường cứ để thị trường quyết định…

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xây dựng Cọp sinh thái (Eco Tiger) cho biết với một đơn vị chuyên trồng và kinh doanh gạo hữu cơ, việc xuất khẩu phải thông qua một đơn vị ủy thác đôi khi rất bất tiện, từ những chuyện như bí mật thông tin hợp đồng.

Nay, dự thảo cho phép “thương nhân được xuất khẩu gạo hữu cơ không hạn chế số lượng, không cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại nghị định này; chỉ cần thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo với Bộ Công Thương theo quy định của nghị định, thủ tục xuất khẩu thực hiện tại cơ quan hải quan” là một điều rất đáng mừng.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết đồng tình với tinh thần sửa đổi trong dự thảo mới này. Việc bỏ giá sàn là quyết định hoàn toàn đúng. Điều này chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu gạo được cởi mở hơn, tích cực hơn. Việc doanh nghiệp thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo trên cổng thông tin Bộ Công Thương là hoàn toàn phù hợp. Quan trọng hơn, doanh nghiệp không mất thời gian, chi phí khi thông báo trên cổng thông tin.

Bà Lý Thanh, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu lương thực Khiêm Thanh (An Giang) – đánh giá dự thảo nghị định mới đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên trước việc xuất khẩu gạo chịu áp lực bị cạnh tranh lớn, cần tạo điều kiện, hỗ trợ để tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chung, cùng với đó là cơ chế để giữ uy tín và chất lượng lâu dài. Nhà nước cần có chính sách giúp doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định qua liên kết với nông dân, cũng như tạo điều kiện mở rộng hệ thống phân phối ở nước ngoài. 

Vẫn băn khoăn việc phân phối hạn ngạch

“Rất hoan nghênh sự tiếp thu của Bộ Công Thương với các đề nghị của doanh nghiệp, chuyên gia” trong dự thảo nghị định mới, nhưng GS Võ Tòng Xuân còn băn khoăn dù dự thảo nghị định mới bãi bỏ nhiều quyền hạn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) như bỏ quy định về đăng ký hợp đồng xuất khẩu và giá sàn xuất khẩu, nhưng đối với hợp đồng xuất khẩu tập trung cho chính phủ một số nước thì vẫn giữ việc để một số cơ quan phân phối hạn ngạch, vì vậy phải làm sao để giữ sự công bằng cho các doanh nghiệp.

Để làm được việc này, theo GS Võ Tòng Xuân, cần dựa vào chất lượng gạo của từng doanh nghiệp xuất khẩu. “Theo tôi, khi có hợp đồng tập trung như vậy, anh nào có vùng nguyên liệu, có thể kiểm soát được chất lượng gạo thì anh sẽ được phân phối nhiều. Có như vậy doanh nghiệp mới biết mình cần phải làm tốt, chứ không có kiểu phân chia như hiện nay mà dư luận cho rằng có sự chạy chọt” – ông Xuân đề xuất.

Ông Trần Chí Viễn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang – cho rằng cần dứt khoát loại bỏ khâu trung gian nắm quyền “ban phát” hạn ngạch xuất khẩu cho các địa phương, tới đây chỉ cần một cơ quan, thiết chế nào đó đứng ra điều hành linh hoạt hoạt động xuất khẩu lúa gạo.

“Cần linh hoạt trong việc quản lý hạn ngạch xuất khẩu. Cách tốt nhất là giao quyền chủ động cho các địa phương. Nhưng làm gì thì làm, vẫn phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh tình trạng chạy chọt xin xỏ hạn ngạch” – ông Viễn nói.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang – cho rằng để hạt gạo của nông dân mang lại giá trị cao thì phải hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất tới tiêu thụ. “Tức là anh xuất khẩu phải đặt hàng cho anh nông dân, rồi giống lúa, quy trình canh tác ra sao đều phải thống nhất rõ ràng để quản lý chất lượng ổn định, lâu dài. Quản lý được chất lượng thì mới có cơ sở để xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam trên thị trường thế giới” – ông Tâm nói và cho rằng một quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới mà hạt gạo mãi “vô danh” là không ổn…

Thành Đạt
(Theo Tuổi Trẻ, TBKTSG)