Cạnh tranh để phát triển
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khi doanh nghiệp chọn “chiến thuật bẩn”

Dẫn câu chuyện của ngành sản xuất và xuất khẩu cá tra, PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, ngành này đang đi xuống sau một giai đoạn phát triển rất nhanh trong vòng 5 – 6 năm. Kim ngạch xuất khẩu cá tra từ khi các doanh nghiệp (DN) trong ngành còn non trẻ mới đạt mức 20 – 30 triệu USD/năm, tới nay đã tăng lên 1,4  – 1,8 tỷ USD/năm. Nhưng đáng tiếc, ngành này đang đi xuống, biểu hiện rõ nhất là giá bán sản phẩm giảm ở hầu hết các thị trường. “Tại sao hiện nay giá cá tra của ta lại đi xuống trên thị trường thế giới?”, ông Dũng nêu vấn đề. Là người hoạt động lâu năm trong ngành, ông lý giải nguyên nhân là do cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Ông cho biết, để cạnh tranh bằng cách hạ giá thành thì các DN hạ luôn chất lượng xuống, chính điều đó làm mất uy tín chung của thương hiệu cá tra Việt Nam. “Nếu DN tập trung vào việc cạnh tranh bằng chất lượng, xây dựng thương hiệu, uy tín, xây dựng chuỗi giá trị của mình thì câu chuyện có thể đã khác hẳn”, ông Dũng tiếc nuối cho biết.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, sau hơn 10 năm thi hành Luật Cạnh tranh, những kết quả bước đầu đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò và tầm quan trọng của cạnh tranh, định hình văn hoá cạnh tranh trong kinh doanh và giúp điều chỉnh hành vi ứng xử cho phù hợp không chỉ đối với cộng đồng các doanh nghiệp mà cả đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch HĐQT Công ty may Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương, để tồn tại trên thương trường, rất nhiều DN sẵn sàng thực hiện các “chiến thuật bẩn” để đánh bại đối thủ của mình. Nêu ra thực trạng trong ngành may mặc, ông Dương cho biết, nhiều DN sẵn sàng trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động… nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Chẳng hạn nhiều đơn hàng, các DN chân chính chỉ có thể nhận với giá 5 đồng, nhưng các DN làm ăn bẩn có thể hạ xuống 4 đồng. “Đó chính là cạnh tranh không lành mạnh, gây thua thiệt cho các DN khác. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh với những hành vi này”, ông Dương đề nghị.

Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng

 Theo thống kê của Cục quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương, trong hơn 10 năm thực thi các quy định về chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cơ quan này đã tiếp nhận hơn 300 khiếu nại, tiến hành điều tra 158 vụ và ra quyết định xử phạt 150 vụ đã điều tra. Trong số đó, Cục đã điều tra tiền tố tụng 78 vụ việc trên nhiều lĩnh vực, tổ chức điều tra 8 vụ việc trong tổng số gần 70 DN bị điều tra. Quyết định xử lý 5 vụ việc với tiền phạt là gần 5,5 tỷ đồng.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, cạnh tranh chính là môi trường lý tưởng cho hoạt động phát triển DN, nếu không có cạnh tranh thì không có sự phát triển. Cho nên việc tạo lập cạnh tranh bình đẳng là yêu cầu, chuẩn mực của bất cứ một môi trường kinh doanh nào.

Cạnh tranh giúp phân bổ lại nguồn lực của xã hội một cách hiệu quả nhất, các DN sản xuất cùng một loại hay một số loại hàng hóa cạnh tranh nhau về giá bán, hình thức sản phẩm, chất lượng sản phẩm… Trong quá trình đó DN nào có điều kiện sản xuất tốt, có năng suất lao động cao hơn thì DN đó sẽ có lãi. Điều đó giúp cho việc sử dụng các nguồn nguyên vật liệu của xã hội có hiệu quả hơn, đem lại lợi ích cho xã hội cao hơn. Còn nếu để các DN kém hiệu quả sử dụng các loại nguồn lực thì sẽ lãng phí nguồn lực xã hội, trong khi hiệu quả đem lại không cao, chi phí cho sản xuất tăng cao, giá trị hàng hóa tăng lên không cần thiết… Tuy nhiên, cạnh tranh như thế nào để bảo đảm đối mặt chứ không đối đầu và cạnh tranh như thế nào để là cạnh tranh lành mạnh thì lại chưa rõ ràng.

Chủ tịch Hiệp hội DN Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho rằng, cạnh tranh giữa các DN trong nước là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện chúng ta đang cạnh tranh gay gắt với DN nước ngoài trên sân nhà thì các DN phải chấp nhận đoàn kết trong nội bộ trước. Bởi lẽ phần lớn DN trong nước hiện nay đều có quy mô nhỏ và vừa, số DN quy mô lớn là rất ít. Nếu không đoàn kết, chỉ cần một vài DN nước ngoài liên kết với nhau là có thể chi phối giá cả trên thị trường, và như vậy sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cho các DN sản xuất trong nước.

Ông Dương cũng nhấn mạnh, về lâu dài cạnh tranh giữa các DN với nhau tất yếu sẽ dẫn đến việc có kẻ thắng và người thua, DN mạnh ngày càng mạnh lên nhờ làm ăn hiệu quả còn DN yếu thì sẽ nhỏ bé dần và khi không cầm cự được sẽ phá sản. Tuy nhiên sự phá sản của DN không hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực, bởi có như vậy thì nguồn lực xã hội mới được chuyển sang cho những nơi làm ăn hiệu quả. Việc duy trì các DN kém hiệu quả sẽ dẫn đến sự lãng phí. Do đó, muốn có hiệu quả sản xuất, chúng ta buộc phải chấp nhận sự phá sản của các DN yếu kém.

Theo Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam Tô Hoài Nam, cạnh tranh là điều kiện buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi với những trở ngại trên môi trường kinh doanh. Tất nhiên về phía Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ về thông tin, thị trường, tín dụng và hỗ trợ cả về các tuân thủ thủ tục hành chính khác để làm sao DN có được điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn để phát triển. 

Nguyễn Thăng
Nguồn: http://daibieunhandan.vn