Cao su xuất nhiều nhập lắm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bất chấp cao su là mặt hàng đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn trong số các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, theo ông Hà Phước Lộc, Phó tổng giám đốc CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC), DN phải nhập khẩu đến 30% nguyên liệu cao su đầu vào chủng loại SVR 10 từ Malaysia phục vụ cho sản xuất cao su theo công nghệ bố thép. Điều này đang khiến cho DN gặp rất nhiều khó khăn từ gia tăng chi phí lên gần 20%, cũng như không chủ động được nguồn nguyên liệu.

Tình trạng DN phải tìm nguồn cung từ bên ngoài, trong khi cao su nguyên liệu trong nước khá dồi dào, giá rẻ là chuyện chẳng đặng đừng. Theo cách lý giải của ông Lộc, đối với loại cao su tổng hợp có độ đàn hồi, kháng mòn cao… dùng để sản xuất loại lốp xe cao su đặc chủng thì nguồn cung trong nước đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật hiện không nhiều, cũng như rất khó tìm được nguồn cung ổn định trong nước. Nghịch lý này không riêng gì DRC gặp phải mà rất nhiều DN chế biến sản phẩm cao su trong nước cũng chung hoàn cảnh.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, sản lượng cao su năm 2014 dự báo đạt 980 nghìn tấn, tăng 3,2% so với năm trước. Hiện, tổng công suất chế biến mủ cao su trong nước đạt khoảng 1 triệu tấn/năm. Trong đó, loại cao su mủ cốm, sơ chế chiếm tỷ trọng 70 – 80%, còn lại là cao su cô đặc chỉ chiếm 6 – 8%, cao su tờ xông khói RSS 3 khoảng 4 – 5% và lượng rất nhỏ là skim, crếp… Chính cơ cấu nguồn nguyên liệu như vậy đã dẫn đến thực trạng cao su xuất khẩu nhiều nhưng nhập cũng lắm vì tỷ trọng các nhóm sản phẩm không cân đối.

Ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, nguồn nguyên liệu cao su trong nước đang loay hoay đi tìm đầu ra cho sản phẩm mình sẵn có, dư thừa chứ, nhưng lại không thể sản xuất được sản phẩm thị trường và khách hàng trong nước cần. Điều này giải thích vì sao mặc dù là quốc gia có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cao su luôn đứng vào hàng đầu của thế giới, song Việt Nam hàng năm vẫn phải đi nhập một khối lượng cao su không nhỏ về nước.

Sự “lệch pha” chủng loại cũng khiến việc kiếm bạn hàng tiêu thụ trong nước gặp nhiều khó khăn. Số liệu thống kê 5 năm trở lại đây cho thấy, nhu cầu về cao su tổng hợp khá cao, nhưng thực tế cũng trong khoảng thời gian này ngành cao su lại hoàn toàn không có sự chuyển hướng phù hợp. Nên cho đến tận thời điểm hiện tại, cung cầu trong nước vẫn chưa gặp nhau.

Ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó cục trưởng Cục Hóa chất thừa nhận, việc khó tiêu thụ sản phẩm ngay tại chính sân nhà cũng một phần là do hiện nay tình trạng liên kết giữa những đơn vị thu mua, cung ứng mủ cao su sơ chế với các DN sản xuất, xuất khẩu chưa tốt.

Dẫn chứng cụ thể là trong những năm qua, khi giá cao su tăng, một số đơn vị cung ứng nguyên liệu “lật kèo” hợp đồng đã ký để xuất nguyên liệu đi nước ngoài với giá cao hơn. Ngược lại, cũng không ít trường hợp bên thu mua khi tiêu thụ khó khăn cũng “xù” hợp đồng bao tiêu để đi kiếm mối khác với giá rẻ hơn.

Ngoài ra, còn một tình trạng đáng quan tâm hơn là thời gian qua do Trung Quốc chủ yếu thu mua mủ cao su thô nên không ít DN trong nước chạy theo xu hướng này, quên đi đầu tư công nghệ máy móc, chế biến sâu nên đến khi nhu cầu thu mua sụt giảm nhanh chóng thì DN trở tay không kịp. Đây cũng là nguyên nhân các bạn hàng, đối tác yêu cầu sản phẩm đạt chất lượng cao đều cho biết sản phẩm cao su xuất khẩu của Việt Nam thường có tính ổn định kém, một số đặc tính lý hóa không đạt chuẩn…

Trăn trở với bài toán tìm đầu ra ngay chính tại sân nhà cho lượng cao su dồi dào, giá rẻ của Việt Nam, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su đề nghị, để hướng đến mục tiêu gia tăng được sản lượng tiêu thụ trong nước thì trước hết bản thân các DN sản xuất, chế biến cần có kế hoạch ngay từ bây giờ về chuyển hướng cơ cấu sản phẩm cung ứng theo đúng nhu cầu thị trường.

Cũng như các DN xuất khẩu trong nước nên đầu tư sâu vào công nghệ để tạo ra các sản phẩm mang giá trị gia tăng cao, thay vì đem xuất thô…

Thanh Tuyết

Nguồn: http://thoibaonganhang.vn/index.php/tin-tuc/40-cao-su-xuat-nhieu-nhap-lam-24328.html