Cao tốc Bến Lức – Long Thành chờ “giải cứu”, nhiều dự án giao thông nguy cơ bị điều chuyển vốn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Baodautu.vn điểm lại những thông tin về đầu tư đáng chú ý tuần qua.

Xin trao “kiếm lệnh” tại 3 dự án cao tốc Bắc – Nam chuyển đổi

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ bắt đầu lấy ý kiến của thành viên Chính phủ đối với Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 của Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể hoàn thành vào năm 2021.
Dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ – La Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể hoàn thành vào năm 2021.

Trong số những nội dung chính tại Dự thảo Nghị quyết mà thành viên Chính phủ sẽ cho ý kiến bằng văn bản có việc giao Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền quyết định đầu tư được quy định tại khoản 3, Điều 43, Luật Đầu tư công quy định phê duyệt điều chỉnh 3 dự án thành phần vừa được Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công gồm Quốc lộ 45 – Mai Sơn; Dầu Giây – Phan Thiết và Vĩnh Hảo – Phan Thiết.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng được xem xét giao thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư tổ chức thực hiện các dự án thành phần theo quy định, bao gồm việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu…

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, đây là cơ chế cần thiết để có thể rút ngắn được trình tự, thời gian chuẩn bị đầu tư nhằm đảm bảo khởi công 3 dự án thành phần chuyển đổi vào tháng 9/2020.

Trước đó, trong Tờ trình số 6681/BGTVT – TTr gửi Chính phủ ngày 10/7, Bộ GTVT cho biết, để thực hiện Nghị quyết số 117 của Quốc hội, bộ này đang thực hiện thủ tục điều chỉnh đầu tư 3 dự án thành phần nêu trên, trong đó, yêu cầu tiên quyết là khi điều chỉnh, không làm thay đổi mục tiêu, phạm vi, quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án; tổng mức đầu tư giảm so với đầu tư theo hình thức PPP đã được Bộ GTVT phê duyệt. Tuy nhiên, do mức vốn đầu tư công tại cả 3 dự án đề lớn hơn 10.000 tỷ đồng, dẫn đến việc các công trình này thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Theo quy định của pháp luật về đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia, thì đối với dự án mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng Thẩm định nhà nước để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án (Điều 40 – Luật Đầu tư công); đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên cơ sở thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Điều 82, 83 –  Luật Đấu thầu). Nếu coi 3 dự án thành phần chuyển đổi là dự án mới, thì quá trình hoàn thiện thủ tục gần như phải thực hiện lại từ đầu, dẫn đến việc chỉ có thể khởi công gói thầu đầu tiên vào cuối tháng 12/2020.

Đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia: Cấp quyết định đầu tư dự án có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự án đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình (khoản 3, Điều 43 – Luật Đầu tư công); trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án được thực hiện như đối với dự án hoặc nhóm dự án trước khi điều chỉnh (khoản 7, Điều 1 – Nghị định số 02/2020/NĐ – CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ – CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia). Nếu xếp 3 dự án thành phần chuyển đổi vào nhóm các dự án đang trong quá trình thực hiện, thì với việc kế thừa nhiều công việc đã hoàn thành trước đó, mục tiêu khởi công gói thầu đầu tiên vào tháng 9/2020 là khả thi.

Dẫn chiếu quy định tại Điều 26, Thông tư 09/2019/TT – BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Bộ GTVT cho rằng, dự án đầu tư xây dựng đã triển khai là “dự án đã có quyết định đầu tư và đã triển khai các công việc sau khi dự án được phê duyệt như đã thực hiện khảo sát phục vụ thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở; đã lựa chọn nhà thầu thực hiện thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở”. Do vậy, với thực tế công việc đã thực hiện, Bộ GTVT khẳng định, 3 dự án thành phần chuyển đổi có thể coi là các dự án đang trong quá trình thực hiện đầu tư.

Nếu ứng xử như dự án mới, thì toàn bộ khối lượng công việc đã triển khai thực hiện theo dự án đầu tư đã được Bộ GTVT phê duyệt như: thiết kế kỹ thuật, dự toán đã được duyệt; kết quả giải phóng mặt bằng đã được các địa phương thực hiện, công tác rà phá bom mìn vật nổ và các hợp đồng đã ký với các nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế, lập dự toán… cần phải được xử lý và làm lại thủ tục sau khi dự án đầu tư mới được duyệt theo quy định.

Bên cạnh đó, việc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ GTVT tổ chức thẩm định, quyết định phê duyệt dự án, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và thực hiện các thẩm quyền khác của người quyết định đầu tư cũng tồn tại một số vướng mắc cần được các thành viên Chính phủ đồng thuận.

Cụ thể, theo quy định tại điểm g khoản 2, Điều 28, khoản 4 và khoản 5, Điều 33 Luật Tổ chức Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ trong phạm vi thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng thực hiện công việc cụ thể theo ngành, lĩnh vực được phân công hoặc ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền.

Tuy nhiên, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu không có quy định về việc ủy quyền phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và ủy quyền thẩm định đối với dự án quan trọng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. Ngoài ra, theo khoản 3, Điều 40 – Luật Đầu tư công 2019, trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia không được áp dụng theo Luật Xây dựng nên không được ủy quyền phê duyệt dự án đầu tư theo Điều 72, Luật Xây dựng.

Mặc dù vậy, để đảm bảo tiến độ triển khai 3 dự án thành phần chuyển đổi, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ quyết nghị việc Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư theo khoản 3 Điều 43 Luật Đầu tư công và khoản 7, Điều 1, Nghị định số 02/2020/NĐ-CP thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm khác của người quyết định đầu tư trong giai đoạn thực hiện dự án, giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng theo quy định.

“Đây là cơ chế cần thiết để sớm khởi động 3 dự án thành phần trên hiện trường, qua đó giải ngân lượng vốn đầu tư công lớn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.

Chạy đua giải cứu Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành

Công cuộc hồi sinh Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành trị giá 1,6 tỷ USD thi công dang dở vẫn còn rất nhiều trở lực cần phải vượt qua trong 1-2 tháng tới.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành thi công dang dở, cần được gia hạn hiệp định vay để tái khởi động.
Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành thi công dang dở, cần được gia hạn hiệp định vay để tái khởi động.

Áp lực nghẹt thở liên quan đến việc gia hạn khoản vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đối với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã xả bớt sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính có Công thư gửi ADB hôm 10/7, thông báo việc Chính phủ Việt Nam ủng hộ gia hạn Dự án đến ngày 31/12/2023 và mong muốn tiếp tục sử dụng khoản vay ADB để hoàn thành Dự án.

“Phía ADB đã tạm dừng xem xét đóng khoản vay số 2 (3391-VIE) có tổng giá trị 286 triệu USD để chờ đề xuất chính thức từ phía Chính phủ Việt Nam về gia hạn và điều chỉnh khoản vay”, lãnh đạo VEC cho biết.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 234/TB – VPCP ngày 9/7/2020, thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành do VEC làm chủ đầu tư được tổ chức hôm 8/7.

Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ngay thư gửi ADB trước ngày 10/7/2020, đề nghị ADB gia hạn Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành. Trong đó, thể hiện mong muốn của Chính phủ Việt Nam là tiếp tục sử dụng khoản vay ADB để hoàn thành Dự án.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ  Giao thông – Vận tải (GTVT), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC và các cơ quan liên quan sớm báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn nước ngoài, vốn đối ứng cho Dự án.

“Trước mắt, đề xuất ngay nguồn vốn phù hợp để chi trả khoản tiền chậm thanh toán cho nhà thầu đang thi công (khoảng 15 triệu USD), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 15/7/2020”, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo.

Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC cho biết, nếu Bộ Tài chính không kịp gửi công thư đề nghị gia hạn Hiệp định khoản vay số 2 (3391 – VIE) trước ngày 10/7 (giá trị còn lại khoảng 250 triệu USD), nhà tài trợ sẽ đóng khoản vay này như đã làm với khoản vay số 1 (2730 – VIE, có giá trị còn lại 177/350 triệu  USD) hồi giữa năm 2019. Khi đó, Dự án sẽ không có vốn để tái khởi động công trường đã đình trệ từ đầu năm 2019, do chủ đầu tư không thể tìm được nguồn thay thế để hoàn tất các hạng mục vay vốn ADB với giá trị còn lại khoảng 4.665 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD.

Ngoài ra, việc Dự án chưa thể xác định thời điểm sẽ hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác còn tiềm ẩn nguy cơ cao về rủi ro pháp lý đối với các đơn vị tham gia thực hiện Dự án, phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại từ phía các nhà thầu quốc tế, không phát huy hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư.

Được biết, không phải đợi “nước đến chân”, ngay từ cuối năm 2018, VEC đã báo cáo Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp việc khẩn trương gia hạn các hiệp định vay ADB để đảm bảo nguồn vốn từ nhà tài trợ này được cung cấp đầy đủ khi các gói thầu xây lắp được hoàn thành sau khi điều chỉnh lại tiến độ theo đúng diễn biến thực tế, cũng như việc bố trí vốn nước ngoài cho Dự án.

Tính từ năm 2018 đến nay, chủ đầu tư đã gửi tới gần 40 văn bản tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị sớm hoàn tất các thủ tục để gia hạn hiệp định cũng như điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Tuy nhiên, vì một số lý do, đến tháng 5/2020, quá trình gia hạn hiệp định và điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án mới được giao Bộ GTVT khởi động chính thức.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT, từ tháng 3/2019, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án và kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT tiếp tục thực hiện thẩm quyền của cấp quyết định đầu tư.

Tính đến tháng 6/2020, Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành gồm 11 gói thầu xây lắp có sản lượng thi công đạt 10.663/13.624 tỷ đồng (khoảng 78,28%) tổng giá trị các hợp đồng (không bao gồm dự phòng, thuế).

Cụ thể, đoạn phía Tây sử dụng vốn từ khoản vay ADB số 2730-VIE gồm 5 gói thầu (A1, A2-1, A2-2, A3 và A4), khối lượng thi công đạt khoảng 87,15%. Đoạn tuyến này đang không có vốn để tiếp tục thi công do Hiệp định vay 2730 – VIE đã đóng, thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu đã hết, chưa được gia hạn.

Đối với đoạn sử dụng vốn từ khoản vay JICA (gồm 3 gói thầu J1, J2 và J3) cũng đang thi công dang dở. Mặc dù thời gian hiệu lực của Hiệp định vay JICA là đến tháng 7/2024, nhưng các gói thầu đang tạm dừng do các dự án của VEC chưa được giao vốn nước ngoài theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội, theo đó vốn nước ngoài chưa được cấp cho VEC từ tháng 1/2019.

Lãnh đạo VEC cho biết, hiện tiến độ căng thẳng nhất là tại đoạn phía Đông sử dụng vốn từ khoản vay ADB số 3391-VIE (gồm 3 gói thầu A5, A6 và A7). Khối lượng thi công đoạn này mới đạt khoảng 38,66%. Các gói thầu vẫn đang trong thời gian thực hiện hợp đồng (tháng 12/2020), thời gian Hiệp định vay nhưng thi công cầm chừng do không được thanh toán khối lượng đã nghiệm thu từ sau thời điểm kết thúc thời gian thực hiện Dự án theo quyết định đầu tư (ngày 30/6/2019). Hiệp định vay 3391-VIE có thời hạn đóng vào ngày 30/6/2020 cần được gia hạn đến ngày 31/12/2023 để có đủ vốn hoàn thành đầu tư.

Tương tự các gói thầu xây lắp, thời gian thực hiện hợp đồng của các gói thầu tư vấn giám sát và các gói thầu xây lắp, tư vấn phụ trợ khác trong Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng đã kết thúc, cần phải được điều chỉnh tương ứng theo tiến độ thi công.

Cần phải nói thêm rằng, áp lực đối với chủ đầu tư đang rất lớn sau khi các nhà thầu Nhật Bản liên tục có nhiều khiếu nại gửi JICA, VEC yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hợp đồng do VEC không bố trí được nguồn vốn và yêu cầu các chi phí phát sinh do chậm thanh toán khoảng 15 triệu USD.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, việc Bộ Tài chính gửi công thư tới ADB xin gia hạn hiệp định vay chỉ là bước khởi đầu cho cuộc “trường chinh” gỡ vốn, giải cứu Dự án được đánh giá là vừa phức tạp, vừa cấp bách, trong đó việc làm đầu tiên chính là các cơ quan chức năng cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Ngoài việc gia hạn tiến độ đến ngày 31/12/2023, gia hạn Hiệp định vay 3391-VIE, Hiệp định khung ADB đến ngày 31/12/2023, chủ đầu tư cần được Thủ tướng cho phép sử dụng vốn của Hiệp định vay ADB lần 2 (3391-VIE) để hoàn thành các công việc chưa được thực hiện của Hiệp định vay ADB lần 1 (2730-VIE) do hết hạn hiệp định và đầu tư xây dựng các nhà trạm, nhà điều hành… phục vụ công tác thu phí hoàn vốn Dự án.

“Các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 7/2020 để hoàn thành việc gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay ADB trong tháng 8/2020”, ông Mai Tuấn Anh cho biết.

Một điều kiện quan trọng khác để Dự án có thể khởi động trở lại và kịp hoàn thành các gói thầu xây lắp trước tháng 10/2021 là các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, các cơ quan liên quan cần tháo gỡ ngay vướng mắc về vốn đầu tư công cho Dự án, thực hiện giao vốn từ tháng 9/2020.

“Đây đều là những công việc rất phức tạp về trình tự, thủ tục, đòi hỏi thời gian giải quyết gấp rút, nên nếu không nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan liên quan, nguy cơ không thể tái khởi động Dự án sau 1 – 2 năm nữa là rất cận kề”, lãnh đạo VEC cho biết.

Tổng quan Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành

Cơ quan chủ quản: Bộ GTVT

Chủ dự án: VEC

Nhà tài trợ: ADB, JICA

Quy mô và nội dung đầu tư: Hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng khoảng 58 km đường cao tốc Bến Lức – Long Thành với quy mô 4 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc tối đa 120 km/h, theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A; góp phần từng bước hoàn thành tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt.

Tổng mức đầu tư, loại vốn ODA của dự án: tổng mức đầu tư dự án là 1.607,4 triệu USD, trong đó vốn vay ADB là 635,7 triệu USD; vốn vay JICA là 634,8 triệu USD; vốn đối ứng là 336,9 triệu USD.

5 dự án giao thông có nguy bị điều chuyển vốn do chậm giải ngân

Dự án đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn là một trong số các dự án có khối lượng vốn được giải ngân tốt nhất hiện nay.

Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn là một trong số các Dự án có khối lượng vốn được giải ngân tốt nhất hiện nay.
Dự án đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn là một trong số các dự án có khối lượng vốn được giải ngân tốt nhất hiện nay.

Đây là kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại tại cuộc họp về xử lý các dự án vướng mắc, chậm tiến độ có nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả giải ngân năm 2020.

Tư lệnh ngành GTVT cho biết là theo yêu cầu tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, Bộ GTVT cần giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2020 bao gồm cả kế hoạch năm và kế hoạch kéo dài; trong đó: đến hết tháng 8/2020 phải giải ngân hết vốn kéo dài của năm 2019 và các năm trước, đến hết tháng 11/2020 giải ngân tối thiểu 85% kế hoạch năm 2020.

Tuy nhiên, đối với những dự án do Bộ GTVT chủ quản hoặc được cấp vốn qua Bộ GTVT, mặc dù các địa phương (được giao Chủ đầu tư, đại diện Chủ đầu tư) đã vào cuộc chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhưng đến nay vẫn còn một số vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm, nhất là các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguy cơ cao không hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2020. Trường hợp không thể hoàn thành kế hoạch giải ngân dự án theo tiến độ, Bộ GTVT sẽ trao đổi thống nhất với địa phương về việc thực hiện (hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền) điều chuyển kế hoạch vốn đối với từng dự án để đảm bảo việc giải ngân 100% vốn.

Theo đó, đối với Dự án đầu tư xây dựng công trình đường kết nối đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 12B đi Quốc lộ 1, Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo chủ đầu tư và các cơ quan liên quan của địa phương khẩn trương xử lý các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng; tập trung thi công dứt điểm khối lượng còn lại; đồng thời lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án; báo cáo giải ngân hàng tháng phải có xác nhận của Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chặt chẽ tiến độ giải ngân của từng dự án, mục tiêu hoàn thành và giải ngân hết số vốn đã bố trí chậm nhất trước ngày 31/8/2020.

Trường hợp đến 31/8/2020, chủ đầu tư không giải ngân hết kế hoạch, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chuyển vốn cho dự án khác.

Đối với Dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường nối Quốc lộ 1 đến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và đường ven biển tỉnh Quảng Nam (thuộc đoạn tuyến Quốc lộ 40B), Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tập trung chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan xử lý dứt điểm các các tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc di dời hạ tầng kỹ thuật để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án để thi công theo đúng tiến độ yêu cầu.

Tại Dự án này, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 5 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; lập kế hoạch giải ngân chi tiết và huy động nhân lực, trang thiết bị triển khai thi công, đảm bảo yêu cầu giải ngân 100% kế hoạch vốn. Trường hợp đến ngày 30/11/2020 Dự án không giải ngân đạt tối thiểu 85% kế hoạch, Bộ GTVT sẽ xem xét việc điều chuyển kế hoạch vốn cho dự án khác.

Đối với Dự án tuyến tránh thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Bộ GTVT thống nhất đề xuất việc kéo dài thời hạn hợp đồng tối đa đến 30/10/2020 và giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT thường xuyên theo dõi, đôn đốc, trong trường hợp dự án không kịp hoàn thành giải ngân theo tiến độ yêu cầu, báo cáo Bộ điều chuyển vốn cho dự án khác.

Đối với Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24 (có số vốn cần giải ngân từ nay đến cuối năm 2020 của dự án còn khoảng 355 tỷ đồng), Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT Kon Tum phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, chính quyền địa phương, Hội đồng giải phóng mặt bằng tập trung giải quyết, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án; đồng thời chỉ đạo nhà thầu thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu. Bộ trưởng Bộ GTVT giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT theo dõi chặt chẽ về tiến độ, chất lượng đối với dự án này. Trong trường hợp đến ngày 30/11/2020 dự án không giải ngân đạt tối thiểu 85% kế hoạch, Bộ GTVT sẽ xem xét việc điều chuyển kế hoạch cho dự án khác.

Đối với Dự án mở rộng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Tân An, tỉnh Long an, Bộ trưởng Bộ GTVT giao Ban QLDA 7, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Long An thống nhất phương án xử lý tồn tại, vướng mắc liên quan đến dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Trường hợp không có giải pháp khả thi, yêu cầu Ban QLDA 7 rà soát, xác định phạm vi dừng dự án, số vốn phải cắt giảm để xem xét điều chuyển cho dự án khác theo quy định.

Được biết, năm 2020 Bộ GTVT giải ngân hơn 39.700 tỷ đồng (hơn 35.900 nghìn tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và hơn 37.000 tỷ đồng kế hoạch kéo dài). Tính đến hết tháng 6/2020, Bộ GTVT đã giải ngân được hơn 13.300 tỷ đồng, đạt 33,7% kế hoạch năm, cao hơn kết quả giải ngân bình quân chung của cả nước là 28,9%.

Gia tăng đầu tư để đưa thêm hàng Việt Nam vào EU

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hàng nông sản xuất khẩu đang gia tăng hoạt động đầu tư, tham gia vào chuỗi sản xuất để tận dụng cơ hội khi EVFTA có hiệu lực.

Khi EVFTA có hiệu lực và thuế quan bắt đầu giảm, sẽ là cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam tăng thị phần.
Khi EVFTA có hiệu lực và thuế quan bắt đầu giảm, sẽ là cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam tăng thị phần.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nafoods cho biết, năm 2019, doanh thu của thị trường châu Âu chiếm 45% trong tổng cơ cấu doanh thu xuất khẩu của Nafoods và trong 6 tháng đầu năm nay, con số trên đã tăng 50% so với cùng kỳ và châu Âu vẫn là một trong những thị trường quan trọng nhất của Nafoods.

Ông Hùng tin rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng như gạo, cà phê, mật ong, và  thủy sản – những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

“Công ty hiện đang xuất khẩu các sản phẩm nước ép và IQF được sản xuất và chế biến từ nguyên liệu hoa quả như chanh leo, xoài, thanh long, chuối, mãng cầu… nên theo dự thảo của Hiệp định EVFTA đều sẽ được hưởng ưu đãi này”, đại diện Nafoods nói và cho biết,  Công ty sẽ tiếp tục huy động vốn, cân đối nguồn tài chính để đảm bảo năng lực đáp ứng các đơn hàng, nhu cầu của khách hàng, đối tác.

Theo các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu, khi EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm sẽ được giảm thuế sẽ là cơ hội để họ có thể đầu tư đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm theo các quy chuẩn của EU và nâng cao năng lực quản trị, điều hành của doanh nghiệp. Đồng thời, có ý nghĩa quyết định mở rộng thị trường và tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bà Huỳnh Đinh Hà Giang, CEO của Công ty Biophap thông tin, trong tháng 8 tới, Công ty sẽ đưa ra thị trường sản phẩm mới có tên Drinkizz, là một sản phẩm nước năng lượng hữu cơ có ga, gồm các nguyên liệu chính là bụp giấm, măng tre, trà…

“Sản phẩm này được chiết xuất 100% nguyên liệu thực vật hữu cơ, có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe con người và có đầy đủ các chứng nhận để xuất khẩu”, đại diện Biophap thông tin và cho biết, sản phẩm này là kết quả bước đầu của chiến lược đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm hữu cơ mà Công ty đã triển khai tại khu vực Tây Nguyên từ năm 2015.

 Để khai thác hết tiềm năng và tận dụng được các ưu đãi của EVFTA, sẽ có một số thách thức đối với các sản phẩm nông sản của Việt Nam.

Đại diện của Biophap cho biết, đã có những cam kết rót vốn đầu tư hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư cho kế hoạch phát triển các sản phẩm mới. Tất nhiên, việc đầu tư này phải có lộ trình, song mục tiêu đưa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ “made in Việt Nam” sang châu Âu của Biophap có cơ hội sớm thành hiện thực.

Đại diện của Nafoods cho biết, để tiếp cận thị trường EU, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch chuẩn hóa và đầu tư vào hệ thống nhà kho, bao gồm kho bảo quản và kho lạnh để có thể mở rộng sức chứa, tăng khả năng trữ hàng.

“Dự kiến năm 2022, Công ty hoàn thành đầu tư nhà xưởng đóng gói quả tươi, kho lạnh, hoàn thiện lắp đặt và đi vào vận hành dây chuyển sản xuất sấy, doanh thu từ sản phẩm giá trị gia tăng tăng 150%; sản phẩm sản xuất từ dây chuyền sấy tăng 100%”, đại diện Nafoods thông tin và cho biết, bằng cách tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, các sản phẩm nước ép, IQF sẽ tăng từ 30-50% công suất.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham nhìn nhận, nhiều mặt hàng xuất khẩu với số lượng lớn của Việt Nam sang châu Âu như hạt điều, cà phê, trái cây và rau quả, hải sản… khi EVFTA có hiệu lực và thuế quan bắt đầu giảm, sẽ là cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam tăng thị phần.

Chẳng hạn, 3 năm sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan đối với các sản phẩm nông sản chế biến sẽ giảm từ 37% xuống còn 6% và đối với nghề cá từ 60% đến 15%. Sau 7 năm, cả hai sẽ còn giảm hơn nữa, chỉ khoảng 2% mỗi lần…

Tuy nhiên, ông Nicolas Audier cũng cho rằng, để có thể khai thác hết tiềm năng cũng như tận dụng được các ưu đãi của EVFTA, sẽ có một số thách thức đối với các sản phẩm nông sản của Việt Nam khi muốn tăng xuất khẩu sang châu Âu.

Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu sẽ cần phải đáp ứng các yêu cầu an toàn nghiêm ngặt của EU, bao gồm các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật. An toàn thực phẩm là rất quan trọng và người tiêu dùng phải tin tưởng rằng sản phẩm được bán và tiêu thụ đáp ứng các tiêu chuẩn cao này.

“Các nhà sản xuất trong nước phải nhận thức được các tiêu chuẩn này, phải chia sẻ thông tin và xây dựng năng lực từ cả cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nicolas Audier khuyến nghị.

Tăng tốc thu hút đầu tư từ Hàn Quốc

Nếu sớm tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư – kinh doanh, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam chắc chắc sẽ tăng tốc hậu Covid-19.

Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ sớm sôi động trở lại. Ảnh: Đức Thanh
Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ sớm sôi động trở lại. Ảnh: Đức Thanh

Làn sóng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam bị chững lại trong những tháng qua do dịch Covid-19. Với Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, cùng Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng tới, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ sớm sôi động trở lại.

Lời khẳng định này của Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ngài Park Noh Wan được doanh nghiệp Hàn Quốc củng cố thêm tại buổi đối thoại giữa Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam diễn ra cuối tuần trước.

Theo Đại sứ Hàn Quốc, trong các “đầu việc” cần ưu tiên lúc này là sớm bình thường hóa giao lưu nhân dân giữa hai nước để kịp thời hỗ trợ các hoạt động trao đổi thương mại và xúc tiến đầu tư.

Để tháo gỡ vấn đề này, Đại sứ Park Noh Wan đề nghị các bộ, ngành liên quan của Việt Nam và Đại sứ quán Hàn Quốc thành lập nhóm làm việc để thúc đẩy bình thường hóa giao lưu nhân dân.

Ngoài ra, Đại sứ cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư – kinh doanh một cách thuận lợi, tránh phiền hà về thủ tục hành chính hay thủ tục thay đổi đăng ký đầu tư để mở rộng đầu tư. Đối với các dự án xây dựng quy mô lớn có doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia, ông Park Noh Wan kiến nghị phía cơ quan chức năng Việt Nam cần quan tâm hỗ trợ, tránh phát sinh khó khăn hành chính và tổn thất không đáng có cho nhà đầu tư.

Một loạt kiến nghị tháo gỡ vướng mắc được tập đoàn lớn như Samsung, Hyosung, Lotte… hoạt động những lĩnh vực then chốt như chế biến chế tạo, bất động sản, xây dựng, ngân hàng, năng lượng, nhưng đi kèm với đó là kỳ vọng Chính phủ Việt Nam, cơ quan chức năng Trung ương và địa phương sớm tháo gỡ các vướng mắc đó, để dòng vốn đầu tư và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam hồi phục nhanh chóng sau dịch.

Đại diện Samsung Việt Nam cho biết, theo Luật Đầu tư, nếu số vốn đầu tư tăng hoặc giảm nhiều hơn một tỷ lệ nhất định thì sẽ phải điều chỉnh và thay đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, thủ tục thực hiện lại rất phức tạp, tốn nhiều thời gian. Phía Samsung dẫn chứng, một công ty con của hãng này từng mất nhiều tháng để thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào năm 2019 và cũng suýt bị lỡ mất việc sản xuất sản phẩm mới.

Nếu đầu tư thực tế giảm so với số vốn đầu tư đã cam kết (đơn cử giảm từ 10% trở lên), thì doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. “Tuy nhiên, kiến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét đến các phương án cải thiện để doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian cho các thủ tục điều chỉnh phức tạp và có thể đầu tư thêm dễ dàng và nhanh chóng hơn, trong trường doanh nghiệp tăng số vốn đầu tư”, đại diện phía Samsung đề xuất.

Trong khi đó, đại diện tập đoàn Lotte tỏ ra sốt ruột với hàng trăm tỷ won đã rót vào hai dự án lớn nhưng đang ì ạch tại TP.HCM, gồm Dự án Eco Smart City tại Thủ Thiêm do Lotte Properties HCMC triển khai và dự án nhà máy xử lý nước thải ở phía tây Thành phố do Lotte E&C xúc tiến thực hiện.

Vị đại diện này cho hay, công ty thành viên của Tập đoàn – Lotte Properties HCMC, được chọn làm chủ đầu tư Dự án Eco Smart City vào năm 2017 và đã ký kết hợp đồng thực hiện dự án với UBND TP.HCM. Tính đến nay, số vốn và chi phí đã được đầu tư cho dự án Eco Smart City lên tới hàng trăm tỷ won, nhưng do các vấn đề về thủ tục hành chính, đặc biệt là công tác thanh kiểm tra các dự án bất động sản trên địa bàn, khiến Lotte không thể triển khai dự án theo kế hoạch từ sau năm 2018.

Còn với dự án nhà máy xử lý nước thải, Lotte E&C đã đề xuất phương án biến dự án này thành dự án PPP, cụ thể, tích hợp các nhà máy xử lý nước thải ở ba khu vực phía tây Thành phố thành một và xây dựng trên khu vực Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa hiện tại.

Tuy nhiên, đã qua 4 năm 7 tháng kể từ khi đưa ra đề án ban đầu, việc phê duyệt cấp giấy phép vẫn chưa được hoàn tất. Dự kiến sẽ mất một khoảng thời gian tương đối dài để phê duyệt đề án của dự án và lựa chọn nhà đầu tư cuối cùng bằng hình thức đấu thầu, đại diện Lotte lo ngại.

Trong khi đó, tài chính – ngân hàng, một lĩnh vực được dự báo sẽ đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Hàn Quốc trong thời gian tới, các ngân hàng Hàn Quốc lại cho rằng, hiện nay rất khó khăn để thâm nhập và mở rộng thị trường tại Việt Nam, điều này trở thành rào cản trong hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.

Theo các ngân hàng Hàn Quốc, Việt Nam cần tăng cường cơ sở nền tảng cho nhu cầu tài chính khi các đầu tư Hàn Quốc tiến hành mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, cần cân nhắc đến bài toán hỗ trợ tài chính cho phương án hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam và khi tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp này vượt trên 30% quy mô nền kinh tế. Còn hiện nay, các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc cho biết, tỷ trọng tổng tài sản của các ngân hàng Hàn Quốc trong ngành ngân hàng Việt Nam chỉ mới đạt 1,54%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định các hội nghị đối thoại doanh nghiệp mà Hội đồng thực hiện là một trong những nội dung nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cải cách các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản, khó khăn vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tới đây tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công từ việc xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc thủ công chuyển sang xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc trên môi trường điện tử.

Từ các ý kiến của doanh nghiệp Hàn Quốc, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính sẽ hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cần 8.014 tỷ đồng xây mới sân bay Quảng Trị

Cảng hàng không Quảng Trị là một trong 28 cảng hàng không quốc nội đưa vào khai thác giai đoạn từ năm 2020 – 2030 với quy mô hàng không dân dụng cấp 4C.

Cảng hàng không Quảng Trị là một trong 28 cảng hàng không quốc nội đưa vào khai thác giai đoạn từ năm 2020 - 2030 với quy mô hàng không dân dụng cấp 4C.
Cảng hàng không Quảng Trị là một trong 28 cảng hàng không quốc nội đưa vào khai thác giai đoạn từ năm 2020 – 2030 với quy mô hàng không dân dụng cấp 4C.

Cục Hàng không Việt Nam vừa đề nghị Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030.

Theo đó, Cảng hàng không Quảng Trị có vị trí tại xã Gio Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh; nằm ở phía Bắc, cách Tp. Đông Hà 7 km; là sân bay cấp 4C đối với hoạt động khai thác dân dụng và sân bay cấp II đối với hoạt động quân sự

Đây là cảng hàng không nội địa có chức năng vận chuyển hành khách, hàng hóa nội địa và là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự được xây dựng trên diện tích 594 ha.

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xây dựng tại Cảng hàng không Quảng Trị 1 đường cất hạ cánh kích thước 2.400 m x 45m, lề đường cất hạ cánh rộng 7,5 m mỗi bên, hướng 04 – 22, kết cấu đường cất hạ cánh đảm bảo khai thác tàu bay A320/321 và tương đương; 1 sân đỗ đáp ứng tối thiểu 5 vị trí đỗ tàu bay A320/321; các công trình đảm bảo hoạt động bay đồng bộ theo đúng tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế.

Cảng hàng không Quảng Trị được quy hoạch xây dựng 1 nhà ga hành khách tại khu vực phía Nam sân đỗ tàu ba, quy mô 2 cao trình, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10.000 m2, công suất 1 triệu hành khách/năm và có đất dự trữ mở rộng khi có nhu cầu…

Theo tính toán, để xây dựng mới Cảng hàng không Quảng Trị đáp ứng quy mô quy hoạch nói trên cần khoảng 8.014 tỷ đồng; nguồn vốn dự kiến huy động từ ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, PPP.

Mục tiêu của dự án xây dựng Cảng hàng không/sân bay nội địa tại Quảng Trị nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải, tạo động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thúc đẩy phát triển du lịch. Khai thác tiềm năng lợi thế một tỉnh ven biển có chiều dài bờ biển 75km, thu hút đầu tư vào khu kinh tế trọng điểm, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Quảng Trị, đặc biệt là du lịch tâm linh.

Hải Phòng: Khai trương Bệnh viện Đa khoa Quốc tế gần 600 tỷ đồng tại huyện Vĩnh Bảo

Ngày 18/7, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo có mức đầu tư gần 600 tỷ đồng đã chính thức được khai trương sau 10 tháng thi công.

Bệnh viện cao 10 tầng, quy mô 306 giường bệnh, tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng
Bệnh viện cao 10 tầng, quy mô 306 giường bệnh, tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo được khai trương trong sáng 18/7 có quy mô cao 10 tầng, với 306 giường bệnh. Tổng mức đầu tư xây dựng là gần 600 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hoá.

Đây cũng là bệnh viên đa khoa quốc tế theo tiêu chuẩn khách sạn được đầu tư xây dựng tại Hải Phòng.

Đại diện chủ đầu tư cho biết: Sau 10 tháng thi công và 2 tháng chuẩn bị, công trình đã hoàn thành, được đầu tư đầy đủ các khoa, phòng chức năng, với các trang thiết bị y tế hiện đại nhất. Máy CT Scanner 128 dẫy, máy cộng hưởng từ 1.5 Tesla của hãng GE (Mỹ), hệ thống nội soi CV 190 của Olimpus (Nhật Bản) và nhiều trang thiết bị hiện đại đồng bộ khác đều được nhập ngoại.

Bệnh viện có hệ thống phòng nội trú khép kín theo yêu cầu với 10 phòng VIP, 30 phòng đơn, 80 phòng đôi và ba. Toàn bộ nội thất được trang bị của hãng Paramount Bed với 100% giường điện 3 moter.

“Do chi phí đầu tư rất cao, nên giá viện phí sẽ phải cao hơn các bệnh viện công lập khoảng 30-40%. Chủ đầu tư sẽ miễn phần chênh lệch để giá viện phí chỉ ngang bằng với giá viện phí của bệnh viện công lập tuyến huyện trong một năm đầu tiên”, Đại diện chủ đầu tư cho biết.

Ghi nhận ý nghĩa của công trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam nhấn mạnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo góp phần tạo điều kiện cho người dân huyện Vĩnh Bảo và các khu vực lân cận thuộc huyện Tiên Lãng, tỉnh Thái Bình, tỉnh Hải Dương được tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao.

Cung đường ven biển Đà Nẵng – Chu Lai: Dấu ấn tầm nhìn quy hoạch

Từ những làng chài lùm xụp, ao hồ – đầm trũng xen kẽ, chỉ sau hơn 20 năm, khu vực ven biển Đà Nẵng – Quảng Nam đã trở thành một chuỗi đô thị du lịch sầm uất.

Tuyến đường ven biển nối từ Đà nẵng đến Chu Lai đang trở thành điểm nhấn kiến trúc đô thị ven biển.
Tuyến đường ven biển nối từ Đà nẵng đến Chu Lai đang trở thành điểm nhấn kiến trúc đô thị ven biển.

Ông Phan Qua (khối phố Viên Minh, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn nhớ như in những hình ảnh của 20 năm trước. Khi đó, cả một vùng ven biển từ Sơn Trà đến sát Hội An chỉ là những làng chài lùm xụp lưng quay ra biển. Người dân quanh năm chỉ biết bám biển, bám những thửa đất cát cằn cỗi, bạc màu.

“Bãi biển khi ấy chỉ là nơi tập kết tàu thuyền. Người dân các xóm chài muốn vào thành thị hay trung tâm huyện lỵ phải đi bộ trên những con đường cát trắng dài 5 – 6 cây số, vất vả vô cùng, nhất là những khi trời nắng”, ông Qua nhớ lại.

Và rồi, nhiều năm sau đó, mọi thứ dần thay đổi khi lãnh đạo TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam và đã nhìn ra những tiềm năng tiềm ẩn từ khu vực ven biển. Từ đó, những con đường mới dần hình thành trong suốt 2 thập kỷ qua.

Tại Đà Nẵng, đường Võ Nguyên Giáp đã được xây dựng, sau này nối dài thêm đường Trường Sa – Hoàng Sa ở hai phía. Tại Quảng Nam, đường Lạc Long Quân chạy dọc khu vực ven biển thị xã Điện Bàn, đi qua cầu Cửa Đại, nối tiếp con đường ven biển kéo dài từ Duy Xuyên qua Thăng Bình đến Tam Kỳ đã hoàn thành. Những con đường này đã làm thay đổi diện mạo cả một vùng Đông Đà Nẵng – Quảng Nam một cách nhanh chóng.

Từ một vùng đồng chua nước mặn, cát trắng khô cằn, hiện nay, dọc ven biển Đà Nẵng – Quảng Nam đã là nơi hội tụ của những dự án nghỉ dưỡng và khu đô thị “triệu đô”, góp phần đưa du lịch hai địa phương lên tầm cao mới. Nếu Quảng Nam có Vinpearl Nam Hội An, Tổ hợp khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, Shilla Monogram, The Nam Hai, quần thể đô thị One World Regency…, thì Đà Nẵng có Cocobay, Furama, Ariyana, Vinpearl, Premier Village, Pullman, Hyatt, IHG, Four Points by Sheraton…

Ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam khẳng định, tuyến đường ven biển không chỉ thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây, mà còn trở thành thế mạnh của địa phương để thu hút đầu tư vào du lịch và các dự án nghỉ dưỡng.

“Nếu như trước đây, du lịch là điều gì đó xa vời ở vùng Đông do cách trở đường sá, đò ngang, thì bây giờ, khu vực này là nơi thu hút nhiều dự án du lịch nhất ở Quảng Nam”, ông Phong cho biết.

Nếu những năm trước đây, tại khu vực phía Đông Đà Nẵng – Quảng Nam, trục đường ven biển mới chỉ liên thông từ quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng đến TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (đường 129 giai đoạn I), thì hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục thực hiện Dự án Đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai (đường 129 giai đoạn II).

Dự án Đường 129 giai đoạn II có chiều dài toàn tuyến là 26,5 km với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Dự án có điểm khởi đầu tại Khu công nghiệp Tam Thăng (xã Tam Phú, TP.  Tam Kỳ) và điểm kết thúc tại nút giao đường vào sân bay Chu Lai, địa phận xã Tam Quang (huyện Núi Thành). Trong đó, đoạn qua Khu đô thị Vịnh An Hòa là điểm nhấn về kiến trúc đô thị ven sông có chiều dài 3,1 km với mặt đường rộng đến 38 m, kết nối vào sân bay Chu Lai. Dự kiến, tháng 10/2020, tuyến đường này sẽ hoàn thành.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, bên cạnh việc tăng tốc tiến độ để hoàn thành tuyến đường 129 giai đoạn II, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đang lập quy hoạch một số dự án hai bên tuyến này như Khu đô thị Chu Lai, Khu dân cư đô thị – dịch vụ – du lịch Tam Hòa – Tam Tiến, Khu đô thị Tây Bắc sân bay Chu Lai…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đánh giá: “Công trình đường 129 giai đoạn II có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam. Đây là tuyến đường đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng phát triển du lịch – dịch vụ, công nghiệp của Khu kinh tế mở Chu Lai. Con đường hoàn thành cũng sẽ kết nối hoàn chỉnh, thông suốt hành lang giao thông ven biển từ Đà Nẵng đến hết tỉnh Quảng Nam”.