“Cây gậy” pháp lý mới của công đoàn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhân sự kiện này, phóng viên đã phỏng vấn Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính – Phó Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Thưa Phó Chủ tịch, Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, nhưng dưới luật còn có các văn bản hướng dẫn thi hành. Là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật CĐ (sửa đổi), Tổng LĐLĐVN còn phải triển khai thực hiện những gì trong thời gian tới?

– Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 6 chương, 33 điều – tăng 2 chương và 14 điều so với Luật Công đoàn năm 1990. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự án luật, Tổng LĐLĐVN (cơ quan soạn thảo) cùng với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) và Quốc hội đã thực hiện triệt để nguyên tắc cụ thể hoá các quy định về CĐ trong một số văn bản pháp luật đã khẳng định được tính hợp lý trong quá trình thực hiện, hạn chế tối đa việc phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, do phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật khá rộng, cũng như vì lý do kỹ thuật lập pháp, nên nhiều vấn đề cụ thể không thể đưa chi tiết vào luật được mà sẽ do các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật quy định.

Dự kiến từ nay đến khi Luật Công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực pháp luật (1.1.2013), Tổng LĐLĐVN sẽ phối hợp với một số cơ quan chức năng xây dựng để trình Chính phủ ban hành 3 nghị định, gồm: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn; Nghị định quy định về kinh phí công đoàn; Nghị định quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật công đoàn.  

Để Luật Công đoàn (sửa đổi) nhanh chóng đi vào cuộc sống và thực sự trở thành “cây gậy” pháp lý hữu hiệu, không thể thiếu vai trò của tổ chức CĐ. Vậy trách nhiệm của các cấp CĐ trong việc này được xác định như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?

– Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Công đoàn (sửa đổi) cần thay đổi nhận thức cho rằng, Luật Công đoàn và việc thi hành Luật Công đoàn là việc riêng của tổ chức CĐ. Chấp hành pháp luật là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhưng để Luật Công đoàn (sửa đổi) nhanh chóng đi vào cuộc sống, thực sự trở thành “cây gậy” pháp lý hữu hiệu cho hoạt động CĐ thì vai trò, trách nhiệm của tổ chức CĐ là rất quan trọng. Muốn vậy, tổ chức CĐ cần tập trung một số giải pháp sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Công đoàn đến mọi cán bộ, đoàn viên và CNVCLĐ, kể cả người sử dụng LĐ.

CĐ các cấp cần chủ động hoặc phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Công đoàn cho CNVCLĐ, chủ sử dụng LĐ, đội ngũ cán bộ quản lý các cấp. Sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị và đặc điểm của từng đối tượng tuyên truyền. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các phương tiện thông tin của tổ chức CĐ.

Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Công đoàn. CĐ phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan thực hiện quyền kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật; gắn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Công đoàn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, CĐ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm.

Ba là, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động CĐ, đảm bảo cho hoạt động CĐ phù hợp với cơ chế thị trường theo định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả vai trò của tổ chức CĐ trong quan hệ LĐ, cũng như vai trò của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc hỗ trợ CĐCS và đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ ở những nơi chưa có tổ chức CĐCS; phát huy hiệu quả việc sử dụng các quyền CĐ theo quy định của Luật Công đoàn (sửa đổi).

Bốn là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ CĐ. Thực hiện nghiêm cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ, nhất là đối với cán bộ CĐ không chuyên trách ở các doanh nghiệp.

– Xin cảm ơn Phó Chủ tịch.

Quang Chính thực hiện

Nguồn: Báo điện tử Lao động