Chấn chỉnh sai lệch thông tin doanh nghiệp giữa các hệ thống
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 

Nguyên nhân phải ban hành quy định này, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, là do tính đến thời điểm hiện tại hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp thường tồn tại sai khác giữa thông tin của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cũng như giữa thông tin trên hệ thống dữ liệu và thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

Điều này có thể thấy qua sự tồn tại của khái niệm “doanh nghiệp ma”, “doanh nghiệp mất tích” trong đời sống kinh tế Việt Nam, nhằm chỉ các doanh nghiệp có tên trong hệ thống đăng ký kinh doanh, nhưng không hoạt động tại địa chỉ đăng ký; hoặc những doanh nghiệp đã bị xoá tên khỏi hệ thống đăng ký kinh doanh, nhưng vẫn có trong danh sách của cơ quan thuế do nợ đọng…

Một điều hiển nhiên khác cũng được các đơn vị liên quan thấy rõ là, số lượng doanh nghiệp giữa VCCI, Tổng cục Thuế, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh… đang có sự “vênh” nhau đáng kể với nhiều lí do, trong đó có lí do sai lệch thông tin doanh nghiệp kể trên.

Mặc dù trước đó, Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp được thực hiện từ tháng 6/2010 tới nay đã lần đầu tiên tạo được bộ cơ sở dữ liệu cập nhật và đầy đủ về hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đã được vận hành.

Ngay lập tức, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động được cập nhật và được công bố một cách chính xác, không còn tình trạng doanh nghiệp ma như trước. Cụ thể, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2011, có 48.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Như vậy, số liệu đã cụ thể và chính xác từng ngày trên hệ thống thay vì những ước đoán như trước.

Tuy nhiên, bộ cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp hiện tại được xây dựng trên cơ sở thông tin hiện có của các cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, chưa có sự rà soát, đánh giá giữa thông tin này và thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

Chính vì vậy,  dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp ra đời sẽ làm rõ những vấn đề: thông tin về đăng ký doanh nghiệp đều chính xác và cập nhật, đảm bảo môi trường thông tin doanh nghiệp minh bạch, rõ ràng. Ngoài nội dung thông tin về tên doanh nghiệp, mã số, tên người đại diện theo pháp luật và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp được cung cấp miễn phí, các tổ chức, cá nhân có quyền tiếp cận các thông tin có thu phí về từng doanh nghiệp.

Đồng thời, thông tin các doanh nghiệp “khai tử” như: phá sản, sáp nhập, không có khả năng đống thuế… cũng sẽ được cập nhật và liên thông giữa các cơ quan quản lý, tránh hiện tượng “ông nói gà, bà nói vịt” khi trích số liệu và thông tin cho báo giới cũng như báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ như hiện nay.

Cụ thể các phương án được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đưa ra là:

– Với doanh nghiệp không còn thực hiện nghĩa vụ thuế, nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế và thủ tục giải thể, phá sản theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các thủ tục giải thể, phá sản hoặc hoàn thành nghĩa vụ thuế để khôi phục hoạt động của doanh nghiệp.

– Với các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp), nhưng không có trong cơ sở dữ liệu đăng ký thuế sẽ được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đăng ký thuế hoặc thực hiện các thủ tục để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Những trường hợp doanh nghiệp đăng ký thông tin doanh nghiệp sai lệch, cố tình dấu diếm thông tin với những ý đồ khác nhau, nếu bị phát hiện, doanh nghiệp sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định và phải làm lại hồ sơ để cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới.

Nam Phương
Nguồn: www.taichinhdientu.vn