Chỉ ban hành thủ tục hành chính khi thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp, hiệu quả
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cần thiết, hợp lý, hợp pháp, hiệu quả

Khi thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và hiệu quả thì hãy ban hành thủ tục hành chính. Không đặt ra các thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức… Đây cũng chính là một trong những yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong việc triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính tại Bộ Tư pháp.  

Trước yêu cầu nâng cao chất lượng thể chế, gắn công tác xây dựng thể chế, theo dõi thi hành pháp luật với công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC thống nhất, hiệu quả, Bộ Tư pháp triển khai cụ thể một số công việc nhằm đẩy mạnh cải cách TTHC. Văn bản số 4534/BTP-KSTT (31/10/2014) về việc triển khai công tác cải cách TTHC tại Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc triển khai một số công việc cụ thể. Theo đó các thủ trưởng các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc đánh giá của TTHC theo đúng quy định của Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/2/2014 của Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật  (QPPL) về TTHC, bảo đảm chỉ ban hành các thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp  pháp, hiệu quả. 

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc phối hợp với Cục Kiểm soát TTHC khi thẩm định dự án, dự thảo văn bản QPPL có quy định về TTHC theo Quyết định số 1598/QĐ-BTP (ngày 8/9/2014) của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thẩm định dự án, dự thảo văn bản QPPL, nội dung thẩm định phải bảo đảm xem xét, đánh giá quy định TTHC trên cơ sở các tiêu chí quy định tại Thông tư số 07//2014/TT-BTP, bảo đảm có tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Cục kiểm soát TTHC về quy định TTHC (nếu có) tại dự án, dự thảo văn bản QPPL.
 
Công bố công khai TTHC 
 
Cùng với việc đánh giá tác động của TTHC, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải kịp thời công bố, công khai TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Tư pháp, kịp thời thời trả lời phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức về quy định hành chính, TTHC đúng quy định tại Quyết định số 1066/QĐ- BTP ngày 14/5/2014 của BTP. Tăng cường phối hợp với Cục kiểm soát TTHC đẩy mạnh tuyên truyền về công tác kiểm soát TTHC, nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến cải cách TTHC và quy định có liên quan; hoàn thành việc mở rộng hệ thống quản lý đánh giá công tác kiểm soát TTHC tại Bộ, ngành, địa phương để áp dụng trong toàn quốc vào năm 2015.
 
Đặc biệt, cần chủ động nghiên cứu, rà soát và đề xuất đơn giản hóa TTHC đối với các lĩnh vực. Trong đó có lĩnh vực lý lịch tư pháp, công chứng, thi hành án dân sự…Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất cải tiến phương thức giải quyết thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp, cách thức phối hợp giữa cơ quan tư pháp và cơ quan công an để rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục trực tuyến. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá việc sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp tránh tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong giải quyết TTHC, gây ảnh hưởng bí mật đời tư của công dân. 
 
Đối với lĩnh vực công chứng, Cục bổ trợ tư pháp có trách nhiệm sớm nghiên cứu triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về công chứng và thực hiện việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các tổ chức hành nghề công chứng để bảo đảm an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch. Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất phương án tiếp tục đơn giản hóa thủ tục bổ nhiệm công chứng viên; công khai, minh bạch quy trình thực hiện, xem xét, quyết định thành lập tổ chức hành nghề công chứng. 
 
Để giảm chi phí về thời gian, tiền của cho người dân, Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm rà soát thủ tục bổ nhiệm và cấp Thẻ thừa phát lại, giảm bớt thành phần hồ sơ theo hướng kế thừa kết quả thực hiện thủ tục trước, đồng thời rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục. Bên cạnh đó, rà soát thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại theo hướng tiền kiểm sang hậu kiểm, đơn giản hóa các thành phần hồ sơ thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Theo đó, khi đăng ký thành lập Văn phòng thừa phát lại không cần nộp giấy tờ chứng minh về trụ sở, hợp đồng lao động. Những điều kiện, thành phần hồ sơ này sẽ được kiểm tra khi thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại. 
 
Trong lĩnh vực hộ tịch, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-TTg về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính.

Hà An
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân