Chỉ số giá tiêu dùng giảm không bền vững
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ trong 6 tháng qua đã có diễn biến khác với thông lệ hàng năm. Điều này có thể thấy ngay trong tháng 2.2012, với việc CPI chỉ tăng 1,37% so với tháng trước đó. Đây là mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng giáp Tết Nguyên đán thấp nhất trong 10 năm qua. Đặc biệt là ngay sau tháng 2.2012 thì tốc độ tăng giá tiêu dùng trong các tháng tiếp theo ở mức trung bình là 0,2% và theo hướng giảm dần. Và đến tháng 6.2012 thì tốc độ tăng chỉ số này đã giảm 0,26% so với tháng trước. Như vậy, thay vì thông lệ giá tiêu dùng tăng mạnh trong những tháng đầu năm và giảm nhẹ, ổn định trong những tháng cuối năm, thì trong năm 2012 chỉ số này sụt giảm bất thường.

Theo các chuyên gia tại Hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam trong 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm, mức tăng giá tiêu dùng được hạn chế trong thời gian qua là do cầu của thị trường yếu, nhất là thị trường trong nước. Sức mua thấp nên những đợt điều chỉnh giá xăng dầu, tăng lương không tạo nên hiện tượng lạm phát kỳ vọng như thường thấy. Bên cạnh đó là một số yếu tố khác như tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định, giá các mặt hàng nguyên nhiên liệu đầu vào sản xuất giảm từ tháng 4.2012, doanh nghiệp thực hiện nhiều chương trình khuyến mại… Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng, việc triển khai những biện pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 13 của Chính phủ cũng tác động đến chỉ số này. Bởi việc tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách Nhà nước, siết chặt đầu tư công, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt thận trọng… đã khiến lượng tiền được đưa ra giảm đi.

Giá tiêu dùng chỉ tăng 2,25% trong 6 tháng đầu năm nghĩa là còn nhiều dư địa để điều hành chỉ số này. Và trong các tháng tới, giá tiêu dùng chỉ cần tăng trung bình 0,5% sẽ giúp thực hiện chỉ tiêu lạm phát được QH đưa ra là 9% trong năm 2012. Như vậy, có thể vui mừng vì kết quả kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ trong thời gian qua không? Theo nhiều chuyên gia, chúng ta nên mừng ít mà lo nhiều với diễn biến giá tiêu dùng trong thời gian này. Bởi bản chất của giảm giá tiêu dùng không phải do kiềm chế lạm phát thấp khiến kinh tế khó khăn, mà ngược lại là do kinh tế khó khăn, với những tác động không mong muốn đã dẫn đến CPI tăng thấp. Khi sản xuất, kinh doanh khó khăn thì điều dễ thấy là hàng tồn kho tăng, tạo áp lực giảm giá lên doanh nghiệp. Như vậy, việc giảm giá các mặt hàng là không bền vững. Về vấn đề này, Ts Ngô Trí Long nhận định, nền kinh tế đang rơi vào trạng thái suy giảm nên những tác động tương tự đối với giá tiêu dùng sẽ tiếp tục trong những tháng cuối năm, cũng như cả năm 2012. Mặt khác, Tết Nguyên đán năm nay sẽ không trùng với Tết dương lịch như năm 2011 nên áp lực tăng giá trong dịp này sẽ tác động ít đến diễn biến giá tiêu dùng trong năm nay.

Các chuyên gia lo lắng trước diễn biến này cũng bởi khi CPI tăng trưởng âm, tổng sản phẩm quốc dân (GDP) giảm liên tục trong nhiều tháng thì có nghĩa là giảm phát đã xảy ra. Về lý thuyết, giảm phát sẽ đi cùng với sụt giảm cung tiền, tín dụng, tăng sản lượng chung, giảm tổng cầu và tăng cầu tiền. Như vậy, cuộc sống của người dân sẽ khó khăn hơn. Và điều đặc biệt của tình hình hiện nay là giảm cầu chủ yếu do chính sách thắt chặt tiền tệ thận trọng để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát tạo ra. Tất nhiên, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát thì sẽ khó không sử dụng một số giải pháp để giảm nhu cầu tiêu dùng. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc đẩy mặt bằng lãi suất lên quá cao là không hợp lý vì sẽ chẳng những giảm cầu mà còn có thể cắt cầu. Điều này đặt cơ quan chức năng trước bài toán khó giải hơn là nợ xấu, thất nghiệp và đình trệ sản xuất.

Trước thực tế này một câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra là nên tiếp tục giữ mục tiêu kiềm chế mức tăng chỉ số giá tiêu dùng hay cần chuyển sang kiểm soát chỉ số này? Nhưng chắc chắn rằng việc kiềm chế CPI sẽ đơn giản hơn việc kiểm soát. Bởi thực hiện mục tiêu kiềm chế tăng giá tiêu dùng có thể sử dụng các chính sách tiền tệ để tạo kết quả ngay lập tức. Mục tiêu này cũng không đòi hỏi phải duy trì trong thời gian dài vì công cụ tiền tệ thường tạo ra những ảnh hưởng không mong muốn. Trong khi đó, để kiểm soát được CPI đòi hỏi phải chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào vốn chuyển sang tăng trưởng theo chiều sâu. Bởi tăng trưởng theo xu hướng này có nghĩa là phải tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nâng cao năng suất hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế… Về nguyên lý, khi hiệu quả sản xuất tăng lên thì giá nhiều mặt hàng có cơ hội giảm vì doanh nghiệp không mất nhiều chi phí, trong khi, số lượng và chất lượng tăng lên.

Lê Bình
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân