Chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 sẽ là bao nhiêu?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Không ngạc nhiên khi CPI giảm

Có thể thấy, việc chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 giảm 0,26% so với tháng 5 không khiến các chuyên gia ngạc nhiên vì những tháng trước CPI đã liên tục tăng rất thấp. Và từ những tháng đầu năm, thay vì những dự đoán chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2012 đã giảm xuống mức 8%. Trong tháng 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, chủ động điều hành lạm phát ở mức 8%, CPI tăng khoảng 6%. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng chỉ tăng 2,52%. So với mức 8% thì dư địa còn rất lớn.

Việc chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp có một số nguyên nhân chính. Trong đó, tiền tệ vẫn là yếu tố chính tạo lạm phát thì liên tục bị thắt chặt từ đầu năm. Nhiều tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ở mức âm. Dòng tiền không đi vào sản xuất, trong khi hàng hóa tồn kho lớn, không tiêu thụ được, khiến mất cân đối tiền hàng.

Một yếu tố tác động lớn vào chỉ số giá tiêu dùng là cầu kéo. Thế nhưng nhìn vào sự tồn kho hàng hóa như phân tích vừa rồi thấy rằng, cầu sụt giảm mạnh. Cầu sụt giảm ở cả trong nước và xuất khẩu. Minh chứng là một số tính toán cho thấy, chỉ số hàng tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến tính đến cuối tháng 5 tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Vấn đề là tình hình tiêu thụ hàng hóa không hề khá hơn trong hai tháng 5 và 6. Bộ Công thương cho rằng, tìm đầu ra đang là vấn đề cấp thiết với sản xuất.

Trong nước, người dân thắt chặt chi tiêu. Đến cuối tháng 5 vừa qua, một số con số cho thấy, mức tăng lượng hàng hóa được lưu thông chỉ khoảng 18,8%, thấp nhất kể từ tháng 3.2009. Dễ thấy là hàng loạt các siêu thị điện máy đóng cửa. Hàng điện máy, hàng vật liệu xây dựng… ế ẩm, liên tục khuyến mại. Ngay như trong công bố của Tổng cục thống kê, thì trong các nhóm hàng tính CPI, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, giao thông, văn hóa giải trí, nhà ở và vật liệu xây dựng đều giảm so với tháng 5.2012.

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu hiện vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vì họ am hiểu thị trường thế giới, khả năng tiếp cận thị trường tốt. Trong khi doanh nghiệp trong nước lại gặp rất nhiều khó khăn. Những mặt hàng chính của nước ta như gạo, gỗ, dệt may, da giày đều gặp khó khăn trong xuất khẩu. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước mới đạt khoảng 45 tỷ USD, tương đương 45% mục tiêu của cả năm.

CPI trong năm 2012 sẽ tăng bao nhiêu?

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu chỉ số giá tiêu dùng từ nay đến cuối năm sẽ ra sao. Thực sự đây là bài toán khó, vì ngay từ đầu năm, có những tổ chức dự đoán CPI cả năm của Việt Nam sẽ khoảng 13%, có tổ chức dự báo khoảng 10%, còn mục tiêu của Chính phủ được Quốc hội phê chuẩn là khoảng 9%.

Đáng chú ý nhất có lẽ là dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, khi chỉ dự báo lạm phát cao nhất cũng chỉ 6,18%, còn thấp nhất khoảng 4,6%. Chưa biết dự báo này có chính xác hay không, nhưng cũng với phương pháp dự báo này, năm ngoái, Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã dự báo đúng lạm phát của Việt Nam là 18 – 19%. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế rồi một số tổ chức trong nước chỉ dự báo lạm phát của nước ta ở mức 13 – 14%.

Hiện tại sau 6 tháng, CPI chỉ tăng có 2,52%, nghĩa là so với mục tiêu cao nhất là 9%, thì còn tới 6,48% dư địa. Việc dự đoán chỉ số giá tiêu dùng từ nay đến cuối năm có vẻ khó khăn hơn, khi chỉ số giá tiêu dùng đang diễn biến không theo quy luật. Lẽ ra sau Tết Nguyên đán, giá tiêu dùng có tăng mạnh rồi giảm dần ổn định, thì nay lại sụt giảm mạnh bất thường. Ngoài ra, việc dự đoán còn phụ thuộc vào độ trễ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường của Chính phủ mang lại hiệu quả. Trong đó phải kể đến Nghị quyết 13 của Chính phủ vừa ban hành.

Từ nay đến cuối năm, những yếu tố đáng chú ý có thể tác động đến chỉ số này là tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã siết chuyện lách trần lãi suất huy động. Mức khoảng trên 10% cũng là hợp lý, vì lãi suất huy động dài hạn phải cao hơn ngắn hạn. Theo Giám đốc Học viện ngân hàng Tô Kim Ngọc, vấn đề là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Nếu không hấp thụ được vốn, thì việc giảm lãi suất sẽ giảm đi ý nghĩa. Thực tế hiện nay doanh nghiệp đang khó khăn nhất là đầu ra, hàng tồn kho lớn. Nếu từ nay đến cuối năm không cải thiện tình hình hàng tồn kho, thì việc hấp thụ vốn cũng vẫn rất khó khăn. Khi đó, sản xuất tiếp tục đình đốn, và chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục thấp, kinh tế cho chiều hướng suy giảm.

Cũng phải nói thêm là các ngân hàng hiện nay đang khó khăn về nợ xấu lớn, nên không dễ gì cho vay nếu như dự án vay được xác định là khả thi. Trước mắt, với mức lạm phát thấp như hiện nay, Giám đốc Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Vietinbank Nguyễn Thị Mùi cho rằng, các ngân hàng vẫn có cơ hội dư thanh khoản, vì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư có lợi lúc này, tránh một sự dịch chuyển tiền ra các lĩnh vực nhạy cảm khác.

Thêm một cái khó nữa, là tiêu dùng trong nước vẫn chưa có những khởi sắc. Trong tháng 5 và tháng 6 không phải không có những yếu tố kích thích tiêu dùng, như giá xăng dầu giảm hai lần, từ 1.5 tăng lương đối với cán bộ công chức Nhà nước, rồi giá gas liên tục giảm, hàng loạt các nhóm hàng hóa có khuyến mại lớn và liên tục… thế nhưng, tâm lý tiêu dùng vẫn nằm trọn trong các cụm từ như hai chữ thắt chặt, tiết kiệm.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu cũng có khó khăn nhất định khi dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, năm 2012 tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ tăng 4%, thấp hơn mức dự báo cũ ở mức 4,3%. Citigroup cũng hạ dự báo tăng trưởng xuống 2,9%, Goldman Sachs dự báo tăng trưởng 3,5%. Sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tác động đến tiêu dùng, vì vậy ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta.

Với mức chỉ số giá tiêu dùng như vậy thì hình ảnh song song là tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân (GDP) cũng đáng lo ngại. Trong tháng 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cảnh báo dấu hiệu của suy giảm kinh tế. GDP quý I chỉ tăng 3,97%, thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Tăng trưởng GDP trong quý II.2012 được dự báo chỉ tăng 4,5%. Với lạm phát bị siết chặt như vậy, thì tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân tăng thấp không phải là khó lý giải.

Vũ Dũng
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân