Chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 – Vượt 2 con số?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá tăng ngoài dự đoán?

Theo Bộ Công Thương, mặc dù các bộ, ngành, địa phương cùng các DN tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp kiềm chế tăng giá, nhưng do có nhiều yếu tố tác động ngoài dự đoán đã đẩy giá tiêu dùng tháng 11/2007 cao hơn so với các tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là giá vật tư, hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu. Trong khi đó, kim ngạch NK vào Việt Nam chiếm đến 82,8% GDP nên hàng hóa sản xuất trong nước chịu tác động rất mạnh thị trường thế giới. Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều lần giảm thuế NK các mặt hàng nhưng do giá NK tăng cao hơn mức độ giảm thuế, nên giá cả trong nước vẫn tiếp tục tăng. Trong nước bị ảnh hưởng của bão, lũ, dịch bệnh… và thông tin sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 1/1/2008 đã tạo sức ép tăng giá nhiều mặt hàng trên thị trường trong nước: lương thực, thực phẩm, nông sản (đậu xanh, lạc, vừng…), đường kính, phân bón, thép xây dựng… Với mức tăng 1,23%, CPI tháng 11 là mức cao thứ 2 kể từ đầu năm đến nay (chỉ thấp hơn tháng 2 – tháng có Tết Nguyên đán) và cao gấp đôi tốc độ tăng của tháng 11 năm trước.

Tính chung 11 tháng, giá tiêu dùng đã tăng 9,45%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước, cao nhất so với cùng kỳ của 10 năm trước đây. Như vậy, chắc chắn CPI cả năm sẽ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, cũng có nghĩa là không đạt được mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế do Quốc hội đề ra.

Tháng 12 còn nhiều tác động

Tác động của đợt tăng giá xăng dầu mới đây sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến hàng thị trường trong nước. Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính- cho biết: trước hết, giá xăng dầu tăng tác động vào CPI trên 0,35%, tuy nhiên, có khả năng mức tác động này sẽ bị nhân đôi bởi ảnh hưởng đến nhiều hàng hóa khác, nghĩa là khoảng 0,7%; đó là chưa kể yếu tố tâm lý thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, do bão lũ mạnh ở miền Trung ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo, dự đoán, sản lượng lúa năm nay. Trong tháng cuối cùng của năm 2007 và thị trường dịp Tế Nguyên đán chỉ xấp xỉ năm 2006. Để đảm bảo an ninh lương thực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực cần khống chế lượng gạo XK ở mức 4,6 triệu tấn.

Ông Nguyễn Tiến Nghi- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)- cho rằng: dầu mazut có mức tăng giá cao nhất, thêm 2.500 đồng/kg, nhiên liệu chủ yếu trong sản xuất thép là dầu mazut, sẽ khiến giá thành sản xuất thép tăng lên khoảng 30.600 đồng/tấn. Do đó, tính từ nay đến hết năm 2007, để sản xuất thêm 400.000 tấn thép, ngành thép phải chịu tăng thêm một khoản 40 tỉ đồng do tăng giá mazut, đó là chưa kể việc điều chỉnh giá xăng sẽ khiến chi phí vận chuyển của mặt hàng này tăng thêm khoảng 4-5% giá bán. Bên cạnh đó là những thông tin Trung Quốc sẽ tăng thuế XK phôi thép từ 15 lên 25%, thép thành phẩm từ 10 lên 15%. Tuy nhiên, hiệp hội đưa ra khuyến cáo các DN thép nên tăng giá từ từ, trách gây đột biến cho thị trường. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất phôi thép, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có công văn đề nghị Chính phủ có giải pháp “cởi trói” cho việc NK phế liệu thép.

Đối với xi măng, đại diện của Bộ Xây dựng, cho biết: Tổng công ty Xi măng chưa có kế hoạch tăng giá bán xi măng để tránh ảnh hưởng đến thị trường. Việc điều chỉnh giá xăng dầu mới đây, ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty xi măng Hà Tiên 2, vì trên 70% nhiên liệu sản xuất của DN này là dầu ma dút. Bộ Xây dựng yêu cầu Xi măng Hà Tiên gấp rút chuyển đổi công nghệ sản xuất xi măng dùng nhiên liệu mazút bằng than đá.

Một số giải pháp kiềm chế giá

Nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, tránh tăng giá đột biến kể từ nay đến cuối năm và nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hạn chế XK gạo, giãn thời gian nộp thuế GTGT đối với các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, phân bón NK. Riêng mặt hàng thức ăn chăn nuôi, đề nghị cho các nhà NK nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam sớm hơn 2 năm so với cam kết WTO, tránh việc độc quyền của một vài DN trong nước như hiện nay làm đẩy giá bán lên. Bộ NN &PTTNT cũng đề nghị cầu Bộ Công Thương cho các DN nhập 55.000 tấn đường trong hạn ngạch để tăng nguồn cung trong dịp Tết.

Theo bà Lê Thị Kim Ngân – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước: Hiện nay, tại cửa khẩu Móng Cái đang có hiện tượng xuất thịt lợn qua biên giới theo đường tiểu ngạch. Trong 3 tháng qua, có khoảng 1.500 xe tải chở lợn qua Km 15 cửa khẩu Móng Cái (mỗi xe trên 2 tấn). Trong khi giá thịt lợn trong nước tăng cao, cần xem xét hiện tượng này tác động thế nào đến thị trường trong nước.

Tháng 12/2007 và những tháng đầu năm 2008, các biện pháp nhằm hạn chế tốc độ tăng giá sẽ được thực hiện quyết liệt hơn, nhưng do tác động của giá vật tư, hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn còn ở mức cao (gạo, cao su, phân bón, phôi thép và sản phẩm thép, dầu thô và sản phẩm xăng dầu, thuốc tân dược…), trong nước, thời tiết bão lũ, dịch bệnh còn diễn biến khó lường, nhu cầu chuẩn bị hàng Tết của các thành phần kinh tế ngày càng cao, sức mua xã hội sẽ rất lớn (giải ngân gấp rút cuối năm của các công trình, tiền thưởng cuối năm, đầu năm 2008 thực hiện điều chỉnh tăng lương tất cả các khu vực…), đặc biệt là tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào chi phí sản xuất, cước vận chuyển tăng… sẽ tạo sức ép tăng giá nhiều mặt hàng. Vì thế, dự báo chỉ số tiêu dùng tháng 12/2007 khoảng trên 1,5%. Như vậy chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2007 so với tháng 12 năm 2006 tăng khoảng 11%.

Nguồn: Báo Thương mại