Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng tới 3,91%
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thông tin trên được đưa ra sau khi chính phủ vừa kết thúc phiên họp thường kỳ để đánh giá tình hình kinh tế xã hội trong tháng 5 và đề ra các biện pháp hiệu quả để phát triển kinh tế đất nước.

Theo đánh giá của chính phủ, một số mặt của nền kinh tế đã đạt được kết quả thiết thực, nhưng các khó khăn, hạn chế đã được nêu trong tháng trước vẫn còn gay gắt và diễn biến phức tạp. Trong đó, giá cả tiếp tục tăng ở mức cao. Chỉ số giá sau khi có dấu hiệu giảm xuống 2,99% trong tháng 3 và 2,2% trong tháng 4, đến đầu tháng 5 lại tăng tới 3,91%.

Chính phủ nhận định, giá tăng cao trong tháng 5, ngoài các nguyên nhân đã nêu trong tháng trước còn do đột biến giá lương thực bị ảnh hưởng tâm lý thiếu lương thực toàn cầu. Giá cả tăng cao khiến đời sống của những người nghèo thêm khó khăn, tình trạng thiếu đói đã xuất hiện ở một số địa phương. Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã có 181.000 hộ thiếu đói, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh việc tăng giá, nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này là do thời tiết và thiên tai gây ra. Tuy nhiên, Chính phủ đã làm hết sức mình để bình ổn giá lương thực, chi 93 tỉ đồng đề nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu đói, nhất là ở các vùng miền núi, khó khăn, quyết không để cho người dân bị đói.

Một vấn đề cũng được Chính phủ lưu ý là tình trạng nhập siêu của nước ta. Nhập siêu của tháng 5 đã ở mức trên 14,4 tỉ USD, cao hơn mức nhập siêu của cả năm 2007 (năm 2007 nhập siêu là 14,12 tỉ USD, bằng 29% kim ngạch xuất khẩu) và đang có xu hướng tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có các biện pháp kiểm soát và nâng cao hiệu quả chi tiêu công. Theo báo cáo sơ bộ của 28 bộ, ngành trung ương và 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 8 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đến ngày 29-5 đã có 995 công trình, dự án đình hoãn, ngừng triển khai thực hiện và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch năm 2008 với tổng số vốn là 3.983 tỷ đồng, bằng 7,8% tổng vốn đầu tư trong nước thuộc ngân sách nhà nước năm 2008.

Bên cạnh đó, Bộ tài chính đã có hướng dẫn và quy định cụ thể về mức tiết kiệm 10% và các khoản cần phải giảm chi như tiết kiệm xăng dầu, điện nước, hội nghị tổng kết, mua ô tô, sủa chữa trụ sở… hầu hết các Bộ ngành, địa phương đều triển khai nghiêm túc quyết định của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp kiềm chế lạm phát để đưa đất nước đi lên, đồng thời khẳng định tiềm lực của đất nước ta hiện nay tốt hơn so với trước. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện tám nhóm giải pháp mà Thủ tướng đã nêu trước Quốc hội để đẩy lùi lạm phát, đưa đất nước phát triển.

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước cũng có quyết định về có chế điều hành lãi suất cơ bản bằng tiền đồng, phản ánh thực tế hơn lãi suất thị trường.

Cũng trong buổi họp báo chiều 2-6, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao một số cơ quan ngôn luận, trong đó có báo Quân đội nhân dân, đã có các tin bài phản ánh, làm rõ chủ trương mở rộng Hà Nội của Chính phủ, là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự đồng thuận nhất trí cao trong Quốc hội và được dư luận ủng hộ.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân