Chỉ thị mới về quản lý đầu tư công: Chính phủ quyết mạnh tay
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Với chỉ thị này, nhiều nguyên tắc mới được đưa ra trong giai đoạn 2012 – 2015, mà điểm nhấn là đầu tư công có trọng điểm, mạnh tay cắt giảm những dự án thiếu hiệu quả và tuyệt đối không có dự án mới nào được “mọc” thêm. 

Nói “không” với dự án mới

Điểm nhấn làm nóng hội thảo chính là việc phân bổ các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới. Trong khi các địa phương đều tỏ ra lo ngại về việc những dự án nào sẽ phải cắt bỏ, bao nhiêu dự án mới được thành lập, nguồn vốn ngân sách bổ sung là bao nhiêu thì Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, lý do ban hành chỉ thị nhằm tập trung mạnh vào cắt giảm đầu tư công theo chủ trương Chính phủ. Theo Bộ trưởng, cơ chế quản lý đầu tư hiện nay còn quá nhiều bất cập, như phân cấp quá rộng nhưng thiếu quản lý đồng bộ, quá nhiều dự án được phê duyệt dẫn đến mất khả năng cân đối vốn. Đặc biệt, bố trí vốn thì dàn trải, thời gian thi công thì kéo dài gây lãng phí nguồn lực, thiếu trọng tâm.

Một điểm mới nữa là có thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, bổ sung đầy đủ vào hồ sơ khi trình thẩm vấn lên bộ. Dự án nào không xác định rõ nguồn vốn, mức vốn, thi công kéo dài gây lãng phí thì người ký quyết định đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, từ năm 2012 Thủ tướng sẽ yêu cầu chặt chẽ xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn (từ 3 – 5 năm) cho các dự án đầu tư công. Trước mắt, sẽ xây dựng kế hoạch 2013 – 2015, từng địa phương sẽ được thông báo tổng mức đầu tư trong giai đoạn này, theo đó tính toán kế hoạch đầu tư theo đúng số vốn được giao, chủ động lến số lượng dự án.

Ông Vinh nhấn mạnh: “Vốn trái phiếu được ưu tiên theo các mức khác nhau, trong đó những công trình đã lên kế hoạch mà chưa khởi công sẽ dừng lại, trừ khi yêu cầu quá bức thiết thì phải có giải trình. Không phân bổ vốn hoặc hạn chế tối đa cho công trình mới. Chắc chắn năm 2012, số lượng công trình mới sẽ rất ít, nếu không muốn nói là không có”.

Không có ngoại lệ

Với việc bố trí tổng vốn trung hạn cho địa phương, Bộ KHĐT cho rằng cách làm này sẽ giảm được cơ chế xin – cho, đồng thời tăng chủ động cho các địa phương trong  bố trí cân đối vốn, sử dụng vốn đúng mục đích và trọng điểm. Đối với những dự án cần thiết, nhưng chưa cân đối được vốn trong bối cảnh vốn ngân sách eo hẹp, chỉ thị nêu rõ mở các kênh huy động mới có khả năng hoàn vốn cao (như hạ tầng đường giao thông, bệnh viện) theo hình thức như bán “đứt” cho DN, cùng đầu tư với DN và chia lợi nhuận hoặc giao cho nhà đầu tư trực tiếp làm, DN tự thu vốn… Cách làm sẽ linh hoạt theo hướng hỗ trợ chính sách ưu đãi cho DN để thu hút đầu tư.

Nhiều địa phương băn khoăn cho rằng, các dự án ra quyết định trước thời điểm ban hành chỉ thị nên có cơ chế thoáng hơn, tránh việc “hồi tố” với những quy định khác về quản lý giám sát đầu tư nêu ở chỉ thị. Về điều này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định rõ ràng là sẽ không có bất cứ ngoại lệ nào, kể cả với dự án đã được các tỉnh thông qua trước đó mà chưa triển khai thì vẫn nằm trong phạm vi điều chỉnh.    

Dương Hà
Nguồn: Báo Điện tử Lao động